Người nhận 2 giỏ đồ

Cập nhật, 04:10, Thứ Năm, 24/08/2017 (GMT+7)

Dì Sáu là thợ nấu phục vụ cho các đám tiệc ở địa phương. Dì không “chuyên nghiệp”, lãnh nấu sẵn theo đặt mâm rồi chở đến nhà phục vụ cho gia chủ như một số cơ sở hiện nay.

Với dì, gia chủ mua đồ, mời dì đến nấu rồi trả tiền công. Vốn khéo léo, vui vẻ và nhiệt tình nên dì được bà con ở địa phương và các xóm lân cận yêu mến.

Hễ nhà có đám tiệc thì họ đều mời cho được dì Sáu đến nấu mới ưng bụng. Và lúc nào dì cũng cùng chủ nhà đi chợ đến chỗ quen biết để mua được đồ nấu vừa rẻ, vừa ngon.

Hôm ấy, dì Sáu nhờ người cháu chở đi chợ mua đồ nấu đám cưới. Vốn là “mối” thân quen nên chị T. chủ tiệm gặp dì liền cười, niềm nỡ:

- Dạ, con chào dì Sáu! Bữa nay tới ủng hộ tụi con nữa phải hông dì?

Thấy dì Sáu gật đầu, chị T. hỏi:

- Bữa nay nấu đám ở đâu vậy dì? Đám cưới hay gả?

- Dì cưới vợ cho thằng út. Đám cưới nhà, vợ chồng tụi bây để giá nhuyễn nhuyễn cho dì nghen T.

- Dạ, mà… sao dì hổng mời vợ chồng con gì hết trơn vậy? Mối mua hàng bao năm nay… Chuyến này dì hổng mời tụi con cũng tới chúc mừng cho em nó.

Sau khi kê hóa đơn, hàng được bỏ vào những chiếc giỏ lớn. Chị T. vừa đếm tiền vừa trò chuyện:

- Chà, đám cưới làm lớn dữ, tới 60 mâm! Đám tiệc thì vui mà bày biện nhiều cũng ngán hả dì?

Dì Sáu cười:

- Ừ, cũng ngán nhưng còn có thằng út hà, bạn bè nó đông lắm.

Sau khi chị T. đếm tiền xong, dì Sáu nói:

- Cho dì gửi lại 2 giỏ đồ, bây giờ chở 2 giỏ rồi còn phải ghé lấy thịt bò nữa nên sợ chở không hết- Rồi dì nói với người cháu đi cùng- Tranh thủ chở Sáu về rồi chạy ra chở 2 giỏ còn lại nghen con.

Chị T. cười:

- Dạ được. Mà, em trai chạy từ từ thôi, cẩn thận cho an toàn, lát ra đây chở tiếp.

- Thằng này là cháu tui, con của dì Bảy. Nó chạy xe cẩn thận lắm.

Hai người khách đi được một lát thì anh P. về tới. Gặp chồng, chị T. nhằn:

- Cái ông này, sáng sớm mới dọn ra một chút là đi uống cà phê mất tiêu, hổng ở đây bán phụ tui gì hết.

Anh P. không trả lời chỉ cười hề hề.

- Ông ở đây coi bán, tui chạy lại nhà bà Chín. Hai bữa nữa bả gả con gái, nghe nói tính mua đồ của mình. Ờ, còn 2 giỏ đồ này là của dì Sáu gửi lại, chút nữa cháu bả tới chở luôn đó.

- Dì Sáu nào?

- Dì Sáu A. thợ nấu, “mối ruột” của mình đó. Chuyến này bả cưới vợ cho thằng út, hồi nãy đã chở hết 2 giỏ rồi.

Khoảng 5 phút sau, có một người thanh niên đến gặp anh P.:

- Anh cho em lấy 2 giỏ đồ, dì Sáu gửi chị lúc nãy.

Anh P. vặn hỏi:

- Em là…?

Người thanh niên giải thích:

- Em là cháu của dì Sáu. Hồi nãy, sau khi mua thịt bò xong, dì sợ trễ nên đi xe ôm về trước, biểu em quay lại chở 2 giỏ đồ về luôn cho kịp chuẩn bị nấu nướng. Bữa nay, anh út con của dì Sáu qua bên đàng gái nên em chở mấy bả đi mua đồ muốn hụt hơi luôn.

Khoảng một tiếng sau, cháu của dì Sáu tới chở 2 giỏ đồ. Chị T. lúc này đã đi công chuyện xong, hỏi chồng:

- Ủa, 2 giỏ đồ của dì Sáu đâu ông?

Anh P. ngạc nhiên:

- Cháu của dì Sáu tới lấy rồi mà! Còn… em này là…?

- Em trai này là cháu của dì Sáu! Vậy hồi nãy… ông… ông giao đồ cho ai?

- Thôi chết rồi! Tui giao cho cháu của dì Sáu mà… mà… hổng phải người này!

Sau khi nghe anh P. thuật lại mọi việc, một số người đi chợ và những người buôn bán kế bên bàn tán, suy luận đủ cách.

Riêng vợ chồng chị T. đều nghĩ rằng mình đã bị gạt, vì dì Sáu là chỗ quen biết lâu năm thì không thể nào. Cho nên cuối cùng, để giữ uy tín buôn bán, anh chị đành trả thêm số đồ đã mất cho dì Sáu A. và giải thích cho cháu dì hiểu để thông cảm.

Bị mạo danh để lừa gạt, vợ chồng anh P. chị T. phải mất hơn 3 triệu đồng để học một bài học nhớ đời.

NGUYỄN LINH