Chiêu trò bán thuốc bảo vệ thực vật quá "đát"

Cập nhật, 09:14, Thứ Ba, 06/08/2019 (GMT+7)

Mùa mưa, nước ngập, ở xã Thanh Bình (Vũng Liêm), nhiều vườn cây đặc sản trồng bưởi, sầu riêng, mít… bị hỏng nặng do nước ngập làm cho bộ rễ bị thối. Đó cũng là lúc nhiều công ty bảo vệ thực vật (BVTV) mang phân bón, thuốc trừ sâu về quê để quảng cáo bán hàng.

Nhận được thư mời hội thảo của một công ty BVTV, ông Hai mừng rỡ vì sẽ được tư vấn giải quyết tình trạng vườn bưởi nhà mình bị ngập úng. Trong thư là lời chào mời hấp dẫn, nào là giới thiệu sản phẩm, nào là cho thêm phân thuốc khi mua hàng… Buổi hội thảo thu hút rất nhiều nhà vườn tham dự, mặc dù diễn ra trong một không gian nhỏ hẹp tại một nhà dân.

Sau phần tư vấn giới thiệu sản phẩm, nhân viên được cho là của một công ty BVTV X. giới thiệu là có cơ sở đặt tại TP Hồ Chí Minh bắt đầu mang các loại phân bón và thuốc trừ sâu để chào hàng.

Điều thu hút các nhà vườn ở đây chính là cách thuyết phục của các nhân viên với những chiêu trò hấp dẫn, sử dụng hình ảnh bắt mắt bằng cách đưa ra các khu vườn điển hình đã điều trị tình trạng bệnh vàng lá trên cây bưởi do ngập úng nên các nhà vườn cảm thấy hài lòng.

Công ty X. này còn hứa hẹn, nếu bà con mua số lượng lớn thì sẽ cử kỹ sư đến để trực tiếp theo dõi quá trình điều trị bệnh cho vườn cây. Khi đã chiếm trọn lòng tin của các nhà vườn, các nhân viên mang rất nhiều sản phẩm với nhiều mẫu mã khác nhau để cho người dân lựa chọn.

Tùy theo nhu cầu tiêu dùng của khách hàng mà các nhân viên này sẽ có chiêu trò khuyến mãi để “chiêu dụ” nhà vườn. Bất kỳ ai mua sản phẩm đều được “cho thêm” các mặt hàng phân bón hoặc thuốc trị bệnh trên cây ăn trái. Bằng cách đó, họ đã bán được rất nhiều sản phẩm chính và sản phẩm “cho thêm”.

Buổi hội thảo hôm ấy diễn ra rất sôi nổi, ai cũng mua được cho mình một số thuốc ưng ý với hy vọng sẽ trị được bệnh vàng lá do ngập úng.

Như bao bà con đi dự hội thảo khác, ông Hai cũng mua được hơn 10 túi thuốc trị bệnh vàng lá trên cây bưởi với giá 500.000đ và được “cho thêm” 5 gói phân bón lá giúp cây tăng trưởng. Ngày hôm sau, ông Hai bèn mang các sản phẩm ra để xem hướng dẫn sử dụng thì phát hiện 2 gói phân bón lá trong số sản phẩm cho thêm đã quá hạn sử dụng.

Ông Hai nghi ngờ chất lượng của các mặt hàng nên mang tất cả các loại thuốc mà mình đã mua ra cơ sở thuốc BVTV nhờ kiểm định thành phần.

Tại đây, ông Hai được tư vấn phần lớn các hoạt chất trong các bao thuốc đều không có chức năng trị bệnh giống như lời giới thiệu của các nhân viên công ty X. Mặt khác, các bao thuốc đều hết hạn hoặc sắp hết hạn. Bà con không chú ý là do dòng chữ in ngày sản xuất và hạn sử dụng nằm ở dưới đáy và rất nhỏ nên rất khó để nhìn thấy.

Sau khi nghe người có chuyên môn tư vấn, ông Hai đã không dám lấy số thuốc đã mua sử dụng trên vườn cây mình nữa. Dù rất tức giận nhưng cũng đành ngậm ngùi chịu mất trắng 500.000đ cùng thời gian ngồi nghe hội thảo.

Đánh vào lòng tham của bà con muốn nhận hàng khuyến mãi, bọn lừa đảo thường dùng các sản phẩm kém chất lượng hoặc quá hạn để “dụ dỗ” nhà vườn đồng thời phối hợp với người đứng đầu ban nhân dân ấp (khóm) để tạo niềm tin và thực hiện nhiều chiêu trò nhằm thu lợi cá nhân.

“Chiêu bài” mua hàng khuyến mãi tuy không mới nhưng cách thức tiến hành của bọn xấu là khá tinh vi. Bà con chú ý nên chọn sản phẩm ở những cửa hàng hoặc đại lý uy tín để tránh bị lừa- nhất là các mặt hàng như phân bón, thuốc trừ sâu, phòng trị bệnh.

HOÀNG LÊ