Xử lại vụ sai phạm tại Công ty Lương thực Vĩnh Long

4 bị cáo được giảm án

Cập nhật, 05:22, Thứ Ba, 11/09/2018 (GMT+7)

Vụ sai phạm tại Công ty Lương thực Vĩnh Long xảy ra từ năm 2012, liên quan đến 6 bị cáo: Huỳnh Văn Thức (SN 1974, nguyên Trưởng Phòng Kế hoạch kinh doanh), Trần Thị Diễm Thúy (SN 1973, nguyên Kế toán trưởng), Phạm Anh Thơ (SN 1963, nguyên Tổ trưởng Tổ Nông sản), Võ Minh Khôi (SN 1989, nhân viên Phòng Kế hoạch kinh doanh), Nguyễn Thị Tuyết Nghĩa (SN 1962, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thịnh Phát Kon Tum) và Nguyễn Ngọc Thạch (con trai Nghĩa, SN 1981, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thịnh Phát Kon Tum).

Các bị cáo tại tòa.
Các bị cáo tại tòa.

Sau bản án sơ thẩm, cấp phúc thẩm của TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh quyết định hủy án, trả hồ sơ điều tra lại do chưa làm rõ số tiền lừa đảo trong vụ án này. Ngày 6, 7 và 10/9/2018, TAND tỉnh Vĩnh Long đã đưa vụ án này ra xét xử sơ thẩm (lần 2).

“Qua mặt” công ty “mẹ”

Năm 2012, Nguyễn Thị Tuyết Nghĩa và Dương Lê Dũng- Giám đốc Công ty Lương thực Vĩnh Long- thống nhất hợp tác kinh doanh theo hình thức Công ty Lương thực Vĩnh Long ứng vốn cho Công ty CP Tập đoàn Thịnh Phát Kon Tum để mua sắn lát khô, lãi suất từ 6- 8%/năm và Công ty Lương thực Vĩnh Long được chia lợi nhuận từ 40.000- 130.000 đ/tấn hàng thực xuất.

Các chi phí như vận chuyển, bao bì, đóng gói và các chi phí phát sinh đều do Công ty CP Tập đoàn Thịnh Phát Kon Tum tự chi trả. Tuy nhiên, việc hợp tác kinh doanh này không được Công ty Lương thực Vĩnh Long báo cáo Tổng Công ty Lương thực Miền Nam.

Sau đó, ông Dũng chỉ đạo Thức thuê luật sư tư vấn soạn thảo hợp đồng kinh doanh và tổ chức họp ban giám đốc, các phòng ban để phổ biến kế hoạch và giao nhiệm vụ.

Quá trình hợp tác, Thức có nhiệm vụ kiểm tra các hợp đồng, theo dõi, quản lý, giám sát hàng hóa. Thúy thực hiện việc ký kết các đề nghị tạm ứng, chứng từ tạm ứng theo các hợp đồng và theo dõi tiến độ, thanh lý hợp đồng.

Từ 28/2- 6/12/2012, Công ty Lương thực Vĩnh Long đã ký 25 hợp đồng hợp tác kinh doanh và 25 hợp đồng mua bán hàng hóa với Công ty CP Tập đoàn Thịnh Phát Kon Tum.

Quá trình làm ăn, do không có hàng giao nên Công ty CP Tập đoàn Thịnh Phát Kon Tum đã sử dụng hàng của hợp đồng sau chuyển qua thực hiện các hợp đồng trước.

Khi không còn hàng và gặp khó khăn về tài chính, Nghĩa tiếp tục chỉ đạo Thạch và các nhân viên xác nhận khống trên 11.000 tấn sắn lát khô để nhận tiền ứng vốn kinh doanh, chi tiêu cho công ty và sử dụng cá nhân.

Đối với Thơ, được giao kiểm tra, xác nhận hàng hóa tại 2 kho hàng (kho 332, kho Diên Bình) làm cơ sở để công ty chuyển tiền tạm ứng theo chỉ đạo của ông Dũng và Thức.

Thơ có trách nhiệm phải đi kiểm tra kho để lập các bảng xác nhận khối lượng hàng hóa nhưng đã thiếu trách nhiệm, xác nhận không đầy đủ số lượng hàng hóa, gây thiệt hại trên 68 tỷ đồng.

Khôi được giao nhiệm vụ giám sát khối lượng hàng thực tế nhập kho để báo cáo cho Thơ tổng hợp, ký bảng xác nhận khối lượng hàng hóa,

làm căn cứ để Công ty Lương thực Vĩnh Long chuyển tiền tạm ứng theo các hợp đồng kinh tế đã ký xác nhận theo đề nghị của Công ty Thịnh Phát nhưng không giám sát đầy đủ số lượng và chất lượng hàng hóa, để Công ty CP Tập đoàn Thịnh Phát Kon Tum nâng khống 8.100 tấn sắn lát khô, gây thiệt hại 32,4 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra xác định, do đầu tư vốn ngoài ngành trái quy định của pháp luật, không thực hiện đúng các quy định về bảo toàn vốn, việc kiểm tra, xác nhận hàng nhập kho trước khi chuyển tiền ứng vốn không đúng quy định, để Công ty CP Tập đoàn Thịnh Phát Kon Tum nâng khống số lượng hàng hóa dẫn đến bị mất vốn.

Hậu quả thiệt hại do hành vi cố ý làm trái quy định về đầu tư ngoài ngành của Dũng, Thức, Thúy là trên 71 tỷ đồng.

Nâng khống số lượng hàng hóa

Đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Nguyễn Thị Tuyết Nghĩa, cơ quan điều tra xác định, để có tiền kinh doanh, trả nợ và tiêu xài, Nghĩa đã bàn bạc, thỏa thuận với Dương Lê Dũng hợp tác kinh doanh.

Trong quá trình hợp tác, Nghĩa dùng thủ đoạn nâng khống số lượng hàng hóa để chiếm đoạt tiền tạm ứng của Công ty Lương thực Vĩnh Long.

Trong tổng số trên 102 tỷ đồng Công ty Thịnh Phát đã nhận ứng, có 9,6 tỷ đồng nhận ứng không cần hàng hóa và 24 tỷ đồng được Công ty Lương thực Vĩnh Long cho mượn. Số còn lại trên 68 tỷ đồng được tạm ứng từ việc nâng khống số lượng hàng hóa.

Tại bản án sơ thẩm (lần thứ nhất) vào đầu năm 2017, tòa đã tuyên phạt bị cáo Huỳnh Văn Thức 10 năm tù, Trần Thị Diễm Thúy 9 năm tù, Phạm Anh Thơ 5 năm tù, Võ Minh Khôi 3 năm tù, Nguyễn Thị Tuyết Nghĩa 10 năm tù, Nguyễn Ngọc Thạch 5 năm tù.

Quá trình điều tra, Thức, Thơ, Khôi khai không biết việc Nghĩa, Thạch nâng khống số lượng hàng hóa và không có việc ông Dũng chỉ đạo việc này.

Nghĩa và Thạch thừa nhận do khó khăn về tài chính nên nâng khống số lượng hàng hóa để được nhận tiền tạm ứng theo các hợp đồng đã ký với Công ty Lương thực Vĩnh Long.

Sau đó sử dụng số tiền này để mua hàng hóa, chi xài trong công ty và trả nợ.

Tuy nhiên, Nghĩa khai có trao đổi với ông Dũng và được đồng ý, nhưng trong quá trình điều tra thì ông Dũng không thừa nhận điều này.

Căn cứ vào những tình tiết trong quá trình điều tra và lời khai tại tòa, HĐXX quyết định tuyên phạt bị cáo Huỳnh Văn Thức 10 năm tù, Trần Thị Diễm Thúy 9 năm tù, cùng tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”;

Phạm Anh Thơ 3 năm tù, Võ Minh Khôi 2 năm tù, cùng tội “Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp”; Nguyễn Thị Tuyết Nghĩa 9 năm tù, Nguyễn Ngọc Thạch 4 năm tù, cùng tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Công ty Lương thực Vĩnh Long là chi nhánh của Công ty TNHH 1TV Tổng Công ty Lương thực miền Nam, 100% vốn nhà nước. Ngành nghề kinh doanh: chế biến, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu lương thực, các mặt hàng nông sản, thực phẩm chế biến, vật tư thiết bị phục vụ ngành nông nghiệp,...

Trong quá trình hoạt động kinh doanh, ông Dương Lê Dũng là người đứng đầu cơ quan cùng với nhân viên của mình hợp tác với Công ty CP Tập đoàn Thịnh Phát Kon Tum làm trái nguyên tắc, vượt thẩm quyền, gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng. Trong vụ án, cơ quan điều tra xác định Dương Lê Dũng giữ vai trò chính nhưng do ông Dũng đã chết nên cơ quan điều tra đã đình chỉ điều tra đối với bị can này.

Bài, ảnh: TRUNG HƯNG