Bảo vệ lợi ích chính đáng trong sản xuất, kinh doanh khi vợ chồng ly hôn

Cập nhật, 05:12, Thứ Ba, 09/04/2019 (GMT+7)

Vì nhiều mâu thuẫn nên chúng tôi quyết định ly hôn. Hiện tại, còn khó trong việc chia tài sản, vì cửa hàng kinh doanh do tôi quản lý và cũng sẽ là nguồn nuôi sống mẹ con tôi sau này nên tôi rất muốn lấy cửa hàng. Bên cạnh đó, chồng tôi cũng muốn lấy cửa hàng trong khi anh có chiếc xe để cho thuê và anh cũng có việc làm ổn định. Nếu tôi muốn lấy cửa hàng thì có được không?

L.T.H.N. (Tiền Giang)

Trả lời: Khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định nguyên tắc chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn, tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:

a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

Trong đó, trường hợp của chị hỏi được quy định tại điểm c khoản 4 Điều 7 Thông tư số 01/TTLT-TANDTC- VKSNDTC- BTP:

“Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập” là việc chia tài sản chung của vợ chồng phải bảo đảm cho vợ, chồng đang hoạt động nghề nghiệp được tiếp tục hành nghề; cho vợ, chồng đang hoạt động sản xuất, kinh doanh được tiếp tục được sản xuất, kinh doanh để tạo thu nhập và phải thanh toán cho bên kia phần giá trị tài sản chênh lệch.

Việc bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và hoạt động nghề nghiệp không được ảnh hưởng đến điều kiện sống tối thiểu của vợ, chồng và con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự.

Theo các quy định trên, chị có thể thỏa thuận với chồng chị hoặc đề nghị tòa án xem xét giải quyết.

Luật sư TRẦN VĂN SỸ