5 lần lãnh án vì trộm cắp, lừa đảo

Cập nhật, 08:12, Thứ Năm, 17/10/2019 (GMT+7)

Từng vào tù ra khám nhiều lần, nhưng Phạm Văn Vương (SN 1991, ngụ thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn- Cà Mau) không chừa tật xấu khi liên tiếp dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản người khác tại nhiều địa phương.

Ngày 15/10/2019, TAND huyện Long Hồ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Phạm Văn Vương 4 năm 6 tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Đây là cái giá bị cáo phải trả cho bản tính chây lười, không muốn lao động nhưng thích hưởng thụ.

Bị cáo Phạm Văn Vương tại phiên tòa.
Bị cáo Phạm Văn Vương tại phiên tòa.

Trước khi thực hiện hành vi phạm tội trong vụ án trên, Phạm Văn Vương mang 4 tiền án về các tội “Trộm cắp tài sản” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Sau khi ra tù, vì muốn có tiền tiêu xài, Vương dùng thủ đoạn gian dối là vào các cửa hàng điện máy mua hàng, nhưng yêu cầu giao sản phẩm đến một địa điểm nhất định và lắp đặt mới tiến hành thanh toán.

Lợi dụng hình thức thanh toán trên và sự sơ hở của nhân viên giao hàng, Vương đã thực hiện trót lọt 2 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại huyện Long Hồ (Vĩnh Long) và huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ).

Cụ thể, khoảng 15 giờ ngày 23/5/2019, Vương đến cửa hàng Điện máy xanh (tại phường Mỹ Thới, TP Long Xuyên- An Giang) đặt mua 1 máy giặt, 1 loa kéo, 1 điện thoại di động hiệu Oppo F11, 1 pin dự phòng và yêu cầu giao đến nhà bà N.T.U.T. (ngụ huyện Vĩnh Thạnh- TP Cần Thơ).

Sau đó, Vương đến nhà bà T. nói dối rằng muốn tặng số tài sản trên cho gia đình. Trong lúc nhân viên đến giao hàng và lắp đặt, Vương giả vờ lấy điện thoại Oppo để kiểm tra, nhưng sau đó nhanh chóng tẩu thoát và bán điện thoại này lấy tiền tiêu xài.

Đến ngày 27/5/2019, không còn tiền tiêu xài, Vương tiếp tục nảy sinh ý định dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản người khác.

Vẫn với thủ đoạn cũ, khoảng 14 giờ 20 phút cùng ngày, Vương đến cửa hàng Điện máy xanh (Phường 2- TP Vĩnh Long) đặt mua 2 máy lạnh, 1 tủ lạnh, 1 tivi, 1 điện thoại di động hiệu Oppo A3s, 1 điện thoại di động hiệu Sony Xperia, 1 iPhone 8Plus, 1 máy tính bảng hiệu Huawei và yêu cầu giao các sản phẩm này đến Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Vĩnh Long (thuộc xã Phú Quới- Long Hồ).

Sau khi đặt hàng xong, với vỏ bọc “nhà hảo tâm”, Vương đến Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh đề nghị tặng số sản phẩm gia dụng gồm máy lạnh, tủ lạnh và tivi. Đến khoảng 17 giờ 50 phút cùng ngày, nhân viên cửa hàng điện máy mang đến đầy đủ các sản phẩm mà Vương đã đặt. Lúc này, Vương viện lý do kiểm tra sản phẩm để lấy 3 điện thoại và 1 máy tính bảng.

Khi anh T. (nhân viên giao hàng) yêu cầu thanh toán thì Vương giả vờ đề nghị thanh toán bằng hình thức quẹt thẻ tín dụng. Nhân cơ hội anh T. đi lấy máy quẹt thẻ, Vương lấy điện thoại Oppo A3s tặng cho nhân viên bảo vệ của trung tâm với mục đích tạo lòng tin để dễ dàng tẩu thoát.

Sau đó, Vương nảy sinh ý định chiếm đoạt xe máy của anh T. (nhân viên lắp đặt) nên giả vờ hỏi mượn xe để đi mua đồ ăn. Tưởng thật, anh T. đồng ý cho Vương lấy xe. Lúc này, Vương lấy số tài sản vừa chiếm đoạt điều khiển xe tẩu thoát.

Trên đường đi, Vương bán 1 iPhone, 1 máy tính bảng với số tiền 6,2 triệu đồng để tiêu xài cá nhân. Đến ngày 29/5/2019, Vương bị cơ quan điều tra bắt giữ và thu giữ số tài sản liên quan.

Theo kết luận giám định, 1 điện thoại di động hiệu Oppo A3s, 1 điện thoại di động hiệu Sony Xperia, 1 iPhone 8Plus, 1 máy tính bảng hiệu Huawei và xe máy mà Phạm Văn Vương chiếm đoạt có tổng trị giá gần 38,5 triệu đồng. Riêng chiếc điện thoại Oppo F11 có giá trị gần 8,5 triệu đồng.

Tại tòa, Vương khai nhận mục đích chiếm đoạt tài sản để bán kiếm tiền tiêu xài và biện minh do bản thân không có nghề nghiệp mới thực hiện hành vi phạm tội. Tuy nhiên, HĐXX không chấp nhận lời biện minh trên vì bị cáo đã từng phạm tội nhiều lần, mỗi lần hầu tòa bị cáo đều hứa hẹn nhưng vẫn tái phạm.

HĐXX nhận định, tính chất vụ án rất nghiêm trọng, bị cáo đã xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác được pháp luật bảo vệ. Hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, bị cáo thực hiện hành vi phạm tội nhiều lần và liên tục, gây hoang mang cho người dân.

Trước đó, bản thân bị cáo đã có 4 tiền án, nay lại tiếp tục phạm tội với thủ đoạn tinh vi hơn, điều này chứng tỏ bị cáo xem thường pháp luật nên cần có hình phạt thật nghiêm khắc để phòng ngừa chung.

Do đó, HĐXX thống nhất ngoài tình tiết định khung hình phạt là tái phạm nguy hiểm, bị cáo còn phải nhận thêm tình tiết tăng nặng là phạm tội mang tính chuyên nghiệp và phạm tội 2 lần trở lên. Vì vậy, HĐXX quyết định tuyên phạt bị cáo Phạm Văn Vương 4 năm 6 tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, theo quy định tại khoản 2 Điều 174 Bộ luật Hình sự.

Ngày 16/5/2013, Phạm Văn Vương bị TAND huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) tuyên phạt 1 năm 6 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản”. Cũng với tội danh này, trong năm 2015, Vương bị TAND huyện Ngọc Hiển và TAND huyện U Minh (Cà Mau)- mỗi tòa tuyên phạt 1 năm tù. Ngày 20/7/2017, Vương tiếp tục bị TAND huyện U Minh tuyên phạt 2 năm tù vì tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Bài, ảnh: KIẾN THÀNH