Hồi sinh những mảnh đời lạc lối

Kỳ cuối: Vực dậy những cuộc đời lầm lỡ

Cập nhật, 05:36, Thứ Sáu, 26/06/2020 (GMT+7)

 

Học viên Cơ sở Cai nghiện ma túy được đào tạo nghề, tránh nhiều thời gian nhàn rỗi, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự nội trại.
Học viên Cơ sở Cai nghiện ma túy được đào tạo nghề, tránh nhiều thời gian nhàn rỗi, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự nội trại.

Vướng vào ma túy thường bị xã hội, gia đình coi như “người bỏ đi”, nhưng có một nơi đã “chỉnh sửa”, “chắp vá” lại những mảnh đời; trả lại cho người nghiện một cuộc đời thứ hai, lành lặn nhân cách; trả lại cho họ quyền được học tập, lao động có ích cho xã hội và trở về trong tình yêu thương, niềm tin của gia đình.

Đó là Cơ sở Cai nghiện ma túy (Sở Lao động- Thương binh và Xã hội), nơi đây nhiều năm qua lặng lẽ đóng góp đặc biệt vào công tác điều trị, giáo dưỡng cho hàng ngàn học viên lầm lỡ, đã tìm lại bản thân, tương lai của chính mình.

Sứ mệnh cao cả thầm lặng

Giám đốc Cơ sở Cai nghiện ma túy- Trần Ngọc Chi, chia sẻ: “Chúng tôi rất vui và tự hào khi vừa là một cơ sở y tế điều trị bệnh; vừa là ngôi trường giáo dục, đào tạo lại những con người đã lún sâu vào khoảng đời tăm tối; vừa là môi trường đào tạo nghề nghiệp cho tương lai…

Nhưng trên tất cả, đây là ngôi nhà thứ hai của tất cả học viên, nơi nâng đỡ những bước chân lạc lối, trở về với gia đình, xã hội một cách bình thường nhất, có ích nhất đối với cộng đồng”.

Vì lẽ đó, những cán bộ ở đây cũng chính là những thầy thuốc, những thầy giáo và cũng là người tạo dựng lại cho các học viên một “cuộc đời thứ hai”.

Và quá trình này nó không hề đơn giản, cùng với sự đầu tư cơ sở vật chất đầy đủ, là những kiến thức về y học, khoa học, sư phạm và cả pháp luật.

Tham gia các hoạt động tăng gia sản xuất giúp học viên có tinh thần phấn khởi, thoải mái hơn.
Tham gia các hoạt động tăng gia sản xuất giúp học viên có tinh thần phấn khởi, thoải mái hơn.

Đồng hành với mọi điều là một tấm lòng bao dung, kiên trì để tạo dựng yêu thương; xây dựng mối quan hệ tin cậy để có thể giúp học viên vượt qua mọi cám dỗ, mặc cảm khó khăn để tìm lại bản thân, bản ngã chính mình.

Phó Giám đốc cơ sở- Phạm Hữu Dũng từng là thầy giáo đã có hơn 18 năm gắn bó nơi đây, phấn khởi chia sẻ với chúng tôi, sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo tỉnh và ban ngành đã tạo thêm động lực cho toàn thể cán bộ quản lý, nhân viên an tâm cống hiến.

Trong năm 2019, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, đầu tư 3 tỷ đồng bổ sung các trang thiết bị phục vụ cho học viên, Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long đầu tư 2 tỷ đồng, trang bị máy X-quang, máy điện tim, máy siêu âm. Theo ông Phạm Hữu Dũng, việc đầu tư các thiết bị y tế, giúp cho công tác điều trị hiệu quả hơn, giảm chuyển tuyến, giảm chi phí điều trị. 19,5 tỷ đồng đầu tư xây dựng tạo nên những phân khu biệt lập theo từng chức năng, những trang thiết bị hiện đại góp phần cho công tác điều trị hiệu quả hơn.

Để có được sự tin yêu của học viên và người thân của họ sẵn sàng gửi gắm con em mình vào đây, đó là cả một quá trình chuyển mình mạnh mẽ như sự “lột xác” hoàn toàn nếu nhìn lại những năm về trước. 

Sự thay đổi từ cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cho đến việc ứng dụng quy trình điều trị mới mang lại hiệu quả 100%.

Và trên hết, là sự thay đổi công tác quản lý đã xây dựng nơi đây trở thành một mái nhà chung ấm áp yêu thương, tràn đầy sự thông cảm sẻ chia để học viên tin tưởng, an tâm và tạo thêm động lực, sự hứng khởi để vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đời mình.

Ông Trần Ngọc Chi cho biết: “Cuối năm 2016, cơ sở chỉ quản lý 49 học viên. Đến đầu năm 2017, cơ sở đã tiếp nhận và quản lý 637 lượt học viên, trong đó, quyết định bắt buộc 205 học viên, cai nghiện tự nguyện 79 học viên, đối tượng xã hội 279 học viên, quản lý sau cai nghiện 2 học viên, cắt cơn giải độc 15 ngày 72 học viên”.

Trước tình trạng học viên tăng đột ngột, cơ sở hạ tầng xuống cấp không đáp ứng nhu cầu sinh hoạt (quy mô chỉ 200 học viên).

Bên cạnh đó, đây cũng là thời điểm xảy ra nhiều vụ gây rối tại các cơ sở cai nghiện ma túy trên cả nước như: Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu, Tiền Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Cần Thơ, Cà Mau… thì Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Long cũng là tỉnh có học viên trốn khỏi cơ sở, gây rối trật tự, thẩm lậu ma túy cao, với 81 vụ gồm 241 lượt học viên.

Trước thực trạng này, cuối năm 2017, Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Long chủ động xây dựng, sửa đổi, bổ sung và ban hành hàng loạt các quy chế.

Từ tháng 11/2017 đến nay, tình hình an ninh trật tự tại cơ sở ổn định, các hoạt động đi vào nề nếp, đặc biệt là không còn học viên gây rối, bỏ trốn khỏi cơ sở và không có thẩm lậu ma túy vào nội trại.

Niềm tin từ hiệu quả điều trị và quản lý

Tính đến ngày 22/5/2020, Cơ sở Cai nghiện ma túy đang quản lý 192 học viên. Công tác tư vấn, giáo dục và truyền thông tại cơ sở luôn được chú trọng nâng cao, đổi mới về nội dung, hình thức phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh để các học viên dễ tiếp thu và nhận thức được những tác hại, nguy cơ từ ma túy.

Ngoài ra, vào các ngày lễ, tết, ngày phòng chống ma túy (26/6); ngày phòng chống HIV/AIDS (1/12) hàng năm, cơ sở phối hợp với Trung tâm Văn hóa tỉnh biểu diễn văn nghệ; phối hợp Tỉnh Đoàn, Huyện Đoàn Tam Bình, chuyên gia tâm lý sinh hoạt giao lưu, nói chuyện chuyên đề với học viên; vận động đơn vị tài trợ trao học bổng cho con của các học viên có hoàn cảnh khó khăn tại cơ sở.

Tăng cường công tác dạy nghề và tổ chức lao động trị liệu cho học viên tại cơ sở; từng bước nâng cao chất lượng dạy và học, đảm bảo học viên vừa học vừa thực hành để có thêm thu nhập nên họ có ý thức và chấp hành tốt nội quy, quy chế.

Ngoài quá trình cai nghiện, lao động kết hợp trị liệu, học viên được tập gym, chơi thể thao, nâng cao sức khỏe.
Ngoài quá trình cai nghiện, lao động kết hợp trị liệu, học viên được tập gym, chơi thể thao, nâng cao sức khỏe.

Từng là học viên tại Cơ sở Cai nghiện ma túy, anh L.V.S. (ngụ huyện Bình Tân) phấn khởi cho hay, nhờ quá trình cai nghiện kết hợp lao động trị liệu nên bớt tù túng, tinh thần thoải mái, có khi quên luôn cảm giác thèm ma túy.

“Vô cơ sở được mấy tháng thì nghe thông báo mở lớp dạy đan ghế nên tôi đăng ký học. Nhờ vậy nên cai xong về địa phương kiếm được việc làm.

Dù bây giờ không theo nghề này nữa nhưng nhờ nó mà tôi đã vượt qua được giai đoạn khó khăn ban đầu”- anh S. nói.

Ông Trần Ngọc Chi cho biết: “Từ năm 2018 đến nay, cơ sở tổ chức dạy các nghề cho học viên gồm nghề cắt tóc nam, may công nghiệp, sửa xe gắn máy, tiểu thủ công nghiệp, hàn điện, sinh vật cảnh...

Ngoài ra, cơ sở còn mở các lớp và gia công thêm các nghề như: mộc, xây dựng, đan ghế bằng dây nhựa, làm đế giày dép,...

Nhìn chung học viên rất phấn khởi, tích cực tham gia tạo thu nhập cho bản thân trong suốt quá trình ở tại cơ sở, tránh thời gian nhàn rỗi nhiều, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự nội trại”.

Phó Giám đốc cơ sở- BS. Đặng Văn Vạn cũng là người có thâm niên 16 năm, giới thiệu về việc phối hợp Đông- Tây y đã nâng hiệu quả điều trị cai nghiện lên gần 100% là thành công lớn của cơ sở.

Trước đây, điều trị cắt cơn theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế, phương pháp an thần kinh chỉ đạt hiệu quả 80%; nhưng khi được phối hợp Đông- Tây y, đã nâng hiệu quả lên gần 100%.

Cùng với việc tập thể dục, thể hình, học viên được tạo thêm hứng khởi bằng những bài tập theo nhạc tránh sự nhàm chán.

Ông Phạm Hữu Dũng cho biết, hướng tới Cơ sở Cai nghiện ma túy sẽ có phương án mở rộng thêm khoảng trên 44.000m2, có khả năng tiếp nhận khoảng 300 học viên; đồng thời hướng mạnh đến công tác điều trị cộng đồng.

Hiện cơ sở áp dụng Quy định 80 của HĐND tỉnh, có chính sách miễn giảm đến 50% đối với đối tượng cai nghiện tự nguyện trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

Việc đẩy mạnh công tác tiếp nhận điều trị học viên, góp phần kéo giảm tội phạm, giảm bớt những bi kịch gia đình. Đồng thời, tạo môi trường lành mạnh không có ma túy, cứu giúp những người trẻ lầm lạc định hướng lại tương lai.

Ông Phạm Hữu Dũng cho biết, niềm vui lớn nhất chính là nhìn những học viên hoàn thành tốt việc trị liệu, học tập trở về với gia đình, hòa nhập với cộng đồng.

Nhiều trường hợp xây dựng gia đình, làm ăn kinh tế thành đạt, họ thường xuyên đưa gia đình trở về đây thăm lại những người thầy, cũng là những người đã tái sinh cuộc đời họ. Cơ sở này đối với họ cũng là mái nhà chung ấm áp yêu thương.

Theo ông Trần Ngọc Chi, Cơ sở Cai nghiện ma túy là đơn vị tiên phong trong kiện toàn sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Chủ động tham mưu ban hành cơ chế, chính sách, nghị quyết về chế độ phụ cấp đặc thù cho viên chức, người lao động đang làm việc tại cơ sở, nghị quyết về mức đóng góp, hỗ trợ người cai nghiện ma túy tự nguyện. Qua đó, kịp thời động viên tinh thần viên chức, người lao động luôn tâm huyết, gắn bó với nghề, đồng thời tạo điều kiện, giảm gánh nặng cho người cai nghiện ma túy tự nguyện trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: QUANG THỊNH