Chiếm đoạt tài sản, bị truy nã 29 năm

Cập nhật, 11:32, Thứ Ba, 06/04/2021 (GMT+7)

 

Bị cáo Trương Tuấn Anh.
Bị cáo Trương Tuấn Anh.

(VLO) Sau khi vay vốn của một tổ chức tín dụng, Trương Tuấn Anh (SN 1952) vượt biên sang nước ngoài. 29 năm sau, người này trở về Việt Nam thì bị bắt theo lệnh truy nã và bị truy tố ra tòa vì hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Long, khoảng năm 1987, Trương Tuấn Anh và vợ là Nguyễn Thị Bích Phượng (SN 1960) thành lập nhà máy cán sắt Thuận Thành, trụ sở tại số 105 đường Nguyễn Huệ, Phường 2, TX Vĩnh Long, tỉnh Cửu Long (nay là TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long). Nhà máy này do bà Phượng làm chủ, Tuấn Anh phụ trách kỹ thuật.

Ngày 1/3/1989, Trương Tuấn Anh ký hợp đồng vay tín chấp 52 triệu đồng của Trung tâm Tín dụng công nghiệp ngoài quốc doanh tỉnh Cửu Long và được bà Phượng ký bảo lãnh, với lãi suất 10,5%/tháng, thời hạn 2 tháng.

Tiếp đến, vào ngày 9/3/1989, vợ chồng Tuấn Anh tiếp tục ký hợp đồng vay 100 triệu đồng (theo hình thức tín chấp) và 250 lượng vàng 24K (theo hình thức thế chấp) của Trung tâm Tín dụng công nghiệp ngoài quốc doanh để mua phế liệu sản xuất sắt, thép.

Các hợp đồng này đều do ông Trần Tâm Dân- Giám đốc Trung tâm Tín dụng công nghiệp ngoài quốc doanh ký duyệt đồng ý cho vay.

Cuối năm 1989, vợ chồng Tuấn Anh vượt biên sang Úc sinh sống. Ngày 10/9/1990, Trung tâm Tín dụng công nghiệp ngoài quốc doanh tỉnh Cửu Long ngừng hoạt động và tiến hành rà soát đối chiếu xác định công nợ.

Theo đó, đối với 250 lượng vàng 24K thì tổng số vốn và lãi đến ngày 10/9/1990 là hơn 564 lượng. Đối với số tiền vay 52 triệu đồng thì đến ngày 10/9/1990 còn lại thực tế vốn và lãi là hơn 188 triệu đồng.

Đối với hợp đồng vay 100 triệu đồng của bà Phượng với Trung tâm Tín dụng công nghiệp ngoài quốc doanh do Tuấn Anh ký bảo lãnh, vì hiện bà Phượng không có mặt tại Việt Nam nên không đặt ra xem xét giải quyết trong vụ án này.

Sau khi Tuấn Anh bỏ trốn ra nước ngoài, trên cơ sở báo cáo của Trung tâm Tín dụng công nghiệp ngoài quốc doanh và các tài liệu xác minh, Cơ quan Cảnh sát điều tra- Công an tỉnh Cửu Long đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra quyết định truy nã đối với Tuấn Anh để điều tra hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa” theo Điều 135 Bộ luật Hình sự 1985. Đến ngày 5/7/2019, Tuấn Anh trở về Việt Nam thì bị lực lượng công an bắt giữ.

Quá trình điều tra, ông Trần Tâm Dân xác định đúng là Trương Tuấn Anh đã vay tiền, vàng của Trung tâm Tín dụng công nghiệp ngoài quốc doanh và chưa thanh toán gốc và lãi như hồ sơ cơ quan điều tra đã thu thập.

Tuy nhiên, sau đó ông Dân thay đổi lời khai và cung cấp bản sao tài liệu không có chứng thực, với nội dung không phù hợp được cơ quan điều tra thu thập.

Ông Dân cho rằng Tuấn Anh đã dùng tài sản thế chấp của hợp đồng vay vàng để thanh toán hợp đồng vay 52 triệu đồng và Tuấn Anh cũng chưa được vay 250 lượng vàng 24K.

Tháng 3/2020, Tuấn Anh cũng giao nộp cho cơ quan điều tra một số tài liệu bản sao và cho rằng tài liệu này do Lãnh sự quán Úc cung cấp nhưng theo quy định của pháp luật Việt Nam thì các tài liệu này không phù hợp, không thể làm căn cứ chứng minh vì không chính thống và chưa được kiểm chứng.

Do đó, cơ quan điều tra xác định việc Tuấn Anh đã trả xong nợ cho Trung tâm Tín dụng công nghiệp ngoài quốc doanh là không có căn cứ.

Ngày 1/4/2021, tại phiên tòa sơ thẩm của TAND tỉnh xét xử vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, bị cáo Trương Tuấn Anh khai nhận từ khi vượt biên sang nước ngoài sinh sống đến khi bị bắt theo lệnh truy nã, bị cáo đã hơn 20 lần về lại Việt Nam nhưng không biết bản thân bị truy nã.

“Ngày 5/7/2019, bị cáo về Việt Nam thăm gia đình, trong lúc đang ngồi uống cà phê cùng người thân thì bị công an mời làm việc, lúc đó bị cáo mới biết mình bị truy nã”- bị cáo Tuấn Anh trình bày.

Theo HĐXX, quy định về việc xử lý đối với tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” không có sự thay đổi theo hướng có lợi hơn đối với bị cáo và bị cáo thực hiện hành vi phạm tội vào thời điểm trước khi Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi bổ sung năm 2017 có hiệu lực thi hành nên việc áp dụng điều luật của Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi bổ sung năm 2017 không làm xấu hơn tình trạng của bị cáo.

Do đó, hành vi của bị cáo đã phạm vào tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” được quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi bổ sung năm 2017.

Cũng theo HĐXX, bị cáo có một số tình tiết giảm nhẹ như: thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, khắc phục phần lớn hậu quả, có anh ruột là liệt sĩ nên được xem xét xử thấp hơn khung hình phạt đã truy tố.

Do đó, HĐXX quyết định tuyên phạt bị cáo Trương Tuấn Anh 6 tháng 18 ngày cải tạo không giam giữ, đồng thời buộc bị cáo phải có trách nhiệm bồi thường phần thiệt hại còn lại là hơn 8 triệu đồng cho Nhà nước.

Bài, ảnh: TRUNG HƯNG