Huấn luyện cảnh khuyển nghiệp vụ

Cập nhật, 05:30, Thứ Năm, 15/02/2018 (GMT+7)

Để có được những “cảnh khuyển” giỏi nghiệp vụ, hàng ngày, các chiến sĩ chăm sóc chúng từ miếng ăn đến giấc ngủ và dành không ít thời gian huấn luyện.

“Cảnh khuyển” thực hiện hiệu lệnh của huấn luyện viên và bài tập phản xạ điều kiện nằm phục kích.
“Cảnh khuyển” thực hiện hiệu lệnh của huấn luyện viên và bài tập phản xạ điều kiện nằm phục kích.

Những chú chó bec- giê cao to, lông mượt, tinh khôn, biết tuân lệnh chủ, được các cán bộ, chiến sĩ công an ở Đội Quản lý- huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ (Phòng Cảnh sát cơ động- Công an tỉnh Vĩnh Long) huấn luyện, trở thành lực lượng “cảnh khuyển” nghiệp vụ tinh nhuệ phục vụ cho công tác tuần tra kiểm soát, hỗ trợ thi hành án, phòng chống biểu tình gây rối trật tự, truy tìm dấu vết, điều tra phá án, trấn áp tội phạm.

Tâm huyết với nghề

Thiếu tá Bùi Thanh Hiếu- Đội trưởng Đội Quản lý- huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ- cho biết: Những “cảnh khuyển” nghiệp vụ thuộc loại bec- giê Đức được Bộ Công an chọn lựa, cấp cho đơn vị. 

Ngành cử chiến sĩ đến Trung tâm Huấn luyện chó nghiệp vụ (Bộ Công an) học 6 tháng để sau đó, mỗi chiến sĩ nhận một “cảnh khuyển” về huấn luyện ở đơn vị.

Công việc huấn luyện “cảnh khuyển” rất thú vị và cũng lắm vất vả. Các chiến sĩ phải yêu mến, tâm huyết mới có thể gắn bó lâu dài với việc này.

Hàng ngày, các chiến sĩ phải thức dậy sớm vệ sinh chuồng, cho ăn uống, tắm rửa, chải lông rồi tập luyện cho “cảnh khuyển”.

Sau thời gian huấn luyện, những chú “cảnh khuyển” hung dữ trở nên ngoan ngoãn, biết tuân theo lệnh của chủ và đặc biệt rất tinh nhuệ khi trưng dụng cho công tác.

Một trong những chiến sĩ công an với hơn 12 năm trong nghề huấn luyện “cảnh khuyển” nghiệp vụ là Đại úy Nguyễn Hồng Phát đang huấn luyện chú “cảnh khuyển”tên Jac. Trước đó, Đại úy Nguyễn Hồng Phát cũng đã huấn luyện 2 chú “cảnh khuyển” tên Ly và Matin.

Nói về “cảnh khuyển” nghiệp vụ cưng, Đại úy Nguyễn Hồng Phát cho biết: “Những “cảnh khuyển” được huấn luyện rất khôn ngoan, trung thành với chủ. 

Lúc mình đi vắng là nó buồn, nằm lì ra, ăn ít cho đến khi chủ về nó mới mừng rỡ, quấn quít. Những “cảnh khuyển” nghiệp vụ đã như người bạn thân của mình”.

Ngày lễ hay tết, rời cơ quan về quê vài ngày là anh lại thấy nhớ “học trò”, đành rút ngắn thời gian quay trở lại với công việc.

Còn Trung úy Nguyễn Văn Cường đến với nghề huấn luyện “cảnh khuyển” nghiệp vụ từ sự phân công của đơn vị nhưng rồi đam mê và nhiệt huyết với cái nghề được cho là “đặc biệt” này. Khi hoàn thành nghĩa vụ, Trung úy Nguyễn Văn Cường vào ngành công an và được cử đi học huấn luyện “cảnh khuyển” nghiệp vụ.

Sau 6 tháng học ở trung tâm huấn luyện, anh dẫn về đơn vị một “người bạn” là chú “cảnh khuyển” tên Ken. Trung úy Nguyễn Văn Cường chia sẻ: “Công việc huấn luyện rất vất vả, nhất là những ngày đầu tiếp xúc với “cảnh khuyển”.

Tuy nhiên sau thời gian tập luyện, “cảnh khuyển” hung dữ trở nên khôn ngoan, tinh nhuệ, biết tuân theo lệnh, đáp ứng cho công tác. Đó là kết quả, niềm vui và mong đợi của các chiến sĩ công an huấn luyện “cảnh khuyển” nghiệp vụ”.

“Cảnh khuyển” ở thao trường

Các chiến sĩ huấn luyện cùng lực lượng “cảnh khuyển” chuẩn bị ra thao trường luyện tập.
Các chiến sĩ huấn luyện cùng lực lượng “cảnh khuyển” chuẩn bị ra thao trường luyện tập.

Mỗi buổi sáng, sau khi dọn chuồng, cho ăn, chải chuốt cho các chú chó xong, chiến sĩ dẫn “cảnh khuyển” đi tập luyện đến khoảng 10 giờ trưa mới trở về đơn vị.

Hôm tôi có mặt nơi “thao trường”, tận mắt thấy những “cảnh khuyển” cao to, hung hãn, sung sức và cũng rất khôn ngoan, tinh nhuệ đáp ứng với những bài tập của huấn luyện viên.

Trung úy Nguyễn Văn Cường ra lệnh “nghiêm, nghỉ, nằm phục kích” thì nhanh như chớp, con Ken chạy đến tiếp cận mục tiêu theo hiệu lệnh.

Trung úy Nguyễn Văn Cường cho biết, con Ken là loại “cảnh khuyển” bảo vệ tuần tra kiểm soát. Tập cho Ken phản xạ có điều kiện, phát triển tính hung dữ.

Khi chỉ đối tượng cho “cảnh khuyển” và khi đối tượng có phản ứng thì ngay lập tức “cảnh khuyển” sẽ tấn công. Sau những bài tập, “cảnh khuyển” đạt loại giỏi sẽ được huấn luyện viên “thưởng nóng” miếng bánh ngọt, thịt nướng cùng với cái vuốt ve tạo thêm phấn khích cho các “học trò” đặc biệt này.

Lực lượng cảnh khuyển thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát.
Lực lượng cảnh khuyển thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát.

Trong buổi tập luyện cũng như làm nhiệm vụ bảo vệ tuần tra kiểm soát, trấn áp tội phạm, lực lượng “cảnh khuyển” luôn tỏ ra dũng mãnh, dữ tợn, khiến những ai nhìn thấy cũng sợ run người và đối tượng vi phạm sẽ không dám chống đối.

Đại úy Nguyễn Hồng Phát cho biết, để huấn luyện một “cảnh khuyển” nghiệp vụ giỏi, tinh thông phải trải qua 15 bài tập cơ bản phản xạ có điều kiện và 9 chuyên khoa.

Ngoài yêu cầu “cảnh khuyển” phải hội tụ nhiều tố chất như: dáng cao to, tính hung dữ, thần kinh tốt thì huấn luyện viên còn phải hiểu tính nết, “sở trường” từng “cảnh khuyển”.

Mỗi “cảnh khuyển” được huấn luyện từng nhiệm vụ riêng. Đặc biệt, “cảnh khuyển” có thần kinh vững vàng, nhạy với mùi sẽ được đào tạo để giám biệt mùi hơi, chất đặc định (như ma túy, chất nổ). Tuy nhiên, công tác huấn luyện “cảnh khuyển” phải bền bỉ, khoa học, từ đơn giản đến phức tạp và phải được luyện tập thường xuyên.

Trung tá Đặng Thanh Sang- Phó trưởng Phòng Cảnh sát cơ động- Công an tỉnh Vĩnh Long cho biết, hàng tháng đơn vị đều có kế hoạch huấn luyện lực lượng “cảnh khuyển” nghiệp vụ sát với tình hình thực tế.

Ban Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo đơn vị đưa lực lượng “cảnh khuyển” tham gia công tác diễn tập thực binh tình huống A2, tham gia tuần tra kiểm soát cùng lực lượng cảnh sát cơ động góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội, giữ bình yên cho cuộc sống. 

Bài, ảnh: VĂN MINH