Lời khai của người làm chứng khi được coi là chứng cứ

Cập nhật, 14:38, Thứ Ba, 19/06/2018 (GMT+7)

Tôi có một vụ việc tranh chấp dân sự dự định gửi đơn yêu cầu tòa án giải quyết. Cơ sở để tôi yêu cầu đó là tôi có được người làm chứng. Nhưng người này chỉ chịu làm chứng qua lời khai chứ không chịu xuất hiện trước tòa án. Trường hợp đưa bằng chứng chỉ bằng lời khai của người làm chứng có được không?

N.T.H. (TP Vĩnh Long)

Trả lời:

Nếu người làm chứng không chịu đến tham dự phiên tòa với tư cách người làm chứng, để lời khai của người làm chứng được xem là chứng cứ thì phải thực hiện theo khoản 5 Điều 95 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Điều luật này quy định: Lời khai của đương sự, lời khai của người làm chứng được coi là chứng cứ nếu được ghi bằng văn bản, băng ghi âm, đĩa ghi âm, băng ghi hình, đĩa ghi hình, thiết bị khác chứa âm thanh, hình ảnh theo quy định tại khoản 2 điều này hoặc khai bằng lời tại phiên tòa.

Khoản 2 điều luật trên như sau: Tài liệu nghe được, nhìn được thì được coi là chứng cứ nếu được xuất trình kèm theo văn bản trình bày của người có tài liệu đó về xuất xứ của tài liệu nếu họ tự thu âm, thu hình hoặc văn bản có xác nhận của người đã cung cấp cho người xuất trình về xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó.

Luật sư TRẦN VĂN SỸ