Đừng đùa, tiêu tiền chuyển nhầm vào tài khoản, có thể lĩnh 7 năm tù

Cập nhật, 11:05, Chủ Nhật, 28/04/2019 (GMT+7)

 

Theo luật sư, nếu rút tiền tiêu xài số tiền bị người khác chuyển nhầm vào tài khoản của mình - có thể bị phạt tù cao nhất đến 7 năm theo Điều 177, Bộ luật Hình sự 2015.

Ngày 26/4, Công an quận 1, TPHCM cho biết, anh Cù Chi Nguyên (19 tuổi) được một ngân hàng có trụ sở trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1 chuyển nhầm gần 5 tỉ đồng vào tài khoản. Sau đó, anh Nguyên rút ra tiêu xài hết 1 tỉ đồng.

Sự việc được phát hiện, phía công an mời thanh niên 19 tuổi lên trụ sở làm việc. 

Trước sự việc hy hữu, nhiều độc giả cho rằng lỗi thuộc về ngân hàng. Tuy nhiên, không ít người nhận định việc làm của Nguyên đã vi phạm pháp luật.

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với Lao Động, luật sư Diệp Năng Bình, Đoàn Luật sư TPHCM cho rằng, ngay sau khi phát hiện chuyển nhầm tài khoản, việc đầu tiên, người chuyển nhầm cần làm là báo ngay với ngân hàng về việc này.

Cùng với đó là yêu cầu ngân hàng kiểm tra và thông báo đến phía ngân hàng của tài khoản được chuyển nhầm để xử lý theo quy định.

Nếu người nhận không hợp tác, về nguyên tắc ngân hàng bên nhận có quyền từ chối hợp tác. Tuy nhiên, ngân hàng nhận phải có trách nhiệm kêu gọi người nhận tiền nhầm trả tiền lại.

Người gửi có thể thông báo để nhờ ngân hàng đầu nhận phong tỏa số tiền đã chuyển nhầm, người nhận thấy tiền nhưng không rút hay sử dụng được.

Nếu việc hỗ trợ của ngân hàng không có hiệu quả, người chuyển nhầm có thể làm đơn khởi kiện ra TAND có thẩm quyền để yêu cầu trả lại tài sản. Hoặc người chuyển nhầm có thể làm đơn tố cáo lên cơ quan chức năng để tố cáo hành vi chiếm giữ trái phép tài sản của người được chuyển nhầm.

Khi nhận được số tiền do người khác chuyển nhầm thì nhất định phải trả lại cho chủ tài khoản. Bởi theo quy định tại Điều 579, Bộ luật Dân sự 2015, khi chiếm hữu tài sản của người khác không có căn cứ pháp luật, phải hoàn trả cho chủ sở hữu.

Hành vi không thực hiện nghĩa vụ hoàn trả là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị phạt hành chính theo quy định tại Điều 15, Nghị định 167/2013/NĐ-CP.

Theo đó, người không trả lại tiền chuyển nhầm tài khoản có thể bị phạt tiền: Từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đồng, nếu sử dụng trái phép số tiền người khác chuyển nhầm.

Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng nếu chiếm giữ trái phép tài sản của người khác.

Ngoài ra, trong nhiều trường hợp, người không trả lại tiền chuyển nhầm tài khoản có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Chiếm giữ trái phép tài sản.

Khi đó sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng và bị phạt tù cao nhất là 5 năm tù theo Điều 176, Bộ luật Hình sự 2015.

Còn nếu sử dụng số tiền đó (tùy số tiền) thì bị truy cứu tội Sử dụng trái phép tài sản theo Điều 177, Bộ luật Hình sự 2015.

Với tội danh này, người phạm tội sẽ bị phạt tiền lên đến 100 triệu đồng, hoặc bị phạt thấp nhất là cải tạo không giam giữ 2 năm, cao nhất là 7 năm tù.

Theo LĐO