"Tín dụng đen" lộng hành ở nông thôn

Cập nhật, 07:37, Thứ Ba, 09/07/2019 (GMT+7)

“Tín dụng đen” vốn dĩ không lạ lẫm đối với người dân thành phố nhưng đối với người dân ở nông thôn, khái niệm này còn khá mơ hồ. Thực chất đây là một loại hình cho vay nặng lãi của cá nhân hoặc một tổ chức nào đó mà chưa được Nhà nước cấp phép. Thời gian gần đây, hình thức này đã tràn ngập về nông thôn gây ra tâm lý hoang mang, bất ổn đối với người dân.

Tháng trước, ông Hai (ngụ xã Thanh Bình- Vũng Liêm) đi tập thể dục thì phát hiện có mấy thanh niên đeo khẩu trang leo lên các cột điện để dán các tờ rơi. Không biết các tờ rơi ấy là gì, ông Hai lấy xuống một tờ xem thử thì phát hiện nội dung “Cho vay không thế chấp”. Theo đó, người vay vốn chỉ cần có giấy chứng minh và sổ hộ khẩu phô tô là có thể được vay tiền. Ở cuối tờ rơi có số điện thoại kèm theo lời cam kết đối với khách hàng.

Theo lời ông Hai, từ trước tới nay ông chưa từng thấy một hoạt động tín dụng nào được quảng cáo ngay “cột điện”. Bởi thông thường nếu vay tiền, người dân phải đến ngân hàng làm thủ tục và tất nhiên phải có tài sản thế chấp. Cũng giống như ông Hai, rất nhiều người địa phương đều nhầm tưởng đó là của Ngân hàng Nhà nước bởi ở phía trên của tờ rơi có ghi dòng chữ “Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”.

Thực chất, những tờ rơi mà ông Hai và người dân địa phương phát hiện là cách thức quảng cáo của tổ chức “tín dụng đen”. Đánh vào tâm lý của người dân ngại các thủ tục rườm rà khi đến các ngân hàng, bọn xấu đã dùng chiêu “dễ dãi” để lừa đảo. Những ai cả tin, nhẹ dạ gọi vào số điện thoại ấy tức thì sẽ có “nhân viên” đến làm việc ngay. Đúng như nội dung trên tờ rơi, tất cả các thủ tục đều tiến hành trong vài phút là khách hàng có thể nhận được tiền.

Bọn xấu mạo danh là “nhân viên” của ngân hàng nào đó rồi đưa ra các hình thức vay vốn để khách hàng lựa chọn. Khi đã “sập bẫy”, các nạn nhân mới hiểu được rằng đó là hình thức cho vay nặng lãi đang bị nghiêm cấm. Nếu tới ngày trả vốn hoặc lãi, người dân không có tiền thì bọn chúng sẽ dùng “luật rừng” để ép buộc phải thanh toán- thậm chí là “xiết” tài sản. Đây là hoạt động làm ăn phi pháp phổ biến ở thành thị nhưng hiện tại đã tràn về nông thôn.

Để không bị lừa đảo, người đi vay vốn dù đang có nhu cầu vay vốn cũng không nên mất cảnh giác với những hình thức vay “tín dụng đen” này. Tránh xa những quảng cáo kêu gọi vay vốn ưu đãi tại các bảng thông báo, tờ rơi ở ngã tư hay cột điện. Nên tìm hiểu thông tin vay vốn từ các ngân hàng hoặc các website tài chính uy tín có sự đảm bảo của Bộ Công thương. Tốt nhất là nên hỏi thăm, kiểm tra lại thông tin với bạn bè đồng nghiệp trước khi quyết định có vay vốn tại cá nhân hay tổ chức nào đó.

Nếu nhu cầu chưa thật sự cần hãy cân nhắc việc vay vốn. Dù sao, có vay sẽ phải có trả nên nếu không vay vì những mục đích chưa cần thiết thì bạn sẽ vẫn có cơ hội tránh xa những bẫy “tín dụng đen” chết người. Còn đối với người dân, khi bắt gặp có những tờ rơi hay biển quảng cáo có nội dung vay vốn với nhiều dấu hiệu bất thường nên báo với chính quyền địa phương hoặc công an để kịp thời can thiệp.

HOÀNG LÊ