Người chuyển quà

Cập nhật, 07:18, Thứ Ba, 08/11/2016 (GMT+7)

Hiện nay ở nông thôn, nhiều gia đình cải thiện được đời sống kinh tế nhờ có con đi xuất khẩu lao động. Đó là niềm phấn khởi không của riêng ai. Nhưng đôi khi mất cảnh giác, nhẹ dạ cả tin bởi cái tính thật thà, chất phác của nông dân lại là điểm đến của tội phạm.

Câu chuyện dưới đây mong bà con lấy làm kinh nghiệm, tránh sụp bẫy bọn bất lương đang âm thầm len lỏi “gặm nhấm” sự bình yên nơi thôn xóm.

Chú Phan Văn Tính- một nông dân ở huyện Trà Ôn- có người con trai đi lao động ở Đài Loan. Hôm nọ, chú Tính ra chợ mua ít đồ thì gặp người bà con xa mới về thăm quê. Lâu ngày gặp lại, 2 người huyên thuyên thăm hỏi nhau. Người bà con mừng vì biết gia đình chú có cuộc sống sung túc hơn nhờ con trai gửi tiền về phụ giúp cha mẹ.

Chú Tính vốn thơm thảo nghĩa tình nên ngỏ ý: “Anh Hai lâu lâu mới về một lần, chắc vài bữa mới đi? Con tôi mấy hôm trước gọi về bảo có bạn làm chung chuẩn bị về nước (nhà ở huyện kế bên) nên gửi nhờ tiền và quà cho tui. Nghe con nói có gửi về dầu gió tốt lắm! Khi nhận được, tôi biếu anh xài lấy thảo”.

Trước khi 2 người chia tay còn đọc cho nhau lưu số điện thoại. Không ngờ, nội dung cuộc trò chuyện giữa 2 người lại là cơ hội cho kẻ xấu lợi dụng.

Sáng hôm sau, một thanh niên gọi vào số máy của chú Tính xưng là bạn của con chú. Người thanh niên bảo:

- Con mới đáp máy bay là gọi ngay cho chú. Nhưng chú ơi! Con có chút chuyện nên mai mới về quê đưa quà chú được.

Chú Tính liền đáp:

- Không sao đâu con. Con cứ lo việc của con. Khi nào con về, chú nhận cũng không muộn. Chú mang ơn con còn không hết nữa mà!

Người thanh niên nói tiếp:

- Chú ơi! Con phiền chú một chuyện được không? Ngày mai là giỗ của cha con. Con về để lo giỗ cho cha con. Nhưng sáng mai con mới về nhà được. Con định nhờ chú cho con mượn 3 triệu đồng đưa trước cho mẹ con mua đồ chuẩn bị đám. Ngày mai gặp, con gửi lại chú. Được không chú?

Chú Tính nghe mà thương cho đứa con hiếu thảo. Chú liền hỏi đưa tiền bằng cách nào thì người thanh niên nhanh nhảu:

- Chú ra bến xe xã gửi xuống bến xe Vũng Liêm, ghi tên Nghĩa, người nhà con sẽ ra nhận.

Trước khi tắt máy, người thanh niên luôn rối rít cảm ơn.

Chú Tính liền thay đồ ra bến xe gửi tiền. Đến chiều, người con gái của chú ở gần nhà sang chơi thì mọi chuyện vỡ lẽ. Con gái chú giật mình: “Bạn nào? Con mới nói chuyện với em trên facebook hồi hôm. Em nói đứa bạn chưa xin phép công ty được nên chưa về nước đâu. Con qua cho cha hay nè. Chắc cha bị lừa rồi”.

Chú Tính bán tín bán nghi liền gọi vào số điện thoại của người thanh niên thì không liên lạc được. Mãi đến ngày hôm sau, chú cũng không thấy ai đến đưa quà. Chú Tính tự trách mình và buồn vì phải thất hứa với người bà con xa.

DIỄM KIỀU