Phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn

Cập nhật, 06:11, Thứ Sáu, 07/12/2018 (GMT+7)

Dù các vụ cháy lớn đã được kiềm chế và từng bước kéo giảm trong những năm gần đây, nhưng có những vụ cháy đã gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Tại hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm thực hiện kế hoạch triển khai các biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn cháy lớn được tổ chức vừa qua, Thượng tướng Lê Quý Vương- Thứ trưởng Bộ Công an- yêu cầu cơ quan chức năng phải tổ chức phân loại mức độ nguy hiểm về cháy nổ tại từng cơ sở và thực hiện ngay các biện pháp ngăn chặn hiệu quả nguy cơ về cháy nổ.

Các khu thương mại, nhà cao tầng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về cháy nổ. Trong ảnh: Diễn tập phòng cháy chữa cháy tại chợ Vĩnh Long.
Các khu thương mại, nhà cao tầng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về cháy nổ. Trong ảnh: Diễn tập phòng cháy chữa cháy tại chợ Vĩnh Long.

Cháy lớn hậu quả lớn

Theo báo cáo của Bộ Công an, từ năm 2013 đến nay, cả nước đã xảy ra hơn 15.400 vụ cháy, làm chết 449 người, bị thương hơn 1.000 người, thiệt hại về tài sản gần 10.000 tỷ đồng và gần 6.000ha rừng. Trong đó, có 159 vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người.

Hầu hết các địa phương có tốc độ phát triển kinh tế, đô thị nhanh, có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, chợ, trung tâm thương mại cao tầng, khu dân cư tập trung, như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Nai, Bình Dương,... đều đã xảy ra những vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản và tính mạng con người.

Điển hình như vụ cháy vào cuối năm 2016 tại quán karaoke số 68 Trần Thái Tông (TP Hà Nội) làm 13 người chết. Đến tháng 7/2017, tại TP Hà Nội lại xảy ra vụ cháy xưởng sản xuất bánh kẹo ở huyện Hoài Đức, khiến 8 người chết.

Hay vào đầu năm 2018, vụ cháy tại Chung cư Carina Plaza (TP Hồ Chí Minh) làm chết 13 người, bị thương 51 người.

Vụ cháy nghiêm trọng xảy ra gần đây là vào ngày 22/11 tại tỉnh Bình Phước, xe bồn chở xăng sau khi va chạm với xe ba gác đã lao lên lề, tông trúng trụ điện ven đường. Sau đó, xe bồn bị lật, xăng đổ ra ngoài và bốc cháy.

Trong phút chốc, ngọn lửa bao trùm khu vực và cháy lan 19 căn nhà, làm 6 người chết, trong đó có 4 người quê Vĩnh Long.

Anh Lê Văn Tuấn (ngụ Ấp 7, xã Trung Ngãi- Vũng Liêm) có vợ và 2 con thiệt mạng trong vụ cháy này. Anh Tuấn đau đớn nói:

Hôm đó, anh đang lái xe tải chở trái cây từ quê lên, đến TP Hồ Chí Minh thì nghe tin xảy ra vụ cháy. Trong căn nhà cháy rụi có 4 thi thể, hầu hết đã bị biến dạng, anh chỉ nhận biết vợ mình nhờ chiếc răng giả.

Theo điều tra, nguyên nhân chính dẫn đến cháy lớn được cho là do công nghệ sản xuất của một số nhà máy đã cũ, lạc hậu, các điều kiện về phòng cháy chữa cháy không đảm bảo.

Cơ sở hạ tầng tại các đô thị cũ, xuống cấp và không có nguồn nước chữa cháy hoặc có nước thì lại không có đường dẫn cho xe chữa cháy tiếp cận.

Mặt khác, ý thức một bộ phận người dân còn hạn chế trong việc đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy, cũng là nguyên nhân phát sinh các vụ cháy nổ nghiêm trọng.

Phân loại cơ sở theo mức độ nguy hiểm cháy nổ

Trước diễn biến phức tạp của tình hình cháy nổ, năm 2013, Bộ Công an đã ban hành kế hoạch triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn trên phạm vi toàn quốc.

Mục tiêu là chủ động trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn và từng bước đẩy lùi, giảm thiểu đến mức thấp nhất cả về số vụ và thiệt hại do cháy nổ gây ra.

Công an các đơn vị, địa phương, trong đó nòng cốt là lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy đã triển khai nghiêm túc, hiệu quả, góp phần ngăn chặn và kiềm chế số vụ cháy và thiệt hại về người, tài sản do cháy nổ gây ra.

Bộ Công an cho biết, so với giai đoạn từ năm 2012 về trước, số vụ cháy lớn cơ bản được kiềm chế, giảm xuống dưới mức 1% so với tổng số vụ cháy xảy ra hàng năm. Riêng năm 2016 số vụ cháy lớn là 0,9%, năm 2017 giảm xuống còn 0,76%.

Tuy vậy, Bộ Công an thừa nhận việc triển khai công tác phòng chống cháy lớn vẫn còn một số khó khăn, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Trong đó, việc thành lập và tổ chức hoạt động của đội dân phòng, phòng cháy chữa cháy cơ sở còn mang tính hình thức; phương tiện trang thiết bị phục vụ công tác chữa cháy cứu nạn, cứu hộ và các thiết bị bảo đảm an toàn cho cán bộ, chiến sĩ khi làm nhiệm vụ còn thiếu.

Thượng tướng Lê Quý Vương yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ công an phải tổ chức điều tra, rà soát, nắm chắc địa bàn, phân loại cơ sở theo mức độ nguy hiểm cháy nổ và lập hồ sơ theo dõi, quản lý về phòng cháy chữa cháy.

Mục tiêu là bảo đảm 100% các cơ sở, địa bàn thuộc diện quản lý về phòng cháy chữa cháy có đầy đủ hồ sơ theo dõi, quản lý.

Trên cơ sở đó, phân loại, phân tích đánh giá mức độ nguy hiểm cháy nổ của từng cơ sở và triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, ngăn ngừa cháy lớn. Biện pháp hàng đầu là thanh tra, kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy, kiên quyết xử lý nghiêm, công khai hóa các trường hợp vi phạm.

Hiện, cả nước có 362 đội trực tiếp làm nhiệm vụ phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Những đội này được trang bị hơn 3.000 phương tiện chữa cháy cơ giới các loại và nhiều trang thiết bị chuyên dùng. Đến nay, có hơn 400.000 lượt cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia cứu chữa hơn 8.600 vụ cháy trên toàn quốc.

Bài, ảnh: TRUNG HƯNG