"Lệnh truy nã" gửi qua tin nhắn điện thoại là giả mạo

Cập nhật, 06:50, Thứ Ba, 29/03/2022 (GMT+7)

Bộ Công an vừa phát đi cảnh báo, đồng thời khẳng định các tin nhắn qua điện thoại với nội dung “Lệnh truy nã” đều là giả mạo.

Quyết định truy nã được trình bày theo thể thức văn bản, không gửi qua tin nhắn điện thoại.  Ảnh minh họa
Quyết định truy nã được trình bày theo thể thức văn bản, không gửi qua tin nhắn điện thoại. Ảnh minh họa

Theo Bộ Công an, gần đây cơ quan công an nhận được phản ảnh của nhiều người về các tin nhắn với nội dung “Lệnh truy nã” được gửi qua điện thoại. Các tin nhắn này nêu rõ thời gian ra quyết định, hành vi bị truy nã và yêu cầu người nhận tin nhắn “tự giác trình diện”. Điều này đã gây hoang mang trong nhân dân, trong khi bản thân họ không hề vi phạm pháp luật.

Bộ Công an khẳng định: Cơ quan công an không gửi lệnh truy nã bằng tin nhắn điện thoại. Do đó, các tin nhắn với nội dung như thế đều là giả mạo, người dân cần cảnh giác để không bị kẻ xấu lợi dụng.

Pháp luật hiện nay quy định rõ về việc truy nã bị can, cũng như hình thức gửi, thông báo quyết định truy nã. Cụ thể, Điều 231 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định, khi bị can trốn hoặc không biết rõ bị can đang ở đâu thì cơ quan điều tra phải ra quyết định truy nã bị can. Quyết định truy nã ghi rõ họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của bị can, đặc điểm để nhận dạng bị can, tội phạm mà bị can đã bị khởi tố và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 của bộ luật này, kèm theo ảnh bị can (nếu có).

Quyết định truy nã bị can được gửi cho viện kiểm sát cùng cấp và thông báo công khai để mọi người phát hiện, bắt người bị truy nã. Sau khi bắt được bị can theo quyết định truy nã thì cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã phải ra quyết định đình nã. Quyết định đình nã được gửi cho viện kiểm sát cùng cấp và thông báo công khai.

Đối với việc gửi, thông báo quyết định truy nã được quy định tại Điều 6 Thông tư liên tịch 13/2012 hướng dẫn quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Thi hành án hình sự về truy nã do Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tòa án Nhân dân Tối cao ban hành. Theo đó, quyết định truy nã phải được gửi đến công an xã- phường- thị trấn, công an cấp huyện nơi đăng ký thường trú, tạm trú, nơi ở và quê quán của người bị truy nã; công an cấp tỉnh nơi người bị truy nã có khả năng lẩn trốn hoặc gửi đến tất cả công an các tỉnh- thành phố trực thuộc Trung ương; Cục Cảnh sát truy nã tội phạm (Bộ Công an); Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm- công an cấp tỉnh (nơi ra quyết định truy nã); cơ quan hồ sơ nghiệp vụ (nơi đăng ký hồ sơ nghiệp vụ); viện kiểm sát nhân dân có yêu cầu ra quyết định truy nã; viện kiểm sát nhân dân cùng cấp với cơ quan điều tra ra quyết định truy nã; viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh nơi có trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự ra quyết định truy nã; tòa án nhân dân có yêu cầu cơ quan điều tra ra quyết định truy nã.

Đồng thời, quyết định truy nã được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân biết, phát hiện, bắt giữ đối tượng bị truy nã.

Bài, ảnh: TRUNG HƯNG