Nghèo còn mắc cái eo

Cập nhật, 09:23, Thứ Ba, 27/02/2018 (GMT+7)

Thời gian gần đây, do làm ăn thua lỗ, gia đình chị K. vốn rất túng thiếu lại thêm nợ nần. Ở khu phố này, hầu như ngày nào bà con lối xóm cũng thấy chủ nợ đến đòi tiền chị K. Thậm chí chị còn nợ một số người cho vay nặng lãi có liên quan đến xã hội đen.

Hôm ấy, có một nhóm người đến nói đòi nợ cho chị Năm. Nhìn mấy người thanh niên lớp đeo kính đen, lớp bịt khẩu trang và nhiều hình xăm trổ trên mình, chị K. run cầm cập, không dám nhìn thẳng vào họ, than:

- Dạ, mấy anh… về nói lại với chị Năm… để từ từ em kiếm tiền rồi trả đủ cho chị. Mong… chị Năm bớt dùm em… tiền lời.

Vừa dứt câu thì chị bị nhóm người đó nạt, to tiếng, không cho thiếu, không bớt tiền lãi, phải trả ngay bây giờ,… Nhìn thái độ, lời hăm dọa rất “xã hội đen” của nhóm người đến đòi nợ thuê, bà con chòm xóm thấy tội nghiệp cho chị K. Còn những người qua đường vốn hiếu kỳ cũng không dám đứng lại nhìn lâu.

Sau một hồi than vãn, nài nỉ, người thanh niên có xăm hình rồng trên hai tay mở điện thoại.

- A lô! Dạ, chị Năm, bả hổng chịu đưa tiền, cứ xin khất tới khất lui hoài hà. Dạ, dạ, tụi em… cũng nói như vậy rồi mà… Dạ, dạ 3 ngày hả chị?

Người thanh niên quay sang nói với chị K.

- Tui nói chuyện với chị Năm rồi, hẹn trong vòng 3 ngày chị phải trả đủ phần vốn. Còn tiền lời... nếu chị trả vốn đúng hẹn thì bả cho luôn phần lời. Hay là… để tui bấm máy, chị nói chuyện với chị Năm cho rõ ràng. Nhưng… tui nói trước, chị biết tánh bả rồi, nói chuyện cập rập, không rõ ràng là bả chửi cho sấp mặt luôn chớ đừng có giỡn.

Chị K. vẫn chưa hết run:

- Dạ, dạ… nhờ anh về nói lại với chị Năm thông cảm, 3 ngày nữa tui trả một ít rồi trả dần theo nhiều đợt, được không anh?

Người thanh niên vung tay đấm mạnh xuống bàn, hăm dọa:

- Trời đất ơi! Cái bà này, được voi đòi tiên hả! Bà không lo cho lẹ thì coi chừng cẩn thận 2 đứa con đi học đó!

Thấy chị K. mếu máu, người thanh niên đi cùng dịu giọng:

- Thôi được rồi anh Hai ơi! Người ta đang khổ, chịu trả tiền nợ là có lòng rồi. Để anh em mình về năn nỉ tiếp dùm bà chị. Dù sao… tụi mình cũng đi đòi nợ mướn cho chủ thôi.

3 ngày sau, nhóm thanh niên lại đến nhà. Chị K. trả bớt 7 triệu đồng, chẳng là bao so với số tiền thiếu nhưng chị đã cố năn nỉ anh em, dòng họ cho mượn trong lúc khốn cùng.

Cầm số tiền trên tay, nhóm thanh niên ăn nói có vẻ từ tốn, lịch sự hơn lần trước.

- Để tụi tui về gởi tiền lại cho chị Năm. Tánh của bả coi ào ào vậy chớ… nếu chị chịu trả, dù là từ từ thì bả cũng ô kê liền hà! Ừ, chiều nay hoặc sáng mai chị điện thoại nói chuyện với bả đi. Bao lâu trả một lần, mỗi lần bao nhiêu tiền, người trả và người nhận trực tiếp với nhau dễ hơn. Lúc này bả “hạ hỏa” rồi, dễ ợt hà!

Chiều hôm đó, chị K. điện thoại nói chuyện với chị Năm, hy vọng được trả thành nhiều kỳ, mỗi kỳ ít tiền thôi vì còn nợ nhiều nơi, còn con cái học hành,…

Sau khi nghe chị K. nói, chị Năm giật mình: “Í, trời đất ơi! Nói thiệt, từ nào tới giờ tui cho vay lãi suất cũng… hơi cao, ai mượn nợ mà hổng trả, giận quá thì cũng hay lớn tiếng chớ hổng có tới mức độ mướn xã hội đen tới nhà đòi nợ kiểu như vậy đâu! Thôi thôi để tui qua nhà bà liền. Chắc bà bị tụi lừa đảo rồi, tui chưa nhận cắc bạc nào à nghen! Tiền thiếu, bà cũng phải tranh thủ trả cho tui, để vậy hoài là hổng được đâu!”.

Chị K. tắt điện thoại, bàng hoàng trong nước mắt. Lúc khổ chị còn bị lường gạt, đúng là nghèo còn mắc cái eo.

NGUYỄN NGỌC LINH