Nâng cao cảnh giác, quyết liệt đấu tranh với tội phạm "tín dụng đen"

Cập nhật, 08:18, Thứ Tư, 16/10/2019 (GMT+7)

Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” đã xuất hiện ở nhiều nơi trong tỉnh, gây mất an ninh trật tự, khiến người dân lo lắng.

Trước tình hình này, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch yêu cầu ngành công an và các ban ngành có liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp, quyết liệt đấu tranh, đồng thời tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh giác để người dân không sụp bẫy “tín dụng đen”.

Tang vật thu giữ của một đối tượng có dấu hiệu cho vay nặng lãi.
Tang vật thu giữ của một đối tượng có dấu hiệu cho vay nặng lãi.

Cho vay “cắt cổ”, đòi nợ kiểu côn đồ

Thống kê của Bộ Công an trong 6 tháng đầu năm 2019, cả nước đã xảy ra 1.178 vụ án hình sự liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Trong đó, cơ quan điều tra đã khởi tố 436 vụ với 766 bị can, xử lý hành chính 486 đối tượng. Trong đó có nhiều nhóm đối tượng từ phía Bắc vào vùng ĐBSCL hành nghề cho vay lãi nặng, siết nợ, đòi nợ mang tính chất xã hội đen.

Gần đây, xuất hiện nhiều đối tượng đến từ Hải Phòng, Thanh Hóa, Hải Dương vào địa bàn tỉnh Vĩnh Long tạm trú và tổ chức thành nhiều nhóm hoặc thành lập doanh nghiệp trá hình để hoạt động cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê theo hình thức xã hội đen. Điều này tiềm ẩn nguy cơ phức tạp về an ninh trật tự, chủ yếu liên quan đến các hành vi như các vụ gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản,…

Thực tế qua điều tra cho thấy, các nhóm cho vay nặng lãi có thủ đoạn rất tinh vi như phát tờ rơi, dán quảng cáo mời gọi vay tiền với thủ tục đơn giản “alo là có tiền”. Khi người dân có nhu cầu thì các đối tượng cho vay nặng lãi buộc phải ký hợp đồng mua bán tài sản và cho thuê lại tài sản để hợp thức hóa các khoản tiền vay và lãi suất, hoặc buộc người vay viết giấy tờ nhận tiền nhưng nội dung không thể hiện lãi suất cho vay nhằm đối phó với cơ quan chức năng.

Lãi suất “tín dụng đen” từ 100% đến 300%, thậm chí lên đến 700%/năm. Khi người dân đã sụp bẫy và không còn khả năng trả nợ, bọn cho vay nặng lãi bắt đầu giở thói côn đồ, sử dụng những hành vi đe dọa, gây áp lực tinh thần như tạt sơn, mắm tôm khiến người dân vô cùng hoang mang. Khi công an mời làm việc, các đối tượng này đều thừa nhận hành vi đã gây ra nhưng không có chế tài để tạm giữ phục vụ quá trình điều tra. Khi được thả ra, các đối tượng cho vay nặng lãi sẽ chuyển đến địa bàn khác hoạt động.

Ngày 12/8/2019, sau quá trình xác minh, theo dõi, Công an TP Vĩnh Long đã bắt quả tang Hoàng Văn Cường và Lê Thị Loan (cùng ngụ xã Đại Bản, huyện An Dương- TP Hải Phòng) đang nhận 24 triệu đồng của một người đàn ông ở Phường 3. Đây là số tiền lãi trong 6 ngày từ khoản nợ gốc là 400 triệu đồng mà người đàn ông kia đã vay của Cường và Loan trước đó. 2 người này khai nhận, vào Vĩnh Long hành nghề cho vay nặng lãi từ năm 2018 và đã cho nhiều người vay nợ với lãi suất 30%/tháng.

Trước đó, Công an TP Vĩnh Long cũng phát hiện Hà Quang Huy (ngụ tỉnh Phú Thọ) đang phát tờ rơi trên đường với nội dung quảng cáo cho vay trả góp, chỉ cần CMND, sổ hộ khẩu và có số điện thoại để người vay liên hệ. Kiểm tra nơi ở của Huy tại Phường 1 (TP Vĩnh Long), phát hiện nhiều sổ ghi nợ và các bịch sơn pha mắm tôm đã được chuẩn bị sẵn. Huy khai nhận đây là “dụng cụ” để mang đi “nói chuyện” nếu khách hàng không chịu trả nợ.

Tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm “tín dụng đen”

Vừa qua, đoàn kiểm tra liên ngành của UBND tỉnh đã kiểm tra công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và các vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” tại một số địa phương.

Theo ghi nhận, hoạt động của “tín dụng đen” đã gây ra một số vụ mất an ninh trật tự, hoang mang dư luận nhưng do tâm lý sợ bị trả thù nên người dân vẫn còn e dè trong việc tố giác đến cơ quan chức năng.

Theo báo cáo của UBND TP Vĩnh Long, hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn được phát hiện từ năm 2016.

Đến nay, Công an TP Vĩnh Long đã khởi tố, bắt tạm giam 2 bị can về hành vi “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, đồng thời phối hợp với các ban ngành, đoàn thể và công an các phường- xã tổ chức tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh giác của người dân và xử phạt hành chính nhiều trường hợp phát tờ rơi liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.

Tại huyện Mang Thít, công an đã phát hiện 8 người có dấu hiệu hoạt động cho vay nặng lãi với thủ đoạn tinh vi nhằm đối phó với cơ quan chức năng.

Theo kế hoạch tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm tín dụng và các vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”, UBND tỉnh yêu cầu ngành công an siết chặt việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự và tăng cường quản lý, kiểm tra các cơ sở này, nhất là những cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, đòi nợ thuê.

Tổ chức rà soát các ngành nghề kinh doanh thường bị các nhóm hoạt động “tín dụng đen” lợi dụng hoạt động để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi các văn bản pháp luật có liên quan, phù hợp thực tế. Đồng thời, mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”.

UBND tỉnh cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Vĩnh Long tăng cường phối hợp với các đơn vị có liên quan, các tổ chức chính trị- xã hội để tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về chính sách tín dụng ngân hàng, chính sách tiền tệ, tín dụng ưu đãi theo quy định.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về hoạt động tiền tệ, ngân hàng đối với các tổ chức tín dụng, công ty tài chính.

Bài, ảnh: TRUNG HƯNG