Nguy hiểm nạn xiệc cá bằng xung điện

Cập nhật, 06:08, Thứ Ba, 21/03/2017 (GMT+7)

Với chừng 1 triệu đồng, sẽ mua được một bộ xung điện (bình ắc quy, cục biến thế, dây diện) dùng để xiệc cá. Do đó, loại “ngư cụ” này đang được sử dụng tràn lan ở nông thôn, làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản và đặc biệt là gây nguy hiểm cho tính mạng người sử dụng.

Người dân dùng xiệc điện đánh bắt cá làm cạn kiệt nguồn thủy sản.
Người dân dùng xiệc điện đánh bắt cá làm cạn kiệt nguồn thủy sản.

Vào mùa khô, nước trên sông rạch, mương vườn xuống thấp nên nhiều người dùng dụng cụ xiệc điện đánh bắt thủy sản. Khi họ đi qua, phía sau những con cá nhỏ chết nổi lềnh bềnh trên mặt nước.

Dọc theo các tuyến sông thuộc địa bàn các xã Lộc Hòa, Hòa Phú, Thạnh Quới và các xã cù lao của huyện Long Hồ, có nhiều người dùng dụng cụ xiệc gắn trên ghe, xuồng để đánh bắt thủy sản giữa ban ngày, mặc dù họ biết hành vi này bị nghiêm cấm.

Họ cho rằng đánh bắt theo kiểu truyền thống biết bao giờ đủ ăn, xiệc cá để cải thiện bữa ăn, bớt chi tiêu cho gia đình cũng không phải quá nghiêm trọng. Nhưng, chính họ đã tham gia hủy diệt nguồn thủy sản tự nhiên.

Mới đây, Đội Cảnh sát hình sự- Công an huyện Long Hồ bắt quả tang Lê Văn Minh (ấp An Thành, xã Phú Đức) dùng ghe máy đang xiệc cá trên tuyến sông thuộc ấp An Thành. Công an huyện Long Hồ cũng vừa bắt giữ Huỳnh Văn Thanh (xã Bình Hòa Phước) đang đánh bắt thủy sản bằng xung điện.

Thanh cho biết, đánh cá bằng xung điện cũng đã khá lâu để nuôi gia đình. Bởi cá tôm trên sông đã cạn kiệt, nếu đánh bắt theo kiểu thông thường thì sẽ không được bao nhiêu.

Hàng năm, ngành nông nghiệp thả về sông hàng trăm ngàn con cá giống để kêu gọi mọi người bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái.

Song, thực trạng đáng buồn là dòng sông vẫn ngày càng cạn kiệt nguồn thủy sản mà nguyên nhân một phần là do người dân dùng xung điện đánh bắt theo kiểu hủy diệt. Những người dân sống dọc các tuyến sông, rạch không khỏi bức xúc về chuyện này.

Ông Trần Văn Sáu (xã Lộc Hòa) cho biết: “Nước cạn, họ xuống sông rạch xiệc và cá lớn cá bé đều chết như vậy thì làm sao không cạn kiệt nguồn thủy sản. Hồi trước, cá dưới sông nhiều là nguồn lợi thiên nhiên ban tặng cho người dân vùng quê nhưng vì nhiều người khai thác quá mức, gây ảnh hưởng môi trường sinh thái và cuộc sống người dân”.

Trưởng Công an xã Phú Đức Nguyễn Minh Nhựt cho biết: “Trong năm 2016, đã bắt trên 48 vụ dùng xiệc điện đánh bắt thủy sản. Công an xã đã ra quyết định xử phạt hành chính nhưng đa phần những người dùng xiệc điện hoàn cảnh gia đình khó khăn không có tiền đóng phạt”. Vì vậy, việc xử lý vi phạm rất khó khăn.

Bên cạnh việc hủy diệt nguồn lợi thủy sản, xiệc điện còn nguy hiểm đến tính mạng người sử dụng. Nhiều người vẫn còn nhớ vụ xiệc cá bằng xung điện dẫn đến cái chết thương tâm cho anh H. (Long Hồ). Hôm đó, anh H. ở nhà một mình lấy bình xiệc ra mương vườn xiệc cá. Do sợi dây điện lâu ngày bong tróc nhựa, anh H. bất cẩn chạm phải nên bị điện giật chết.

Xiệc cá là hành vi vi phạm pháp luật, hủy diệt nguồn thủy sản và đe dọa tính mạng con người. Do đó, bên cạnh việc ngành chức năng xử lý nghiêm, chính quyền địa phương cần tuyên truyền sâu rộng để mọi người dân ý thức bảo vệ nguồn thủy sản và bản thân mình.

 

Bộ xiệc điện nhỏ gọn nên người xiệc cá quảy trên lưng và di chuyển dễ dàng. Khi xiệc, nó phát ra dòng điện 120 vôn khiến nhiều loại thủy sản bị chết. Với nguồn điện này, nếu người sử dụng bất cẩn chạm vào thì cũng sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

 

Bài, ảnh: HOÀI NAM- HỒNG NAM