Quyền yêu cầu tòa án trưng cầu giám định chứng cứ cho là giả mạo

Cập nhật, 15:18, Thứ Năm, 27/09/2018 (GMT+7)

Tôi đang có một vụ tranh chấp tài sản với người khác, chuẩn bị khởi kiện ra tòa. Thông qua người quen, tôi được biết phía bên kia đang thu thập chứng cứ để chống lại tôi, trong đó có cả chứng cứ giả mạo. Nếu khi tòa thụ lý, thấy không ổn, tôi muốn chứng minh cho tòa thấy đó là chứng cứ giả thì tôi phải làm sao?

L.V.C.

(Tiền Giang)

Trả lời:

Khoản 1 Điều 103 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định việc trưng cầu giám định chứng cứ bị tố cáo là giả mạo như sau: Trường hợp chứng cứ bị tố cáo là giả mạo thì người đưa ra chứng cứ đó có quyền rút lại. Nếu không rút lại thì người tố cáo có quyền yêu cầu Tòa án hoặc tòa án có quyền quyết định trưng cầu giám định theo quy định tại Điều 102 của bộ luật này.

Khoản 1 và 2 Điều 102 nói trên quy định như sau:

1. Đương sự có quyền yêu cầu tòa án trưng cầu giám định hoặc tự mình yêu cầu giám định sau khi đã đề nghị tòa án trưng cầu giám định nhưng tòa án từ chối yêu cầu của đương sự. Quyền tự yêu cầu giám định được thực hiện trước khi tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm, quyết định mở phiên họp giải quyết việc dân sự.

2. Theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết, thẩm phán ra quyết định trưng cầu giám định. Trong quyết định trưng cầu giám định phải ghi rõ tên, địa chỉ của người giám định, đối tượng cần giám định, vấn đề cần giám định, các yêu cầu cụ thể cần có kết luận của người giám định.

Luật sư TRẦN VĂN SỸ