Anh em ruột dứt tình chỉ vì lối đi

Cập nhật, 05:40, Thứ Ba, 21/11/2017 (GMT+7)

Lối đi chỉ vài chục mét đất nông nghiệp, không đáng giá bao nhiêu nhưng 2 anh em ruột tranh chấp suốt nhiều năm liền. Vụ việc không thể giải quyết được bằng tình thâm ruột thịt mà phải ra tòa phán quyết bằng pháp luật và phải dùng đến biện pháp cưỡng chế đứa em thi hành bản án.

Lực lượng chức năng cưỡng chế thi hành án mở lối đi cho anh H.
Lực lượng chức năng cưỡng chế thi hành án mở lối đi cho anh H.

Chuyện đau lòng xảy ra giữa anh em ruột tên H. và M. ở xã Hòa Ninh (Long Hồ). Hôm lực lượng chức năng đến cưỡng chế, anh em H.- M. đã xảy ra cuộc khẩu chiến không khoan nhượng mà quên đi mình là anh em máu mủ, ruột rà. Phần cưỡng chế là lối đi chiều ngang khoảng hơn 1m, dài 48m.

Thật đáng tiếc khi vài chục mét vuông đất ở nông thôn không đáng giá bao nhiêu nhưng 2 anh em tranh chấp suốt mấy năm trời, phải nhờ đến pháp luật giải quyết.

Xóm giềng chứng kiến họ gay gắt nhau vì lối đi nhỏ từ phần đất cha mẹ để lại mà cảm thấy xót lòng.

Theo anh H., lối đi nằm trong phần đất của cha mẹ để lại cho anh em và là lối đi duy nhất của gia đình ra lộ công cộng, đã có cách đây khoảng 40 năm. Năm 2013, gia đình 2 anh em xảy ra mâu thuẫn, M. không cho đi nữa.

“2 anh em cũng nhiều lần thỏa thuận chừa một lối đi nhưng nó (M.) cương quyết không đồng ý. Sau này, nó trồng trụ rào lối đi và trồng cây luôn. Dù biết rất đau lòng khi kiện đứa em ra tòa đòi mở lối đi cho gia đình nhưng đã hết cách rồi”- anh H. nói.

Phần người em ruột là anh M., cũng phản ứng quyết liệt với lực lượng chức năng cưỡng chế. Theo anh M., lối đi tranh chấp nằm trong 2 thửa đất anh đang sử dụng.

Nguồn gốc phần đất này được anh chuyển nhượng từ mẹ và đứa em ruột vào năm 2002 nhưng chưa làm thủ tục chuyển nhượng như luật định.

Trước đây, anh H. có đi theo đường mòn vào nhà và vào vườn canh tác. Sau này, anh M. kiện ra UBND xã Hòa Ninh đòi mở lối đi lớn hơn.

“Tôi chấp nhận cho anh H. đi lối mòn, cạnh con rạch và phải làm hàng rào lưới B40 cao khỏi đầu để không gây thiệt hại cây trồng. Anh H. muốn mở lối đi rộng hơn thì kè ra con rạch, không được đi trên đất liền”- anh M. dứt tình anh em.

Anh H. cho rằng gia đình chỉ có duy nhất lối đi ngang qua phần đất của M. để ra đường.

“Việc kè ra mương và con rạch để tạo lối đi là không thể được, vì rạch và mương sâu không có đất bồi đắp và dễ sạt lở. Về việc yêu cầu đứa em mở lối đi, tôi chấp nhận bồi hoàn thiệt hại cây trồng”- anh H. cho biết.

Tại bản án sơ thẩm 58/2016/DS-ST của TAND huyện Long Hồ, chấp nhận đơn khởi kiện của anh H. Theo đó, anh M. mở lối đi trong phần đất tranh chấp và anh H. phải có trách nhiệm bồi hoàn giá trị cây trồng trên lối đi.

Sau phiên tòa, anh M. không đồng ý bản án sơ thẩm nên kháng cáo lên tòa phúc thẩm. Lần kháng cáo này, anh M. chấp nhận cho người anh lối đi ngang… chỉ 0,5m.

Tòa phúc thẩm nhận định “Đương sự M. chấp nhận cho anh H. lối đi ngang 0,5m ven mương là quá nhỏ, rất khó đi lại và vận chuyển hàng hóa trái cây ra đường để bán.

Xét hiện trạng đất sử dụng của anh H. bị bao vây đất liền kề không có đường đi, để đảm bảo cho việc canh tác đất, bản án sơ thẩm chấp nhận khởi kiện của anh H. là có cơ sở, đúng quy định của pháp luật. Tòa án phúc thẩm không chấp nhận đơn kháng cáo của anh M.”

Tưởng chừng sau 2 phiên tòa chuyện tranh chấp lối đi giữa 2 anh em ruột H.-M. đã được giải quyết trên tình và lý.

Điều đáng nói, anh M. tìm mọi cách kéo dài thời gian, không chấp hành bản án, gây khó khăn trong việc đi lại cho gia đình người anh.

Không những thế, anh M. viết đơn “kêu cứu” gửi lên nhiều ban ngành có liên quan trong tỉnh. Tuy nhiên, qua xem xét hồ sơ, các cơ quan đều bác đơn của anh M. và yêu cầu anh M. phải chấp hành theo bản án.

Do anh M. không thi hành án, cơ quan chức năng phải dùng biện pháp cưỡng chế mở lối đi cho phía anh H. Vụ việc đã được giải quyết bằng pháp luật nhưng không biết tình nghĩa giữa 2 anh em ruột này liệu có thể hàn gắn được không.

Bài, ảnh: HOÀI NAM- TẤN PHONG