Hợp đồng mua bán nhà ở có hiệu lực từ thời điểm công chứng, chứng thực

Cập nhật, 05:09, Thứ Ba, 29/01/2019 (GMT+7)

Tôi đang thực hiện một giao dịch mua bán nhà ở, nhưng đang gặp khó vì lấn cấn về tiền bạc. Chúng tôi làm giấy tay chưa công chứng vì tôi dự định khi nhận tiền xong mới đi đến xã chứng. Nay, người mua muốn đổi ý. Vậy giao dịch mua bán nhà giữa tôi và người mua có hiệu lực chưa?

N.D. (Hậu Giang)

Trả lời: Khoản 1 Điều 122 Luật Nhà ở quy định như sau: Trường hợp mua bán, tặng cho, đổi, góp vốn, thế chấp nhà ở, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại phải thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 điều này.

Đối với các giao dịch quy định tại khoản này thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm công chứng, chứng thực.

Như vậy, nếu giao dịch mua bán nhà ở của anh thuộc một trong các trường hợp trên mà anh chưa công chứng hoặc chứng thực hợp đồng, xem như giao dịch đó chưa có hiệu lực.

Riêng khoản 2 điều luật trên quy định: Đối với trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương, mua bán, cho thuê, mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; mua bán, cho thuê, mua nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư; góp vốn bằng nhà ở mà một bên là tổ chức; cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở thì không bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp các bên có nhu cầu.

Đối với các giao dịch quy định tại khoản này thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là do các bên thỏa thuận, trường hợp các bên không có thỏa thuận thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm ký hợp đồng.

Luật sư TRẦN VĂN SỸ