Mất tiền tỉ sau cú "click chuột"

Cập nhật, 10:23, Thứ Hai, 04/12/2017 (GMT+7)

Cơ quan chức năng nhiều lần khuyến cáo doanh nghiệp giao dịch chuyển tiền với đối tác cần cẩn thận vì hacker đột nhập email thực hiện hành vi lừa đảo

Cơ quan CSĐT Công an TP HCM vừa ra quyết định khởi tố vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo đơn tố cáo của Công ty TNHH S.K.V.

Thay đổi 1 ký tự trong email

Công ty TNHH S.K.V được thành lập năm 2015, có trụ sở tại Khu Công nghiệp Mỹ Phước (tỉnh Bình Dương) chuyên sản xuất, kinh doanh thuốc hóa học và dệt vải.

Công ty TNHH S.K.V ký hợp đồng ghi nhớ, thỏa thuận việc mua hóa chất với Công ty TNHH Novosil có trụ sở tại Trung Quốc. Theo đó, Công ty S.K.V sử dụng email skochem@hanmail.net thỏa thuận việc mua bán với Công ty Novosil qua địa chỉ email brian-yu@novosil-tech.com.

Tương tự như hợp đồng đã ký trước đó, ngày 26-12-2016, Công ty S.K.V gửi đơn đặt mua hóa chất và nhận được email báo giá đơn hàng (87.000 USD) kèm theo hợp đồng kinh tế từ đối tác.

Một đối tượng lừa đảo đang giao dịch tại một ngân hàng
Một đối tượng lừa đảo đang giao dịch tại một ngân hàng

Ngày 4-1-2017, Công ty S.K.V nhận được email brian_yu@novosil-tech.com yêu cầu thanh toán hợp đồng; đồng thời, thông báo có sự thay đổi về tên và tài khoản của đơn vị nhận tiền. Ngày 5-1-2017, Công ty TNHH S.K.V chuyển tiền theo hợp đồng. 

Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền mà không nhận được hàng, Công ty TNHH S.K.V đã trao đổi trực tiếp với phía Công ty Novosil thì được biết không có chuyện công ty này thay đổi thông tin tài khoản. Nhận thấy bị lừa đảo, lãnh đạo Công ty TNHH S.K.V đã làm đơn tố cáo.

Công an TP HCM phát hiện các đối tượng tạo lập email gần giống email của Công ty Novosil (khác 1 ký tự) để lừa Công ty TNHH S.K.V chuyển tiền; hành vi này có dấu hiệu hình sự nên khởi tố vụ án để điều tra.

Tương tự, doanh nghiệp (DN) chuyên kinh doanh thủy sản của ông T.T.S (ngụ quận Thủ Đức) giao dịch với các đối tác Thái Lan đặt mua tôm giống qua email. Sau đó, ông S. nhận được mail yêu cầu thanh toán tiền tôm giống qua tài khoản khác. Sau khi chuyển 3 tỉ đồng mà không nhận được hàng, ông S. liên lạc với đối tác thì biết bị lừa.

Ngoài 2 trường hợp trên, Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế và tham nhũng (PC46) Công an TP HCM cho biết từng nhận nhiều đơn tố cáo tương tự.

Đề cao cảnh giác

Theo cơ quan điều tra, các băng nhóm lừa đảo công nghệ cao thường hack rồi thâm nhập email của DN để nắm thông tin về giao dịch, hợp đồng kinh tế, tài khoản chuyển tiền…, sau đó tạo một email gần giống, gửi thư điện tử cho DN, yêu cầu gửi tiền thanh toán qua tài khoản vừa thay đổi.

Phần lớn các vụ án đã khởi tố để điều tra không tìm ra kẻ phạm pháp, rất ít số vụ khám phá thành công và sa lưới pháp luật.

Vì vậy, Công an TP HCM đã có thông báo gửi các cơ quan, ban ngành trên địa bàn TP, phối hợp các nhà mạng nhắn tin đến từng số di động để khuyến cáo người dân.

VKSND TP HCM cũng đã tập hợp các vi phạm, sơ hở trong công tác quản lý nhà nước ở lĩnh vực ngân hàng, tài chính, tín dụng có liên quan đến loại tội phạm công nghệ cao; đồng thời kiến nghị chủ tịch UBND TP HCM, giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM có biện pháp chỉ đạo, chấn chỉnh sơ hở, thiếu sót.

"Các ngành thông tin truyền thông, ngân hàng, chứng khoán, các DN cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin… là những đối tượng của tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Do đó, cần tăng cường công tác quản lý, bảo mật dữ liệu, thông tin; lựa chọn hình thức giao dịch có độ an toàn cao; thực hiện đúng quy trình về giao dịch thanh toán, chuyển khoản…

Nếu phát hiện những biểu hiện bất thường trong giao dịch qua hộp thư điện tử như sự thay đổi trong ngôn ngữ giao dịch, thời gian thực hiện nghĩa vụ thanh toán… thì cần kiểm tra lại độ an toàn của hộp thư điện tử" - bà Nguyễn Quỳnh Lan, Phó trưởng Phòng 3 (án kinh tế và chức vụ) VKSND TP HCM lưu ý.

Hứa hẹn cưới, mượn tài khoản chuyển tiền

Cơ quan CSĐT Công an TP HCM đang điều tra đối tượng Daniel Chiedozie Nwachukwu (quốc tịch Nigeria) về hành vi rửa tiền.

Ngày 10-10, Daniel được White (tên khác là William Elvis David, đang sống tại Campuchia) thuê đến nhận 47.000 USD từ một người phụ nữ tên Nguyễn Thị Ngọc Hân. Đến ngày 12-10, khi bà Hân giao cho Daniel 1,2 tỉ đồng tại một nhà hàng thì bị lực lượng công an bắt giữ.

Theo Công an TP HCM, số tiền trên do một số đối tượng lừa đảo chiếm đoạt của Công ty CP XNK Thủy sản An Giang (AGIFISH) bằng cách giả danh công ty này yêu cầu đối tác thanh toán tiền hàng vào tài khoản của bà Hân thay vì chuyển khoản về tài khoản của AGIFISH.

Lời khai ban đầu của bà Hân cho thấy bà này quen White trên mạng xã hội, được hứa hẹn kết hôn. White nói có số tiền lớn chuyển vào tài khoản của bà Hân và đề nghị rút ra đưa cho Daniel. Bản thân Daniel biết là tiền lừa đảo nhưng vẫn nhận để chuyển cho White nên có dấu hiệu phạm tội "Rửa tiền".

Theo NLĐO