Cẩn thận: lãi sinh sôi thành khoản nợ lớn

Cập nhật, 06:51, Thứ Tư, 08/09/2021 (GMT+7)

Thế chấp tài sản vay tiền nhưng không trả nợ đúng hạn nên bị ngân hàng mang tài sản ra bán dẫn đến tranh chấp và nợ cứ tiếp tục sinh sôi.

Đầu tháng 7/2016, chị N.T.T.H. ký hợp đồng thế chấp ô tô đầu kéo cùng sơ mi rơ moóc cho một ngân hàng ở TP Vĩnh Long để vay 2 tỷ đồng làm ăn. Theo thỏa thuận, chị H. vay trong 60 tháng, trả lãi hàng tháng với mức 10,2%/năm, kỳ tiếp theo được điều chỉnh 3 tháng/lần theo mức lãi suất cơ sở cộng 4%/năm. Sau đó, do vi phạm nghĩa vụ trả nợ nên phía ngân hàng đã mang xe chị H. thế chấp ra bán đấu giá được hơn 702 triệu đồng, cộng với khoản tiền vốn và lãi chị H. đã trả trước đó, tổng cộng ngân hàng thu được hơn 1,8 tỷ đồng.

Chị H. thừa nhận có vi phạm hợp đồng vay nhưng việc ngân hàng thu giữ tài sản và bán đấu giá để thu hồi nợ không đúng trình tự, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của chị. Cụ thể, khi tiến hành thu giữ tài sản bán đấu giá, ngân hàng không thông báo thời gian, địa điểm cho chị biết và bán với giá thấp nên không đồng ý trả tiếp số nợ gốc hơn 496 triệu đồng, lãi trong hạn hơn 1,9 triệu đồng, lãi quá hạn hơn 174 triệu đồng và lãi phạt hơn 66 triệu đồng theo yêu cầu của nguyên đơn.

Tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, phía ngân hàng vẫn giữ yêu cầu buộc chị H. trả tiếp số tiền gốc và lãi còn lại hơn 739 triệu đồng nhưng chị H. không đồng ý.

Theo HĐXX, việc chị H. ký hợp đồng với ngân hàng và thế chấp ô tô để vay 2 tỷ đồng là đúng quy định về hoạt động cho vay theo Luật Các tổ chức tín dụng. Quá trình vay, ngân hàng đã thu được hơn 1,8 tỷ đồng và nhiều lần thông báo yêu cầu chị H. trả tiếp số tiền còn lại nhưng chị H. không có thiện chí trả nợ.

Việc chị H. nại ra rằng ngân hàng không thông báo việc bán đấu giá tài sản, không báo cho chị biết còn nợ bao nhiêu sau khi bán đấu giá là không có căn cứ. Vì theo tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ thể hiện ngân hàng đã thông báo lần 1 vào ngày 28/7/2018 và tại biên bản hòa giải ngày 20/5/2020, chị H. cũng thừa nhận có nhận được thông báo bán đấu giá lần 3. Qua đó, mặc nhiên chị H. biết được mình còn nợ ngân hàng bao nhiêu nên việc chị cho rằng ngân hàng ngang nhiên lấy tài sản của chị đi bán làm chị không có điều kiện làm ra tiền để thực hiện nghĩa vụ trả nợ là không có căn cứ. Khi bán đấu giá tài sản, chị H. cũng không thực hiện quyền khiếu nại về trình tự thủ tục tại thời điểm bán tài sản để thu hồi nợ.

Do đó, HĐXX đã tuyên chị H. phải trả cho ngân hàng nợ gốc và lãi hơn 673 triệu đồng. Không chấp nhận yêu cầu tính lãi phạt 66 triệu đồng của ngân hàng. Tuy nhiên, sau bản án tòa tuyên, nếu chị H. không thực hiện việc trả nợ thì ngân hàng vẫn được tính tiếp lãi suất cho đến khi chị thanh toán xong nợ gốc. Đây là điều mà những người trót vay tiền và đã được tòa phân xử cần lưu ý để tránh lãi “cứ nảy nở sinh sôi” gây thêm nợ ngày càng lớn.

DIỄM PHƯỢNG