Giả danh lãnh đạo tỉnh, cán bộ công an lừa đảo hàng tỷ đồng

Cập nhật, 17:18, Thứ Sáu, 24/03/2017 (GMT+7)

Các đối tượng giả cán bộ công an gọi điện đe dọa rồi buộc nạn nhân phải chuyển tiền vào tài khoản nếu không muốn bị bắt.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong những ngày gần đây, tại địa bàn tỉnh Kiên Giang liên tục xảy ra các vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản người dân bằng cách giả danh cán bộ của Bộ Công an hay lãnh đạo địa phương điện thoại đến nhà người dân để hăm dọa, yêu cầu chuyển tiền. Đã có không ít người mắc bẫy của nhóm đối tượng này với số tiền bị lừa từ hàng chục đến cả tỷ đồng.

Sáng 24/3, Thiếu tá Lê Thanh Bình, Trưởng Công an thị trấn Kiên Lương, huyện Kiên Lương cho biết, trong 2 ngày 22-23/3, có 12 trường hợp người dân đến cơ quan công an thị trấn Kiên Lương, huyện Kiên Lương trình báo vụ việc có đối tượng gọi điện thoại giả danh cán bộ công an đe doạ người dân phải chuyển tiền vào tài khoản. Trong đó, ông Nguyễn Đình Phi đã chuyển 290 triệu đồng cho bọn tội phạm.

Ông Nguyễn Đình Phi (51 tuổi, ngụ tại Khu phố Cư Xá, thị trấn Kiên Lương) cho biết, khoảng 8h ngày 22/3, ông nhận điện thoại của một người đàn ông gọi vào số máy bàn của gia đình. Người này xưng danh là Trung tá, Đội trưởng Đội Phòng chống tội phạm về ma túy thuộc Bộ Công an. Người này cho biết cơ quan công an vừa bắt một đường dây mua bán trái phép chất ma túy, người bị bắt khai ông Phi có liên quan đến vụ án, và thông báo trong tài khoản của ông Phi có 160 tỷ đồng từ nước ngoài chuyển vào.

Sau đó, người này còn đọc đúng họ, tên, ngày, tháng, năm sinh và số giấy CMND của ông Phi và cho biết ông sẽ bị bắt tạm giam đề điều tra. Nếu không muốn bị bắt giam, ông Phi phải rút hết tiền trong tài khoản của ông gửi vào tài khoản của Bộ Công an do người này cung cấp để phục vụ điều tra. Trong quá trình điều tra, nếu cơ quan công an xác định ông Phi không liên quan thì sẽ trả lại tiền.

Bằng cách nói chuyện vòng vo, cộng với nhiều lời lẽ đe dọa, do quá sợ hãi, ông Phi đã tin lời của đối tượng này, rút hết số tiền trong tài khoảng của gia đình hơn 290 triệu đồng để chuyển vào tài khoản mang tên Nguyễn Thanh Tùng, tại Hà Nội.

Sau khi chuyển tiền xong, đến chiều cùng ngày, ông Phi điện thoại lại số điện thoại trên để hỏi thêm vụ việc thì không được, biết mình bị lừa nên ông Phi đến trình báo công an.

Ngoài ra còn có trường hợp của bà Phạm Thị Diệu và bà Phạm Thị Hoa cùng ngụ tại Khu phố cư xá thị trấn Kiên Lương, huyện Kiên Lương. Bà Diệu và bà Hoa cho biết, với lời lẽ vòng vo, cộng với hăm dọa, đối tượng này nhiều lần yêu cầu bà chuyển tiền vào tài khoản được cung cấp nếu không sẽ bị bắt tạm giam. Khi bà Diệu nói là không có tiền thì đối tượng này hăm dọa là sau vài tiếng nữa sẽ có Công an đến nhà để bắt giam bà. Khi bà Diệu nói là có ngưới thân làm Công an thì đối tượng này lập tức cúp máy, không liên lạc được. Tiếp sau đó, các đối tượng này vẫn tiếp tục điện thoại gần 30 cuộc nữa vào số điện thoại của bà Hoa.

Trước đó, ngày 3/3, cũng với thủ đoạn tương tự, bà T. T. H, ngụ phường Vĩnh Bảo, TP Rạch Giá đã bị các đối tượng lừa lấy 1 tỷ đồng. Ngày 6/3, chị G. M. T ở phường Vĩnh Bảo, thành phố Rạch Giá cũng bị lừa 500 triệu đồng.

Ngoài ra, các đối tượng còn gọi điện cho một số cán bộ ngân hàng xưng danh là một lãnh đạo UBND tỉnh, nhờ cho mượn 10 triệu chuyển vào tài khoản của đứa cháu ở Sài Gòn vì lý do bận họp ở huyện. Do cảnh giác cao nên chiêu lừa này không thành.

Theo Lam Hiếu – Hoàng Phúc/VOV-ĐBSCL