Cần tỉnh táo trước "vòng xoáy ma túy"

Kỳ cuối: Giới trẻ- hãy nói không với ma túy

Cập nhật, 08:30, Thứ Ba, 15/08/2017 (GMT+7)

 

Ra quân phòng chống ma túy.
Ra quân phòng chống ma túy.

Đối tượng nghiện ma túy bị lực lượng công an phát hiện trong thời gian qua phần lớn trong độ tuổi thanh thiếu niên.

Tệ nạn ma túy không còn là câu chuyện ở các thành phố lớn mà còn tấn công vào các vùng nông thôn, với nhiều dạng ma túy khác nhau và đang dần bào mòn kinh tế, sức khỏe người nghiện.

Giới trẻ đang là đối tượng dễ sa vào con đường nghiện ngập nên cần cảnh giác trước những lời rủ rê, lôi kéo.

Trẻ hóa người nghiện

Theo số liệu của BCĐ Phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh ghi nhận có 1.577 người nghiện có hồ sơ quản lý, tăng 105 trường hợp so năm rồi, trong đó có 96 người nghiện mới.

Nếu như độ tuổi nghiện trên 30 tuổi chỉ chiếm 34,75%, thì có đến 63,79% nằm trong độ tuổi 16- 30 và có 1,46% dưới tuổi 16.

Người nghiện chủ yếu sử dụng ma túy tổng hợp (chiếm trên 45%), còn lại là heroin, cần sa.

Thống kê của ngành công an cũng cho thấy, hầu hết người nghiện đang ở ngoài cộng đồng (chiếm trên 91%), số ít còn lại đang được quản lý trong trại tạm giam, nhà tạm giữ và điều trị nghiện bắt buộc tại Trung tâm Điều trị nghiện ma túy (Sở Lao động- Thương binh và Xã hội).

Thượng tá Phan Vĩnh Mặn- Phó Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy- cho biết, ngành công an đã phát hiện nhiều trường hợp còn trong độ tuổi cắp sách đến trường nhưng đã sa chân vào con đường nghiện ngập, chủ yếu là ma túy tổng hợp.

Hầu hết những người nghiện sau thời gian “đốt tiền” vào ma túy sẽ cạn kiệt tài sản nên dễ dẫn đến trở thành tội phạm buôn bán ma túy để thỏa mãn cơn nghiện. Nguồn ma túy chủ yếu được mua từ các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ.

Phối hợp đẩy lùi tệ nạn ma túy

Thời gian qua, Sở GD-ĐT chỉ đạo các trường thực hiện nghiêm túc chỉ thị của Bộ GD-ĐT về tăng cường và nâng cao hiệu quả một số hoạt động giáo dục cho học sinh, sinh viên, cũng như thông tư liên tịch giữa ngành giáo dục và công an về phối hợp thực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong trường học.

Trong đó, trọng tâm có việc phòng chống ma túy trong môi trường học đường. Theo thầy Lâm Đặng Hồng Sơn- Trưởng Phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD-ĐT), đây được xem như một mảng quan trọng trong nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự trường học.

Đến nay, tất cả các đơn vị trường đã thành lập BCĐ phòng chống ma túy. Do đó, ngay từ đầu năm, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các trường cho phụ huynh ký cam kết giáo dục học sinh không mắc tệ nạn ma túy. Học sinh cũng phải cam kết không thử, không sử dụng, không tàng trữ và mua bán trái phép chất ma túy.

Bên cạnh, thông qua các hình thức tuyên truyền như: phát thanh, nói chuyện chuyên đề, hội thi phòng chống ma túy, văn nghệ, thể thao,… ngành giáo dục đã tổ chức cho các em học sinh, sinh viên nắm rõ tác hại và các thủ đoạn của tội phạm ma túy để phòng tránh.

Đối với những trường có học sinh nội trú và ngoại trú, nhà trường còn lập danh sách theo dõi, nắm rõ số điện thoại, địa chỉ cụ thể của từng em để tiện quản lý.

Nhà trường cũng cung cấp cho cơ quan chức năng danh sách học sinh thường xuyên vi phạm nội quy, kỷ luật để có thể phối hợp giải quyết, đấu tranh, làm trong sạch môi trường trong và ngoài trường học, không để tội phạm ma túy có điều kiện lôi kéo các em vào con đường nghiện ngập và phạm tội.

Là trường thu hút khá đông sinh viên các tỉnh ĐBSCL, những năm qua, bên cạnh việc nâng cao chất lượng đào tạo thì ĐH Cửu Long đã thực hiện hiệu quả việc phòng chống tệ nạn ma túy.

Nhà trường đã chủ động phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an tỉnh) thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giáo dục sinh viên nâng cao ý thức cảnh giác với tệ nạn này.

Nếu phát hiện những sinh viên có dấu hiệu sử dụng ma túy thì sẽ chủ động phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành test nhanh để có biện pháp xử lý kịp thời.

ThS. Lê Thanh Vũ- Phó Trưởng Phòng Quản lý công tác sinh viên- cho biết: Sau 6 năm thực hiện quy chế phối hợp với Công an tỉnh về xây dựng trường học không ma túy, nhà trường chưa phát hiện trường hợp nào dương tính.

Tuy nhiên, thực tế địa bàn xung quanh nhà trường khá phức tạp, tập trung nhiều thành phần xã hội như công nhân, học sinh, sinh viên,… và nhiều loại hình dịch vụ nên nếu không được quản lý thì nguy cơ các em sa chân vào tệ nạn ma túy là có thể xảy ra.

“Trước mắt, nhà trường sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả các mô hình phòng chống ma túy, bằng cách phát triển thêm các tổ sinh viên tự quản và đội ngũ cộng tác viên nắm bắt dư luận tại các nhà trọ, lớp học để sinh viên tự quản lý nhau, cũng như kịp thời phát hiện, tố giác các vụ việc có liên quan đến ma túy.

Ngoài ra, nhà trường sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, công an đấu tranh triệt để với tội phạm này”- ThS. Lê Thanh Vũ cho hay.

  • Bài, ảnh: HOÀI NAM- TRUNG HƯNG