Tội phạm lừa đảo sử dụng công nghệ cao: Thủ đoạn cũ, nạn nhân mới

Cập nhật, 07:25, Thứ Năm, 21/05/2020 (GMT+7)

Giả danh cán bộ công an, tòa án, viện kiểm sát; chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội hay “giăng bẫy tình” với những phụ nữ nhẹ dạ, cả tin là thủ đoạn chủ yếu của tội phạm lừa đảo sử dụng công nghệ cao. Gần đây, tình trạng lừa đảo này lại bùng phát, dù thủ đoạn không mới nhưng vẫn khiến nhiều người sụp bẫy.

Bưu phẩm là “giấy báo nợ”

Theo điều tra của Công an tỉnh, gần đây xuất hiện tình trạng các đối tượng lừa đảo tự xưng là nhân viên bưu điện gọi đến người dân thông báo có bưu phẩm lâu ngày không đến nhận, nợ cước điện thoại, thiếu nợ ngân hàng do người khác tự ý lấy chứng minh nhân dân mở tài khoản. Khi người dân phủ nhận việc này, đối tượng lừa đảo sẽ hướng dẫn gặp cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án để “trình báo sự việc”.

Vì muốn chứng minh bản thân vô tội, không vi phạm pháp luật, nhiều người đồng ý thực hiện theo yêu cầu này và rơi vào bẫy tinh vi của bọn lừa đảo. Tiếp đến, chúng sẽ diễn màn kịch là người dân có liên quan đến các vụ án đang được cơ quan công an thụ lý điều tra như mua bán ma túy, rửa tiền xuyên quốc gia và đã có lệnh bắt của “Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao”.

Đồng thời, yêu cầu người dân phải kê khai tài sản, tiền gửi tại các ngân hàng. Ngoài ra, để “giữ bí mật quá trình điều tra”, các đối tượng lừa đảo yêu cầu người dân phải nghe điện thoại, nói chuyện liên tục với “cơ quan chức năng” và không được tiết lộ những gì đang diễn ra.

Vừa qua, một đối tượng tự xưng là nhân viên bưu điện gọi vào số điện thoại bàn của một cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long yêu cầu gặp chị N. để giao “bưu phẩm” là giấy báo nợ ngân hàng và có liên quan đến một vụ án rửa tiền. Sau đó, một đối tượng khác liên hệ với chị N. tự xưng là cán bộ công an thông báo đang thụ lý vụ án rửa tiền hơn 2 tỷ đồng, trong đó chị N. là đồng phạm.

Dù đã liên tục phủ nhận việc này nhưng vì muốn chứng minh sự trong sạch, chị N. đã nghe theo hướng dẫn của đối tượng lừa đảo, đăng nhập vào “hệ thống bảo vệ Bộ Công an” và kê khai thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng. Đến chiều cùng ngày, chị N. mới phát hiện hàng chục triệu đồng trong tài khoản ngân hàng đã “không cánh mà bay”.

Theo Trung tá Nguyễn Văn Hồng- Phó Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh), đây là thủ đoạn quen thuộc của bọn tội phạm nhưng nhiều người vẫn sụp bẫy. Thực tế, các đối tượng lừa đảo đã sử dụng phần mềm cuộc gọi qua Internet để hiển thị số điện thoại của Bộ Công an, đe dọa người dân sẽ bị bắt tạm giam để điều tra.

Mặt khác, chúng hứa sẽ xem xét “tình tiết giảm nhẹ nếu thành khẩn khai báo và yêu cầu người dân phải chuyển tiền vào tài khoản do chúng cung cấp để “xác minh nguồn tiền phục vụ điều tra” khiến họ lo sợ bị bắt giam, mất uy tín, danh dự nên làm theo hướng dẫn.

“Hack” tài khoản mạng xã hội để lừa đảo

Một thủ đoạn khác của tội phạm sử dụng công nghệ cao là “hack” tài khoản Facebook bằng cách dò mật khẩu hoặc lập một trang web giả mạo rồi dẫn dụ người dùng đăng nhập vào đây, sau đó chúng tìm hiểu thông tin cá nhân và “nhập vai” là chủ tài khoản để nhắn tin trò chuyện với người thân, đối tác làm ăn nhờ mua thẻ điện thoại, vay tiền,…

Thực tế, các đường link này đều là giả mạo, được các đối tượng thiết kế tương tự website chính thức của Facebook.

Nhờ cảnh giác, chị H.T.D. (Tam Bình) may mắn không sụp bẫy kẻ lừa đảo, chị cho biết vừa nhận tin nhắn từ Facebook một người bạn nhờ chuyển vào tài khoản ngân hàng 50 triệu đồng để trả nợ gấp cho đối tác. Theo nội dung tin nhắn, “người bạn” này nói đang gặp khó khăn về tài chính và đang đi công tác xa nên không cách nào xoay xở kịp số tiền lớn như vậy.

“Dù là bạn bè thân thiết nhưng nếu muốn mượn tiền thì chúng tôi gặp trực tiếp để trao đổi. Hơn nữa, bạn tôi chỉ buôn bán nhỏ, làm gì có đối tác làm ăn mà phải nợ số tiền lớn như vậy”- chị D. nghi ngờ. Sau đó, chị D. điện thoại cho bạn hay sự việc và kiểm tra lại tài khoản mạng xã hội thì không thể truy cập được vì ai đó đã giành quyền đăng nhập.

Tương tự, anh V.V.D. (Vũng Liêm) cũng từng bị kẻ xấu giành quyền truy cập tài khoản Facebook và nhắn tin mượn tiền người thân, bạn bè.

May mắn, anh D. phát hiện kịp thời và tạo tài khoản khác để thông báo sự việc và khuyên mọi người không nghe theo lời bọn lừa đảo. “Tính tôi hay quên nên đặt mật khẩu là những con số đơn giản, dễ nhớ, có thể vì vậy nên kẻ xấu dễ dàng chiếm đoạt tài khoản. Đây cũng là bài học để mình cẩn thận hơn khi sử dụng mạng xã hội”- anh D. chia sẻ.

Gần đây, xuất hiện tình trạng bọn lừa đảo sử dụng mạng xã hội nhắn tin làm quen với những phụ nữ độc thân lại tái diễn. Chúng tự xưng là doanh nhân thành đạt, kỹ sư, quân nhân đang định cư ở nước ngoài nhưng cuộc sống hôn nhân kém may mắn.

Sau thời gian làm quen, chúng ngỏ lời muốn tiến tới hôn nhân và hứa sẽ tặng các tài sản có giá trị hoặc ngoại tệ để “chứng minh tình cảm”. Ngoài ra, chúng gửi hình ảnh “quà tặng” đang chuẩn bị gửi đến Việt Nam và yêu cầu cung cấp số điện thoại, địa chỉ cho “công ty vận chuyển” liên hệ giao hàng.

Tuy nhiên, để nhận được những món quà giá trị phải trả một khoản phí vào tài khoản do chúng cung cấp. Sau đó, “nhân viên vận chuyển” sẽ gọi đến khách hàng thông báo tình trạng bưu kiện không đúng quy định nên phải trả thêm các khoản phí vận chuyển, phí hải quan, phí bảo hiểm nhận bưu phẩm, phí chống rửa tiền. Khi “con mồi” sụp bẫy, chúng nhanh chóng rút hết và chia nhau tiêu xài.

Trước tình trạng tội phạm sử dụng công nghệ cao đang diễn biến phức tạp như hiện nay, Công an tỉnh khuyến cáo người dân nâng cao ý thức cảnh giác, không cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, Internet banking cho các đối tượng trên mạng.

Ngoài ra, Công an tỉnh khẳng định không có việc điều tra viên gọi điện cho người dân thông báo những việc như trên nên khi gặp phải, người dân cần bình tĩnh ghi lại số điện thoại, tài khoản ngân hàng của các đối tượng này để cung cấp cho lực lượng công an, phục vụ việc điều tra, truy bắt kịp thời.

TRUNG HƯNG