Cướp, cướp giật- nỗi ám ảnh của người dân

Kỳ cuối: Nâng cao kỹ năng phòng chống tội phạm

Cập nhật, 06:47, Thứ Sáu, 18/08/2017 (GMT+7)

Để phòng chống tội phạm cướp giật, mọi người cần tự trang bị những kỹ năng cơ bản để bảo vệ tài sản và bản thân, gia đình.

Băng cướp táo bạo ở cù lao Minh lãnh bản án nghiêm khắc.
Băng cướp táo bạo ở cù lao Minh lãnh bản án nghiêm khắc.

Thủ đoạn cướp manh động, tinh vi

Bị cướp mất chiếc xe Airblade mới mua gần 40 triệu đồng, anh Trần Văn Toàn (Tam Bình) vẫn còn ám ảnh.

Anh kể: “Hôm đó, khoảng 24 giờ, tôi chạy xe đi công chuyện về. Khi gần tới nhà thì nhìn kính chiếu hậu thấy phía sau có xe chạy tới, tôi nghĩ là người đi chung đường nên không để ý.

Bất ngờ chúng vượt xe lên ép tôi vào lề, tên ngồi sau cầm cây đánh tôi. Biết gặp phải bọn cướp, tôi cố chạy xe kêu cứu nhưng không ai hay. Cuối cùng đành chạy thoát thân để chúng cướp chiếc xe”.

Cùng tâm trạng hoảng sợ, anh Võ Đăng Khôi (Cần Thơ)- nạn nhân trong vụ cướp xe trên QL1- cho biết bọn cướp đánh anh bị thương rồi cướp chiếc xe hiệu SH.

“Lúc đó khoảng 23 giờ, mình chở bạn gái đi chơi trên QL1 đoạn qua xã Tân Phú (Tam Bình) thì gặp cướp. Chúng ép xe mình vào lề rồi dùng cây đánh, lấy dao khống chế để cướp chiếc SH. Bây giờ nhớ lại còn hoảng sợ và bị ám ảnh mỗi khi ra đường vắng vào ban đêm”- anh Khôi kể lại.

Bọn cướp, cướp giật thường cấu kết với nhau, hình thành các băng nhóm từ 2 tên trở lên, có phân công nhiệm vụ cụ thể như tên chuyên “bo xe” (cầm lái), tên ngồi sau giật đồ và tên làm nhiệm vụ cản đường khi bị truy đuổi.

Có trường hợp chúng chia nhau dàn cảnh, tạo ra sự cố va chạm xe để người đi đường bộc lộ sơ hở hoặc phân tán sự chú ý bảo vệ tài sản, tạo điều kiện cho đồng bọn ra tay.

Nhiều băng cướp lớn, chuyên nghiệp thì có phân công người “canh me” ở các địa điểm như ngân hàng, tiệm vàng, cây ATM nên khi người dân đến rút tiền trở thành “con mồi” của chúng mà không hay biết.

Phương thức gây án phổ biến của chúng là sử dụng xe máy “đi dạo” trên các tuyến đường để quan sát. Khi thấy hay nghi ngờ có người mang theo tài sản gọn nhẹ, có giá trị cao và dễ tiêu thụ (điện thoại di động, máy ảnh, nữ trang, túi xách, vàng, tiền mặt…) hoặc những người vừa giao dịch tiền bạc đi ra, chúng liền tổ chức đeo bám.

Đến địa điểm thuận lợi đường thoáng rộng hay có nhiều ngả rẽ, chúng áp sát cướp tài sản rồi tẩu thoát.

Trang bị kỹ năng phòng chống cướp bảo vệ tài sản

Trước tội phạm cướp, cướp giật ngày càng manh động, táo bạo, bên cạnh công tác đấu tranh trấn áp xử lý nghiêm của lực lượng công an, thì mọi người cần nêu cao cảnh giác và trang bị cho mình những kỹ năng cơ bản phòng chống cướp, bảo vệ tài sản của mình.

TS. tâm lý học Đoàn Văn Báu- ĐH An ninh nhân dân- khuyến cáo: Cách tốt nhất khi ra đường là hạn chế phô trương tài sản quý, đeo đồ trang sức.

Nếu không thì nên quàng khăn, mặc áo dài tay kín cổ, áo chống nắng che khuất tài sản. Nếu túi to, cốp xe nhỏ không để vừa tài sản thì đeo túi, ba lô, cặp laptop… về phía trước bụng, hoặc buộc túi ở ba-ga xe máy (giữa hai đùi) để tránh bị rạch túi.

Nhận biết tội phạm cướp giật trên đường là rất quan trọng để phòng ngừa. Tuy nhiên, chúng ngụy trang rất kỹ nên khó phát hiện. TS. Đoàn Văn Báu cho biết, những đối tượng cướp giật thường đi xe thay đổi kết cấu, mặc áo dài tay và bịt kín mặt, khi di chuyển hay ngó ngang dọc.

 Ở đoạn đường vắng, học sinh không nên sử dụng điện thoại cầm tay, vì có thể trở thành mục tiêu của tội phạm cướp giật.
Ở đoạn đường vắng, học sinh không nên sử dụng điện thoại cầm tay, vì có thể trở thành mục tiêu của tội phạm cướp giật.

Đối tượng thường nhìn vào phụ nữ để quan sát có đeo nữ trang hay điện thoại, giỏ xách trên người hay không. Khi “con mồi” lọt vào tầm ngắm, chúng quan sát xung quanh thấy vắng, có cơ hội là ra tay chớp nhoáng. Hiện, có thêm một dạng cướp mới là đi xe SH để ngụy trang người sang trọng, giàu có để tránh sự đề phòng của người dân cũng như công an.

Người dân cần tập thói quen thường nhìn gương chiếu hậu để xem phía sau có ai theo dõi mình trên tuyến đường; khi dừng đèn đỏ chú ý xem có ai hay nhìn về phía mình; khi vừa ra khỏi trụ ATM hay vừa rút điện thoại ra mà có người bên cạnh đứng dậy hoặc có hành động khả nghi thì phải đề phòng ngay.

Khi bị cướp giật, hầu như ai cũng mất bình tĩnh, thậm chí hoảng loạn, mất kiểm soát hành vi. Khi đó, hãy cố gắng trấn tĩnh lại bằng cách hít thở sâu vài lần.

Nhiều người vì tiếc tài sản bị cướp, đã tăng ga đuổi theo đối tượng một cách vô thức. Việc làm này rất nguy hiểm, vì khi mải đuổi theo bọn cướp mà không để ý đến xe lưu thông trên đường, rất dễ gây ra tai nạn cho mình và người khác.

Mọi người nên nhớ tên cướp giật nào cũng có hung khí giấu trong người, chúng sẵn sàng ra tay chống trả quyết liệt nếu bị truy đuổi gắt gao hết đường thoát thân.

Trong trường hợp bị cướp, nên hô hoán thật to để nhờ người đi đường giúp đỡ, truy đuổi và cố gắng bình tĩnh nhận dạng, nhớ phương tiện, biển số xe, hướng tẩu thoát của chúng, đồng thời nhanh chóng báo cho công an nơi gần nhất.

 

  • Đối tượng cướp giật thuộc thành phần nghiện ngập “khát tiền” nên rất manh động, quyết liệt cướp tài sản, bất chấp mọi nguy hiểm đến tính mạng và sức khỏe của người khác. Khi bị truy đuổi, chúng sẵn sàng sử dụng hung khí chống trả quyết liệt. Phương tiện gây án chủ yếu là các loại xe máy có tốc độ cao, phân khối lớn đeo biển số giả, xe không chính chủ nên khi bị bắt thì “bỏ của chạy lấy người” gây khó khăn trong công tác truy tìm ra chúng.

 

 

Bài, ảnh: HOÀI NAM