Tranh chấp tiền cọc, chủ nhà và người thuê dắt nhau ra tòa

Cập nhật, 06:25, Thứ Ba, 19/01/2021 (GMT+7)

Thỏa thuận thuê nhà cùng các điều khoản kèm theo được ghi cụ thể trên giấy trắng mực đen nhưng đôi bên vẫn phát sinh tranh chấp phải đưa nhau ra tòa nhờ pháp luật phân xử.

Ngày 4/4/2018, anh V.V.T. (SN 1991) và bà V.T.N.T. (SN 1959- cùng ở TP Vĩnh Long) xác lập hợp đồng thuê nhà với các quyền và nghĩa vụ như sau: Bà N.T. cho anh V.T. thuê nhà tầng một và gác lửng diện tích 109,2m2 để kinh doanh dụng cụ thể thao.

Thời hạn thuê 5 năm, giá 10 triệu đồng/tháng và tăng mỗi năm 10% so với năm trước liền kề. Để đảm bảo thực hiện hợp đồng, anh V.T. phải đặt cọc 30 triệu đồng và số tiền này sẽ được trả lại khi hết hạn.

Hợp đồng cũng ghi bà N.T. và anh V.T. được đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn nhưng phải thông báo trước ít nhất 3 tháng. Sau khi thanh lý hợp đồng, bà N.T. có trách nhiệm trả lại cho anh V.T. tiền cọc khi đã khấu trừ chi phí điện, nước, internet cùng các thiệt hại tài sản hư hỏng (nếu có).

Hợp đồng đã ký và anh V.T. cũng đã thực hiện việc thanh toán tiền thuê nhà đều đặn hàng tháng. Nhưng vì kinh doanh thua lỗ nên đến tháng 11/2018, anh V.T. thỏa thuận chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và ngày 21/3/2019, bà N.T. và anh V.T. thanh lý hợp đồng thuê nhà. Sau đó, bà N.T. hứa trả lại 30 triệu đồng tiền cọc cho anh V.T. nhưng không thực hiện. Anh V.T. nhiều lần đến đòi nhưng bà N.T. vẫn không hoàn trả. Do đó, anh V.T. đã gửi đơn ra tòa yêu cầu bà N.T. trả lại 30 triệu đồng tiền cọc và lãi chậm thanh toán 0,84%/tháng.

Quá trình giải quyết vụ việc, bà N.T. không đồng ý trả lại 30 triệu đồng tiền cọc cho anh V.T. vì số tiền này đã thỏa thuận dùng bồi thường chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và chi phí sửa lại nhà cho thuê.

Tại bản án dân sự sơ thẩm của TAND TP Vĩnh Long cũng quyết định bác đơn khởi kiện của anh V.T. nên anh V.T. có đơn kháng cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm, anh V.T. vẫn giữ nguyên yêu cầu đòi bà N.T. trả lại tiền cọc nhưng rút lại phần lãi suất chậm thanh toán.

Theo HĐXX, tại mục 2 Điều 6 của hợp đồng thuê ngày 4/4/2018 giữa bà N.T. và anh V.T. có ghi rõ: “Bên B (anh V.T.) được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn nhưng phải báo cho bên A (bà N.T.) biết trước ít nhất 3 tháng. Trong trường hợp này, bên A có trách nhiệm trả lại cho bên B số tiền đặt cọc sau khi đã khấu trừ các khoản chi phí hợp lý”.

Xét thấy trong quá trình thực hiện hợp đồng, anh V.T. thực hiện đúng các điều khoản đã ghi. Do làm ăn thua lỗ nên anh V.T. có báo cho bà N.T. và 2 bên thống nhất lập văn bản thỏa thuận thanh lý hợp đồng vào ngày 21/3/2019.

Bà N.T. và anh V.T. đã ký vào bản thanh lý, nghĩa là bà N.T. phải có nghĩa vụ trả cho anh V.T. tiền cọc như đã thỏa thuận. Việc bà N.T. cho rằng anh V.T. vi phạm hợp đồng vì đã đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và còn làm hư hỏng một số tài sản nên số tiền cọc được đưa vào chi phí sửa chữa, bồi thường.

Tuy nhiên, bà N.T. không có chứng cứ chứng minh anh V.T. làm hư hỏng tài sản và nội dung hợp đồng cũng không có ghi số tiền đặt cọc sẽ dùng vào việc bồi thường chấm dứt hợp đồng và trừ vào chi phí sửa chữa. Do đó, HĐXX tòa phúc thẩm đã tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh V.T., buộc bà N.T. có nghĩa vụ trả lại 30 triệu đồng tiền cọc cho anh V.T. và được khấu trừ hóa đơn tiền nước 156.000đ nên số tiền còn lại là hơn 29,8 triệu đồng.

Thỏa thuận đã được ghi trên giấy trắng mực đen, nếu đôi bên tuân thủ thực hiện đúng ắt sẽ không có chuyện rắc rối xảy ra. Vụ việc trên là bài học không chỉ dành riêng cho bà N.T. mà mọi người cũng nên lưu ý để tránh chuyện đưa nhau ra tòa vì lý do không đáng.

DIỄM PHƯỢNG