Trinh sát kể chuyện

Đi tìm "kho vàng" của vua Gia Long

Cập nhật, 05:59, Thứ Tư, 15/05/2019 (GMT+7)

Chuyện sẽ chẳng có gì to tát ở vùng quê yên tĩnh nằm bên bờ sông Hậu này nếu như không có mấy người đàn ông đầu quấn khăn có thêu hoa văn, vận váy như trang phục của người dân tộc Chăm tìm đến nhà bà S. xin vào xem khu vườn vốn là phần đất hương hỏa của ông bà để lại. 

Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)
Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)

Họ đi đến phần đất phía sau nhà nơi có 3 gò đất cao mấy năm nay bỏ hoang. Sau khi xem xét và bàn tán nhỏ to, họ quay vào nhà và đề nghị bà S. bán cho họ khu đất này với giá 18 lượng vàng.

Viện cớ đây là đất hương hỏa, bà S. từ chối nên họ bỏ đi. Thế nhưng hơn một năm sau nhóm người này quay lại và nâng giá mua khu đất lên… 45 cây vàng!

Một khu đất vườn rộng khoảng 800m2 lại nằm ở một nơi cách xa đường lộ nhựa phía trước có con sông nhỏ chảy ngang và cũng không nghe Nhà nước quy hoạch làm công trình gì nhưng người mua xuống giá quá cao làm bà S. không khỏi nghi ngờ.

Chắc có gì đáng giá ở khu đất này nên họ mới kiên nhẫn tới lui để tìm mua cho bằng được?! Thế là suy đi tính lại bà S. lắc đầu không bán, dù có phần tiếc nuối.

Chuyện có người đến hỏi mua đất giá cao đến tai những người thân trong gia đình, trong đó có ông P. là em ruột bà S. Vốn là một người hay tin chuyện huyền bí nên ông P. cho rằng những người lạ mặt kia đích thị là những “thầy phong thủy”. Họ đang tìm những khu đất có “long mạch” hoặc “kho báu” để mua!

Lập luận này càng có cơ sở khi một gia đình ở cách khu vườn của họ khoảng 50m trong lúc đào mương đã phát hiện một mảnh thuyền cũ nằm ở độ sâu khoảng 1,5m, có người cho rằng có thể đây là mảnh vỡ của “chiến thuyền quân Nguyễn Ánh” trên đường bôn tẩu tránh sự truy đuổi của quân Tây Sơn đã bị chìm.

Nhiều người còn thêm thắt lúc ấy Nguyễn Ánh đã cầu viện quân Xiêm kéo quân vào nước ta để đánh nhau với quân Tây Sơn, nhưng với tài chỉ huy thao lược, Nguyễn Huệ đã bày binh bố trận đánh tan tác liên quân Xiêm- Nguyễn ở Rạch Gầm- Xoài Mút (tỉnh Tiền Giang).

Thua trận, Nguyễn Ánh và đoàn tùy tùng vừa chạy thoát thân vừa mang theo nhiều cung tần, mỹ nữ và vàng bạc, châu báu chạy dạt về phía bên này sông Tiền, rồi theo con sông nhỏ vào miệt Nha Mân.

Nhưng khi bị quân Tây Sơn Nguyễn Huệ truy đuổi gắt quá, vua đành phải bấm bụng bỏ lại các người đẹp để khỏi vướng bận trong lúc bôn đào. Lúc chia tay cùng thê thiếp, chúa Nguyễn đã ban cho các nàng một ít tiền vàng để tự tìm kế sinh nhai và dặn dò: “Ta xa các khanh chắc khó có ngày gặp lại.

Vì vậy, các nàng khỏi chờ trông mà được phép… có chồng!” và dĩ nhiên “trúng mánh đậm” có lẽ là những chàng trai nông dân ở miệt Nha Mân (ngày nay thuộc xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành- Đồng Tháp). Họ cưới vợ sinh con cùng với những cung tần xinh như mộng. Vì vậy mà đến nay vùng đất Nha Mân vẫn còn lưu truyền câu vè:

Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh

Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân

Còn vàng bạc châu báu thì chúa Nguyễn cho quân tẩu tán đem đi cất giấu ở nhiều nơi để dành sử dụng sau này?!

Nghe câu chuyện xưa tính đến nay đã hơn 2 thế kỷ, ông P. thấy càng có lý. Đường sông từ Nha Mân đến nhà ông chỉ khoảng mười mấy cây số, nếu đây là tuyến đường bôn tẩu của chúa Nguyễn từ phía sông Tiền sang sông Hậu để về hướng Rạch Giá như sử sách đã ghi thì chắc chắn nhà vua sẽ đi thuyền qua con sông ngay trước cửa nhà ông!

Hơn nữa qua quan sát ông P. để ý khu đất sau nhà đang bằng phẳng bỗng dưng nổi lên 3 gò đất cao, trong đó gò ở giữa là cao nhất như là một tín hiệu để “định vị” kho báu nếu sau này nhà vua quay trở lại.

Hơn nữa theo thuyết ngũ hành (Kim- Mộc- Thủy- Hỏa- Thổ), gồm ngũ hành tương sinh và ngũ hành tương khắc, thì Kim khắc Mộc (vàng kỵ gỗ) ngẫm nghĩ cũng càng… có lý hơn, vì mấy cái gò này đất đai khô cằn, có trồng cũng khó cây gì sống nổi, chắc chắn bên dưới phải có kim (vàng).

Những người trong gia đình còn cho biết đêm đêm ở khu đất này thỉnh thoảng xuất hiện ánh lửa lập lòe bay lên không trung rồi vụt tắt làm cho câu chuyện khu đất gò càng mang thêm màu huyền bí.

Tổng hợp những sự việc, hiện tượng vừa nêu, ông P. đi đến kết luận: Nhóm người đi mua đất kia đích thị là cháu, chắt, chút, chít… của các chiến binh dưới trướng Gia Long đã được tổ tiên vẽ lại sơ đồ nơi giấu kho báu trong lúc bôn tẩu nay họ đang tìm mọi cách để lấy lại!

(Còn tiếp)

TRẦN THẮNG