Bán hàng online sụp bẫy lừa đảo

Cập nhật, 10:28, Thứ Tư, 01/04/2020 (GMT+7)

Hiện nay, nhiều người chọn hình thức kinh doanh online để tiết kiệm chi phí. Tuy vậy, hình thức kinh doanh này cũng tìm ẩn nhiều rủi ro, nếu không cảnh giác, không hiểu rõ cách thức kinh doanh, giao dịch, rất có thể trở thành con mồi để kẻ xấu lợi dụng thực hiện hành vi lừa đảo.

Link nhận tiền có kèm mã nhận tiền mà chị H. đã nhận được.
Link nhận tiền có kèm mã nhận tiền mà chị H. đã nhận được.

Thời gian gần đây, với thủ đoạn mới, trong vai người mua hàng, những kẻ lừa đảo giả vờ hỏi thăm giá cả, đặt hàng và hỏi số tài khoản của người bán hàng online, tên ngân hàng và cả số điện thoại liên kết với tài khoản.

Tiếp theo, chúng yêu cầu người bán hàng cung cấp mã OTP trong điện thoại. Khi có được dữ liệu này, chúng sẽ đăng nhập vào tài khoản và toàn bộ số tiền trong tài khoản của người bán sẽ “không cánh mà bay”. Chỉ là vài thủ thuật nhỏ, nhưng nếu không cảnh giác, nhất là những người mới tập tành kinh doanh online không rành thủ tục chuyển tiền sẽ rất dễ bị lừa. Câu chuyện “sập bẫy” của người bán hàng online sau đây cho thấy thủ đoạn lừa đảo người bán hàng online cũng vô cùng tinh vi, xảo quyệt.

Ít vốn, thuê mặt bằng mua bán lại càng khó khăn, chị H.M.H. (Phường 8- TP Vĩnh Long) quyết định chọn hình thức kinh doanh online tranh thêu. Việc buôn bán khá thuận lợi, hàng giao đi ngày càng nhiều, khách quen xa gần đều có.

Một hôm, chị H. nhận được tin nhắn từ khách hàng là 1 phụ nữ nhờ tư vấn các sản phẩm làm đẹp. “Sau khi chốt đơn hàng, người này còn đề nghị được thanh toán trước. Tôi nghĩ mình gặp khách sộp nên đồng ý, phần cũng muốn tạo mối quen để dễ buôn bán sau này”- chị H. kể.

Dù vậy, chị H. vẫn cẩn thận kiểm tra trang Facebook cá nhân của người này thì thấy ghi rõ thông tin như: đến từ Hà Nội, đã từng làm việc tại Du lịch Đông Phương, hiện sống tại California. Sau vài câu xã giao, tìm hiểu sản phẩm, người phụ nữ này gửi cho chị H. đường link để xác nhận việc chuyển tiền mua hàng qua Western Union.

“Thấy chị này nói chuyện đàng hoàng nên tôi tin tưởng và thực hiện theo. Trang này mở ra đề nghị chọn quốc gia để nhận tiền, nhập mã (do người phụ nữ kia cung cấp) và xác thực bằng Internet banking.

Tuy nhiên, do tài khoản của tôi không đăng nhập được mà bên kia thì cứ giục mãi nên tôi đổi số tài khoản khác mới thực hiện được. Sau đó, mã OTP được gửi về điện thoại, tôi chỉ xem sơ qua rồi tiến hành xác thực 2 lần với hy vọng tiền sớm vào tài khoản. Nhưng tiền đâu chẳng thấy, chỉ thấy báo bị trừ hết số tiền trong tài khoản mà tên người hưởng lại là người khác. Ngay sau đó, tôi nhắn tin hỏi chị này nhưng không được, trang cá nhân và cả link nhận tiền đều không truy cập được. Lúc đó tôi mới biết mình đã mắc lừa”- chị H. kể.

Sau cú lừa ngoạn mục này, chị H. nhận thấy đối tượng lừa đảo đã diễn xuất hoàn hảo trong vai một người khách nhiều tiền, không mặc cả, chốt hàng nhanh lẹ và còn đề nghị thanh toán trước đánh trúng tâm lý “thuận mua vừa bán” của người kinh doanh.

Tương tự, chị A.V. (Phường 8- TP Vĩnh Long) cũng gặp phải thủ đoạn tương tự nhưng nhờ đọc các thông tin được báo chí phản ảnh nên cảnh giác không mắc lừa. Còn chị T.Q. (xã Nhơn Phú- Mang Thít) thì do số tài khoản đăng nhập bị lỗi không thể giao dịch chuyển tiền nên không lâm vào cảnh “tiền mất, tức mang”.

Theo khuyến cáo của ngành chức năng, trong giao dịch bán hàng online, người dân phải luôn cẩn trọng trước các giao dịch, nhất là giao dịch với bên thứ 3 hay thanh toán trực tuyến. Đặc biệt, tài khoản, mã OTP của mình giữ cẩn thận, không tiết lộ cho bất cứ ai. Bởi, với các giao dịch thanh toán, đặc biệt là thanh toán online, quốc tế rất dễ bị lộ thông tin thẻ.

“Chỉ vì một phút mơ hồ, không chịu tìm hiểu kỹ về phương thức chuyển- nhận tiền online, gấp gáp muốn nhận tiền sớm mà tôi mất hết tiền lời cả tháng. Đây cũng là lời cảnh báo cho những bạn bán hàng online, nếu thấy nick hay những chiêu trò tương tự thì tránh xa. Mong rằng sẽ không còn ai phải rơi vào tình huống dỡ khóc dỡ cười như bản thân tôi”- chị H. đưa ra lời khuyên.

Bài, ảnh: NGUYÊN HƯNG