Vụ bà nội sát hại cháu gái: Quá man rợ, đau lòng!

Cập nhật, 16:18, Thứ Năm, 07/11/2019 (GMT+7)

Đến nay, thông tin đã tương đối rõ ràng, nhưng nhiều người không thể tin chuyện bà nội sát hại cháu là sự thật. Bởi nó quá tàn ác, man rợ và đau lòng….

Đến thời điểm này, trong vụ cháu bé lớp 6 bị tử vong ở đập Bàu Gành, bà nội cháu bé là Nguyễn Thị H (64 tuổi, ở huyện Yên Thành, Nghệ An) đang bị tạm giữ hình sự với cáo buộc giết người.

Người bà này cũng khai là giết cháu do mâu thuẫn gia đình. Những thông tin đã tương đối rõ ràng nhưng chắc chắn nhiều người không muốn tin đó là sự thật. Bởi nó quá tàn ác, man rợ và đau lòng.

Con cái là cả tài sản của cha mẹ. Những người bố, người mẹ cố gắng làm lụng, kiếm sống cũng là để lo lắng cho con mình.

Con cái còn là tương lai, niềm hy vọng của cha mẹ và cả gia đình, dòng họ. Bố mẹ cháu bé ở huyện Yên Thành, Nghệ An khi đi làm thuê ở xa, đã nhờ cậy mẹ mình nuôi nấng con gái.

Bởi lẽ thường tình, người bà là địa chỉ đáng tin cậy tuyệt đối để họ gửi gắm, nhờ cậy chăm sóc núm ruột của mình. Nhưng chính nơi họ tin cậy nhất, lại là nơi cướp đi tính mạng đứa con gái bé bỏng của họ.

Từ ngàn đời nay, ông bà ta đã đúc kết “một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Ở đất nước nào trên thế giới và bất kỳ đâu cũng thế, tình máu mủ, ruột rà luôn là thứ tình cảm thiêng liêng cao quý hơn hết thảy. Đã có rất nhiều câu chuyện cảm động mà bất cứ ai được nghe, được chứng kiến cũng trào nước mắt.

Còn nhớ, trong vụ cháy nhà cách đây mấy năm ở Hà Nội, khi lực lượng cứu hộ cứu nạn tiếp cận được thi thể của gia đình nạn nhân, mọi người không khỏi xót xa vì trong lúc sinh tử, người mẹ vẫn vòng tay ôm ấp, che chở cho đứa con bé nhỏ.

Camera người dân ghi lại được hình ảnh cháu T. chở bà nội đi trên đường.
Camera người dân ghi lại được hình ảnh cháu T. chở bà nội đi trên đường.

Hay có những bà mẹ đã chấp nhận đánh đổi, thậm chí hy sinh tính mạng của mình để đứa con được ra đời, được sống làm người. Cách đây chưa lâu, người mẹ là chiến sỹ công an đã từ chối điều trị ung thư để sinh con, làm cộng đồng xúc động. Chị ra đi với mong con trai chị lớn lên khỏe mạnh, sống kiên cường và trở thành người tốt.

Những câu chuyện cảm động như thế, chúng ta có thể gặp ở bất cứ đâu trong xã hội, bởi gần như mặc định đó là những hành động bản năng của những người có cùng huyết thống. Và ngay trong chính bản thân chúng ta, sự quan tâm, chia sẻ, hy sinh cho người thân, người có cùng máu mủ ruột rà luôn là tình cảm bản năng, vô điều kiện.

Bởi thế, những chuyện đau lòng như bà sát hại cháu làm xã hội bàng hoàng, rúng động. Đáng lo ngại, đây không phải là vụ việc cá biệt mà trong thời gian qua, đã xảy ra rất nhiều vụ án đau lòng đến mức không ai muốn tin đó là sự thật.

Mới đây là vụ người anh sát hại cả nhà người em ở Đan Phượng (Hà Nội), một lúc cướp đi mấy mạng người toàn là máu mủ với mình chỉ vì mâu thuẫn đất đai; hay anh trai từng là Giám đốc một Công ty ở Thái Nguyên truy sát gia đình em gái chỉ vì không đòi được món nợ 3,6 tỷ đồng…

Tại sao những vụ việc dùng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn, kể cả đối với người thân “máu mủ ruột rà” trong thời gian qua không còn là cá biệt mà ngày càng nhiều? Trước hết, có thể lý giải một phần nguyên nhân là do mặt trái sự phát triển của xã hội.

Con người ta sống một cách gấp gáp hơn trong cả suy nghĩ và hành động. Nhiều người bị đồng tiền, chi phối, sẵn sàng làm tất cả vì tiền, giẫm đạp lên tất cả, kể cả người thân.

Cuộc sống hối hả, thực dụng làm cho người ta ít quan tâm đến nhau, lâu dần trở nên vô cảm. Đến bất cứ nơi công cộng nào, là hình ảnh mọi người dán mắt vài điện thoại, không ai để ý đến ai.

Còn ở những chỗ phải xếp hàng thì người ta ra sức chen lấn, xô đẩy miễn là được việc mình. Ra đường thì chỉ cần va chạm nhỏ, thậm chí nhắc tốt cho nhau nhưng lại có thể dễ dàng xảy ra xô xát, thậm chí là án mạng.

Nhiều người có muốn làm việc tốt ở nơi cộng cộng, ở trên đường thì sau một vài lần như vậy cũng "xin chừa" để được yên thân. Vì thế, hình ảnh những người gặp nạn cô độc cầu cứu nhưng ít khi nhận được sự giúp đỡ của dòng người ngay bên cạnh cũng không hiếm gặp trên đường hay ở nơi công cộng.

Còn trong gia đình, các mối quan hệ anh em, vợ chồng, ông bà...cũng dần trở nên lỏng lẻo vì mọi người có quá ít thời gian dành cho nhau. Chuyện miếng cơm manh áo, chuyện học hành và nhiều thứ chuyện phải lo trong cuộc sống đã chiếm hết quỹ thời gian của mọi người.

Những mâu thuẫn nhỏ trong gia đình đôi khi không được chia sẻ, cảm thông dần tích tụ dần thành lớn rồi đến một lúc do không kiểm soát được, bùng phát thành những chuyện rúng động.

Đã có rất nhiều câu chuyện đau lòng xảy ra trong thời gian qua, nhiều người đến khi phạm tội giết người, giết người thân thì gia đình, làng xóm mới giật mình vì “trước đó, nghi phạm sống rất hiền lành, vui vẻ với mọi người”.

Một nguyên nhân nữa là do sự thiếu hiểu biết về pháp luật của rất nhiều người. Từ việc thực hiện những quy định sát sườn hàng ngày là tuân thủ về an toàn giao thông nhưng không mấy quan tâm, hoặc biết nhưng cố tình vi phạm.

Cùng với đó, việc thực hiện luật pháp ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực chưa thực sự nghiêm túc, vẫn có hiện tượng “xin xỏ”, “chạy tội” nên khiến cho nhiều người dù biết luật nhưng lại coi thường, nhờn luật.

Vì thế, để hạn chế những vụ việc đau lòng như vụ bà nội giết cháu, cần có sự nghiêm trị của pháp luật đối với những kẻ “máu lạnh”, mất tính người xuống tay ngay với cả người thân ruột thịt; đồng thời cũng là bài học cảnh tỉnh cho những ai đang coi thường pháp luật, coi thường tính mạng người khác.

 Cùng với đó, rất cần sự quan tâm sát sao của cộng đồng dân cư, chính quyền cơ sở để phát hiện những mâu thuẫn phát sinh trong gia đình để có biện pháp hòa giải, ngăn chặn kịp thời.

Song, điều quan trọng nhất là phải bắt đầu từ gốc vấn đề là gia đình. Một khi chúng ta dành thời gian, quan tâm chia sẻ với nhau nhiều hơn, sẽ hóa giải được các mâu thuẫn phát sinh, không để nó tích tụ thành những thù hận lớn để đến lúc không thể giải quyết.

Hãy quan tâm, yêu thương nhau nhiều hơn. Đừng để xảy ra những sự việc đau lòng như vừa qua khi chưa quá muộn./. 

Theo VOV