Rao bán bằng giả trên mạng

Cập nhật, 08:08, Thứ Tư, 16/08/2017 (GMT+7)

“Nhận làm bằng giá rẻ, làm bằng phôi thật, mộc nổi giáp lai, đảm bảo chất lượng 100%” hay “chỉ cần 4 triệu đồng là có ngay tấm bằng ĐH”... là những lời chào mời xuất hiện ngày càng nhiều trên mạng hiện nay. Hoạt động này đang có xu hướng rầm rộ, công khai.

Một tài khoản mạng xã hội công khai rao bán bằng giả, có cả “hình ảnh minh họa”.
Một tài khoản mạng xã hội công khai rao bán bằng giả, có cả “hình ảnh minh họa”.

Bằng giả- alô là có!

Chỉ cần gõ từ khóa “làm bằng giả” trên công cụ tìm kiếm Google, là có thể dễ dàng tìm thấy hàng chục, hàng trăm địa chỉ nhận làm bằng giả “uy tín, chất lượng”. Để tăng lượt truy cập, các đối tượng nhận làm bằng giả còn công khai chia sẻ thông tin quảng cáo này trên các nhóm Facebook.

Chỉ cần một cuộc điện thoại, một click chuột và bỏ ra vài triệu đồng là có thể có ngay một tấm bằng từ THPT đến CĐ, ĐH.

Điển hình như địa chỉ Facebook “làm bằng giá rẻ” nhận làm bằng: ĐH, CĐ, trung cấp, THPT, chứng chỉ (tin học, tiếng Anh)...

Trang này có nhiều thông tin quảng cáo “có cánh” như: “nhận bằng thanh toán- không cọc, đảm bảo uy tín- chất lượng, bảo mật thông tin”. Song, nếu làm bằng lái xe, chứng minh nhân dân hoặc sổ đỏ thì phải đặt tiền cọc.

Trang Facebook này còn công khai số điện thoại liên lạc, Zalo, đồng thời còn cam kết “bằng phôi thật, tem thật của Bộ GD- ĐT, có bảng điểm và photo công chứng”, đặc biệt là “có nhanh trong ngày, giao tận nơi, nhận bằng thanh toán”.

Hay một trang Facebook khách cũng giới thiệu: “Làm bằng ĐH 4 triệu, uy tín, giá rẻ không cần đặt cọc: bằng được làm bằng phôi thật, mộc nổi giáp lai, tem 7 màu 6 cánh đảm bảo chất lượng 100%”.

Trang này còn dẫn dụ với thông tin: “Để có được một công việc với mức lương ổn định, các bạn cần phải có bằng cấp và trình độ. Nhưng các bạn lại không có bằng vì một số lý do nào đó mà các bạn đang đi học phải nghỉ giữa chừng hoặc không có thời gian để học, hãy liên hệ với chúng tôi. Bằng tất cả sự nhiệt tình và uy tín, chúng tôi hứa sẽ giúp bạn thăng tiến trong công việc”.

Trong vai người cần làm bằng tấm bằng ĐH, nhắn tin qua số điện thoại trên mạng xã hội Zalo, chúng tôi nhận được câu trả lời: “muốn làm bằng thì gặp mặt trực tiếp, trao đổi lấy thông tin, sau khi trao đổi, tư vấn lấy thông tin sẽ tiến hành làm. Chỉ sau 2 ngày là có thể sở hữu trong tay tấm bằng ĐH như thật của các trường ĐH”.

Trang này cũng không quên quảng cáo: “Bằng ĐH, chứng chỉ và các loại bằng cấp được làm ở chỗ chúng tôi đảm bảo về chất lượng, giá cả cạnh tranh, đặc biệt là rất uy tín”. Trang này còn giới thiệu đã cung cấp bằng cho nhiều “khách hàng” ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bình Dương, Nha Trang,...

Khi chúng tôi đề cập đến các “thủ tục”, thì nhận được “hướng dẫn” nhiệt tình cách kê khai thông tin để có bằng giả “nhanh, gọn, lẹ” như: họ tên người làm bằng, năm sinh, nơi sinh, tên trường cần làm bằng, tên ngành, khóa học từ năm nào đến năm nào, năm tốt nghiệp, xếp loại (khá hay giỏi), hệ đào tạo (ĐH hay CĐ),...

Bên cạnh, trên Facebook cũng còn rất nhiều địa chỉ cá nhân nhận làm bằng giả như: Nguyễn Thùy Linh, Linh Nguyen, Thanh Nguyễn,... với nhiều lời quảng cáo đến với “dịch vụ bằng giả”.

Cần xử lý nghiêm

Có thể thấy, việc mua bán và sử dụng bằng cấp giả đang tràn lan công khai hiện nay một phần nguyên nhân là tâm lý chuộng bằng cấp, lấy bằng cấp làm thước đo trình độ nhân lực, đồng thời do tâm lý hám bằng của một bộ phận không có năng lực thật sự.

Ngoài ra, một phần còn do sự quản lý lỏng lẻo của cơ quan quản lý nhà nước trong đào tạo, từ khâu tuyển sinh, đào tạo, cấp văn bằng, chứng chỉ. Đồng thời, còn do mức xử phạt hành vi này còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe, không tương xứng với tính chất, mức độ và hậu quả hành vi vi phạm.

Bởi, việc sử dụng bằng giả được xem là có hành vi sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả. Như vậy nếu trong trường hợp một người dùng bằng cấp giả để xin việc và khi bị phát hiện, nếu chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng thì cũng chỉ bị xử phạt hành chính.

Gần đây, lực lượng công an đã triệt phá thành công đường dây làm bằng giả có quy mô lớn. Tang vật thu giữ là gần 100 con dấu các loại của các trường ĐH trên địa bàn TP Hà Nội, cùng hơn 1.000 văn bằng, phôi và các phương tiện máy móc. Những tấm bằng được làm giả tinh vi từ dấu giáp lai, dấu nổi cho đến dấu chìm trên giấy.

Các đối tượng cầm đầu đường dây này đều ở Hà Nội, mỗi tháng “cung cấp” hơn 30 văn bằng giả, giá từ 5- 7 triệu đồng. Tinh vi hơn, các đối tượng này làm giả toàn bộ hồ sơ từ bảng điểm, học bạ... của sinh viên từ khi nhập học đến khi ra trường. Chúng còn chia ra nhiều mắt xích, từ nhóm chuyên tìm kiếm khách hàng, đến các nhóm chuyên in ấn, làm giả con dấu, chữ ký...

 

Theo Nghị định 138/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, thì: “Phạt tiền từ 10- 20 triệu đồng đối với hành vi mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả. Còn Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009, thì quy định: “Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ 5- 50 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: có tổ chức, phạm tội nhiều lần, gây hậu quả nghiêm trọng, tái phạm nguy hiểm, thì bị phạt tù từ 2- 5 năm. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 4- 7 năm.

  • Bài, ảnh: NGUYÊN HƯNG