"Báo động đỏ": Tội phạm vùng quê

Kỳ cuối: Đi tìm nguyên nhân, giải pháp kéo giảm tội phạm

Cập nhật, 05:32, Thứ Năm, 06/07/2017 (GMT+7)

Tình hình an ninh trật tự (ANTT) ở làng quê chưa bao giờ “nóng” như hiện nay, khiến người dân bất an. Thử đi tìm nguyên nhân và giải pháp đảm bảo ANTT bền vững, để người dân làng quê sống cảnh thanh bình, yên tâm phát triển kinh tế gia đình.

Nhiều địa phương xây dựng mô hình an ninh trật tự.
Nhiều địa phương xây dựng mô hình an ninh trật tự.

Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật

Hội thảo về phòng chống tội phạm giết người và giết người do mâu thuẫn trong nội bộ gia đình đã đưa ra những con số khiến nhiều người không khỏi giật mình. Trung bình mỗi năm cả nước xảy ra 1.400 vụ án giết người.

Trong đó, nguyên nhân do mâu thuẫn cá nhân trong sinh hoạt cộng đồng chiếm 83% và mâu thuẫn trong nội bộ gia đình chiếm 17%.

Thủ phạm ngày càng trẻ hóa mà nguyên nhân là do ảnh hưởng phim ảnh, bạo lực gia đình, chuẩn mực đạo đức lệch lạc.

Nếu trước đây giết người thường do ẩu đả, thanh toán giang hồ, hận thù cao độ thì nay nhiều vụ lại do những mâu thuẫn vụn vặt mà hậu quả của nó lại đặc biệt nghiêm trọng.

Đại tá, TS. Vũ Văn Sỹ- Trưởng khoa Cảnh sát hình sự- Trường ĐH Cảnh sát nhân dân- chỉ ra rằng, nguyên nhân những vụ án giết người xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó giáo dục hình thành nhân cách đạo đức bị lệch chuẩn và ý thức chấp hành pháp luật kém.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội- bà Lê Thị Nga cho rằng xã hội có những thay đổi chóng vánh về giá trị sống mà công tác quản lý không theo kịp.

Sự xuống cấp về đạo đức, lối sống thực dụng, hưởng thụ, đã hối thúc nhiều người bất chấp pháp luật, đạo lý, thủ đoạn để đạt được mục đích.

Song song đó, lối sống thiếu gương mẫu của một bộ phận người trưởng thành tác động tiêu cực đến việc hình thành nhân cách lớp trẻ.

Trước thực trạng tội phạm gia tăng và để kéo giảm, trước hết phải nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong dân để điều chỉnh mọi hành vi của con người trong xã hội.

Bởi thế trách nhiệm không phải chỉ cơ quan tư pháp bắt xử lý, mà có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, nhà trường và gia đình.

Bên cạnh giết người, cướp giật, trộm cắp thì tội phạm xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em đang là vấn đề báo động.

Mới đây, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức họp với các cơ quan, tổ chức hữu quan về “Việc chấp hành các quy định của pháp luật về đấu tranh phòng, chống tội phạm XHTD trẻ em”.

Bình quân mỗi năm xảy ra hơn 1.200 vụ XHTD dục trẻ em. Tuy nhiên, con số này chỉ là những vụ việc được báo cáo, còn rất nhiều vụ nạn nhân bị chính kẻ xâm hại đe dọa hoặc vì lý do nào đó đã không được thống kê.

Biện pháp phòng tránh tội phạm XHTD trẻ em rất khó, bởi kẻ vi phạm thường thân quen hoặc ngay trong gia đình các em. Để kéo giảm tội nguy hiểm này, cần rà soát, bổ sung hệ thống pháp luật hình sự, tố tụng hình sự và xử lý vi phạm hành chính liên quan đến hành vi XHTD trẻ em để thuận lợi trong quá trình thực thi pháp luật.

Bên cạnh đó tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, đặc biệt về phòng ngừa XHTD và bạo lực đối với trẻ em cho cha mẹ, các thành viên gia đình, giáo viên. Công tác xử lý ở nhiều nơi pháp luật chưa nghiêm nên tính răn đe, giáo dục còn thấp.

Xây dựng thế trận an ninh nhân dân

Xác định giữ vững an ninh trật tự là tiền đề, điều kiện quan trọng để ổn định phát triển kinh tế- xã hội và để có sự bền vững, cần chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị cùng nhân dân địa phương.

Đặc biệt, phải phát huy tốt phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tạo một thế trận an ninh nhân dân rộng khắp, đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Theo Thiếu tướng Lê Văn Út- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh- để tăng cường nhiệm vụ giữ gìn ANTT nói chung và cũng như giữ vững tiêu chí 19 về ANTT xã nông thôn mới, lực lượng công an các cấp sẽ triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và của ngành công an trên địa bàn tỉnh.

Tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm; hưởng ứng tốt các đợt cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm như: “Tháng hành động phòng, chống ma túy”, “Ngày toàn dân phòng, chống ma túy”, tham gia vận động đối tượng bị truy nã ra đầu thú; cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng; thu hồi, giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Hiện ở vùng nông thôn đều có xây được nhiều mô hình giữ gìn ANTT. Qua thời gian thực hiện cho thấy những địa phương xây dựng mô hình phù hợp sẽ phát huy hiệu quả tích cực.

Để mô hình sát với thực tế thì không thể thiếu sự “hiến kế” của người dân thông qua các cuộc họp “Công an lắng nghe ý kiến của nhân dân”.

Công tác vận động toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc để nhân dân thực hiện quyền làm chủ trên lĩnh vực bảo vệ ANTT tại địa phương mình.

Địa phương không nên áp dụng “rập khuôn” từ mô hình nơi khác mà cần có sự sáng tạo, phối hợp, bởi mỗi địa bàn đều có tình hình ANTT, địa lý khác nhau và mô hình phát huy được hiệu quả trở thành “khắc tinh” của tội phạm.

Tại xã Tân Hạnh có mô hình ANTT “3 trong 1” cổng rào an ninh, đèn treo trước ngõ và xây dựng tổ dân phòng trong tổ nhân dân tự quản.

Mô hình “liên hoàn” này tạo thành một thế trận an ninh nhân dân khép kín mà lực lượng quần chúng tại chỗ làm nòng cốt với sự hỗ trợ của công an.

Ở các địa phương có quốc lộ đi qua người dân đóng góp tiền để treo đèn và dọc các tuyến đường có bảng “đường dây nóng” có số điện thoại trực 24/24, số điện thoại lãnh đạo công an địa phương.

Qua thời gian thực hiện cho thấy, ở những địa phương làm tốt công tác xây dựng thế trận an ninh nhân dân, mô hình ANTT phù hợp địa bàn và người dân đồng thuận thì tội phạm giảm rõ rệt.

Tại hội nghị tổng kết phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2016 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2017, ông Lữ Quang Ngời- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ- yêu cầu các cấp, ngành, địa phương, tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và thực hiện xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Đến nay, toàn tỉnh duy trì 104 mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Quần chúng cung cấp cho công an 608 tin báo, tố giác tội phạm. Qua đó, công an bắt giữ, khởi tố 367 vụ, 236 bị can; có 6/23 xã đủ điều kiện để đưa ra khỏi diện xã trọng điểm, phức tạp về ANTT.

Bài, ảnh: HOÀI NAM