Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên khi chia tài sản

Cập nhật, 05:33, Thứ Sáu, 03/11/2017 (GMT+7)

Vợ chồng tôi vì mâu thuẫn nên quyết định ly hôn. Hiện tại, gia đình tôi có chiếc xe hơi hợp đồng chở khách, tôi trực tiếp lái xe. Đây cũng là việc làm và là nguồn sống duy nhất của tôi sau này. 

Vợ tôi có một cửa hàng buôn bán cũng có thể tự trang trải cuộc sống. Nhưng khi bàn tới việc chia tài sản, vợ tôi nói muốn lấy chiếc xe, chia cho tôi một khoản tiền.

Điều này sẽ thật sự làm tôi gặp khó khăn về sau. Do vậy, tôi có được quyền lấy chiếc xe và trả lại cho vợ tôi một khoản tiền để tiếp tục sinh sống bằng nghề cho thuê xe không?

L.V.C.(Cần Thơ)

Trả lời: Anh cứ trao đổi với vợ anh về ý nguyện của anh. Nếu vợ anh không đồng ý thì anh có thể nhờ tòa án xem xét giải quyết.

Theo khoản 4 Điều 7 Thông tư số 01/2016/TTLT- TANDTC-VKSNDTC- BTP: Trường hợp áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn thì tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi nhưng có tính đến một số yếu tố để xác định tỷ lệ tài sản mà vợ chồng được chia.

Trong đó, điểm c khoản 4 điều luật này quy định việc “Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập”, đó là việc chia tài sản chung của vợ chồng phải bảo đảm cho vợ, chồng đang hoạt động nghề nghiệp được tiếp tục hành nghề; cho vợ, chồng đang hoạt động sản xuất, kinh doanh được tiếp tục được sản xuất, kinh doanh để tạo thu nhập và phải thanh toán cho bên kia phần giá trị tài sản chênh lệch.

Việc bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và hoạt động nghề nghiệp không được ảnh hưởng đến điều kiện sống tối thiểu của vợ, chồng và con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự.

Luật sư TRẦN VĂN SỸ