Mượn danh cán bộ cấp cao giở trò lừa đảo

Cập nhật, 08:23, Thứ Tư, 19/04/2017 (GMT+7)

Mới học đến lớp 3 nhưng Trương Văn Đấu (SN 1958, hộ khẩu thường trú khóm Cái Nai, thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn- Cà Mau) tự xưng là bác sĩ và có mối quan hệ thân thiết với một cán bộ cấp cao, nhằm mục đích lừa đảo.

Mới học lớp 3- tự xưng bác sĩ

Không nghề nghiệp, không trình độ nhưng nhờ vẻ ngoài chân chất nên Trương Văn Đấu tạo được lòng tin với nhiều người.

Năm 2008, Đấu dùng vẻ thật thà lừa “con mồi” vào bẫy và bị TAND huyện Đông Hải (Bạc Liêu) kết án 1 năm tù giam tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Sau khi chấp hành xong hình phạt ở Trại giam Cái Tàu thuộc Tổng cục III (Bộ Công an), Đấu về Cà Mau phụ gia đình nuôi tôm và thêm nghề mua bán đồ cổ.

Tháng 6/2016, Đấu đến TP Vĩnh Long tìm mua đồ cổ và thông qua một người quen, Đấu biết ông Lê Minh Hùng (SN 1955, ở Khóm 1, thị trấn Lai Vung, huyện Lai Vung- Đồng Tháp) đang có nhu cầu chuyển nhượng diện tích đất khá lớn ở Phú Quốc (Kiên Giang) nên không nói đúng lai lịch, nghề nghiệp của mình, mà xưng tên Nhân- là bác sĩ Khoa Lồng ngực- Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) đã nghỉ hưu.

Đấu còn giả vờ cho ông Hùng biết là có mối quan hệ thân thiết với vợ của một cán bộ cấp cao ở Hà Nội. Hiện bà này đang làm ăn chung với Đấu và có nhờ Đấu tìm mua đất ở Phú Quốc để xây khu nghỉ dưỡng cho Hội Chất độc da cam.

Nghe vậy, ông Hùng đã kết thân và nhờ Đấu ra Phú Quốc xem khu đất cần chuyển nhượng. Đấu nhận lời và còn khoe ai có nhu cầu gửi con, cháu đi học hay xin việc làm sẽ nhờ vị cán bộ ở Hà Nội “gọi một cú điện thoại gửi là xong”.

Mượn danh cán bộ cấp cao “chạy việc”

Tin Đấu là bác sĩ và có mối quan hệ rộng với những người có quyền có chức, ông Hùng về gặp cậu là Nguyễn Văn Út (ở ấp Tân Lộc B, xã Tân Dương, huyện Lai Vung- Đồng Tháp) nói muốn gửi con vào học ở Trường ĐH Cảnh sát nhân dân II (TP Hồ Chí Minh) thì làm hồ sơ nhờ Đấu giúp.

Năm 2014, con trai ông Út từng thi vào trường này nhưng bị trượt nên nay khi nghe ông Hùng nói, ông Út đồng ý ngay và nhờ ông Hùng hỏi “giá bao nhiêu”? Qua trao đổi, Đấu đưa ra giá 150 triệu đồng và yêu cầu ông Út chuẩn bị hồ sơ gồm lý lịch cá nhân, bằng tốt nghiệp phổ thông, bảng điểm,…

Ngày 5/8/2016, sau khi ra Phú Quốc xem đất, ông Hùng và Đấu quay về ghé nhà ông Út nhận trước 50 triệu đồng cùng bộ hồ sơ. Sau khi tiêu xài hết số tiền trên, Đấu lại yêu cầu ông Hùng “nói ông Út đưa thêm tiền để chạy việc”.

Tháng 8/2016, ông Hùng đưa tiếp cho Đấu 10 triệu đồng và một tháng sau đưa tiếp 40 triệu đồng nữa. Nhưng lần này, Đấu chỉ nhận 20 triệu đồng và đưa lại 20 triệu đồng cho ông Hùng giữ để “làm chi phí ra Đà Nẵng gặp chị T. bàn chuyện mua bán đất ở Phú Quốc”.

Để ông Hùng và ông Út tin tưởng, Đấu nhờ Trần Hoài Phúc (SN 1986, ở xã Xuân Thới, huyện Hóc Môn- TP Hồ Chí Minh) làm giấy báo nhập học giả nhưng lại ghi sai năm tốt nghiệp PTTH.

Khi ông Út tỏ vẻ nghi ngờ, Đấu liền dẫn ông Út và ông Hùng đến Trường ĐH Cảnh sát nhân dân II nhưng không vào trường mà ngồi chờ bên ngoài đến hết giờ hành chính thì có người đàn ông tới xưng là cán bộ của trường và cho biết sẽ làm lại giấy nhập học.

Sau đó 3 ngày, Đấu gọi điện thoại kêu ông Út đến trạm xe khách ở Nha Mân (huyện Châu Thành- Đồng Tháp) nhận giấy báo nhập học lần 2 nhưng không ghi ngày tập trung học.

Lật mặt kẻ lừa đảo

Ngày 16/9/2016, Đấu dẫn ông Hùng ra Đà Nẵng bằng đường hàng không và tại sân bay, ông Hùng mới phát hiện “người bạn bác sĩ” làm thủ tục với tên Trương Văn Đấu chứ không phải tên Nhân như giới thiệu.

Khi đến Đà Nẵng, ông Hùng gặp riêng người phụ nữ tên T. để hỏi, thì người này hoàn toàn không biết gì về việc mua bán đất ở Phú Quốc cũng như việc nhờ gửi con ông Út vào Trường ĐH Cảnh sát nhân dân II tại TP Hồ Chí Minh.

Từ đó, ông Hùng bắt đầu nghi ngờ Đấu đã lừa đảo. Có lẽ Đấu cũng đoán được điều này nên sau chuyến đi Đà Nẵng về đã “lặn mất tăm”.

Ông Út và ông Hùng điện thoại cho Đấu nhiều lần nhưng không liên lạc được nên đã đến cơ quan công an trình báo. Ngày 30/10/2016, tại một quán cà phê thuộc địa bàn xã Tân Ngãi (TP Vĩnh Long), Đấu nhận thêm 5 triệu đồng và bị bắt, sau đó bị khởi tố về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại khoản 2, Điều 139 Bộ luật Hình sự.

Quá trình điều tra, Đấu thừa nhận hành vi lừa đảo chiếm đoạt số tiền 85 triệu đồng của ông Út. Ngoài ra, ông Hùng còn tố cáo Đấu dùng thủ đoạn như trên lừa xin việc cho cháu của anh Lê Tấn Nhễn (SN 1975, ngụ ấp Hòa Thạnh, xã An Phú, huyện Châu Thành- Đồng Tháp) vào làm tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 ở TP Biên Hòa (Đồng Nai) giá 90 triệu đồng.

Tháng 8/2016, ông Hùng đã nhận tiền của anh Nhễn và đưa cho Đấu tại TP Biên Hòa. Nhưng qua làm việc, Đấu không thừa nhận số tiền này nên cơ quan điều tra Công an TP Vĩnh Long tách ra để thông báo cho Công an TP Biên Hòa tiếp tục điều tra, xử lý.

Đối với Trần Hoài Phúc, hiện đã bỏ địa phương đi, cơ quan điều tra không làm việc được nên chưa đủ cơ sở xử lý về hành vi làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan, tổ chức. Cơ quan điều tra tiếp tục xác minh truy tìm Trần Hoài Phúc, khi nào làm việc được sẽ xử lý sau.

Sáng 12/4/2017, TAND TP Vĩnh Long đã mở phiên tòa lưu động tại UBND xã Tân Ngãi xét xử hành vi phạm tội của Trương Văn Đấu và HĐXX đã tuyên án sơ thẩm phạt Trương Văn Đấu 2 năm 6 tháng tù giam tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (ảnh).

 

Tại khoản 2, Điều 139 Bộ luật Hình sự quy định tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” như sau: Phạm tội thuộc trường hợp “chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng thì bị phạt tù từ 2- 7 năm.

 

Bài, ảnh: DIỄM PHƯỢNG