Đừng hám lời mà sụp bẫy!

Cập nhật, 05:38, Thứ Sáu, 21/10/2016 (GMT+7)

Những trang web huy động vốn với lời mời chào “có cánh” vô cùng hấp dẫn, “việc nhẹ lãi khủng” đang dụ dỗ nhiều người nhẹ dạ cả tin với hy vọng đổi đời mà chẳng cần “động móng tay”.

Một trang web huy động vốn hấp dẫn có nhiều người tham gia.
Một trang web huy động vốn hấp dẫn có nhiều người tham gia.

Làm giàu bằng… lòng tin

Không khó để tìm trên mạng những thông tin “bí quyết làm giàu” đại loại như: cộng đồng BitKingdom, cộng đồng bitcoin; hay những trang web như vphp, NewGold889,… với nhiều lời cam đoan, mời mọc người chơi sẽ làm giàu nhanh chóng từ số tiền đầu tư… nhỏ nhoi.

Trong đó “hệ thống luân chuyển sự giàu có” mang tên M5 tạo được khá nhiều “tiếng vang” khoảng một năm trở lại đây vì những lời quảng cáo sẽ mang lại lợi nhuận khủng chỉ sau vài tháng đầu tư.

Cách đây khoảng 5 tháng, chị N.T.K.P. (Châu Thành- Đồng Tháp) nghe bạn bè rỉ tai nhau về loại hình này.

Mặc dù còn phân vân vì nghe thông tin nhiều trường hợp trắng tay vì kinh doanh trên mạng, nhưng khi “chị bạn thân nói chỉ có mấy chục triệu đồng, nhờ đầu tư M5 mà giờ đã có trong tay bạc trăm triệu” nên chị P. quyết định liều một phen với hy vọng “làm giàu đổi đời”.

Theo chị P., để tham gia, trước hết, các người chơi cần có mua một tài khoản trên trang web www.vphp... Để thực hiện được việc cho đi và nhận tiền về, người chơi phải đặt mua tiếp mã pin giá 150.000 đ/mã, được xem như “phí” cho mỗi lượt chuyển đi.

Thực tế, theo chị P. thì trò chơi này cũng không phải dễ dàng vì khi đã có được mã pin, người chơi phải làm đủ thứ thao tác để có thể đến bước tiếp theo, nếu lỡ một thao tác hoặc sai thì khả năng mất tiền rất cao.

Sau khoảng một tháng đăng ký và đặt lệnh cho tiền đi, ID sẽ xuất hiện một loạt danh sách những người cần chuyển do hệ thống sắp đặt.

Trong vòng 72 giờ, người chơi phải chuyển tiền cho người nhận theo danh sách được cung cấp, thông qua giao dịch trực tuyến tại ngân hàng. Nếu trễ hạn so “quy định”, người chơi sẽ bị khóa tài khoản và mất toàn bộ số tiền trước đó đã chuyển.

Sau khi chuyển xong, người chơi phải chụp lại biên lai làm bằng chứng để “bên kia” xác minh thông tin đã nhận tiền.

Theo chị P., khi tài khoản được xác nhận đã chuyển tiền, giao dịch hoàn tất và sau khoảng một tuần, người cho đi sẽ được nhận về đầy đủ số tiền gốc và lãi suất tính trên số ngày chờ tiền về, tương đương 1%/ngày (365%/năm) (?!)

Đợt đầu, chỉ gần một tháng sau, chị P. nhận về 7,2 triệu đồng, như vậy đã “lời” 600.000đ so với 6,6 triệu đồng đã chuyển trước đó. Số tiền lời quá lớn so với gửi tiết kiệm ngân hàng.

Không cưỡng lại được, vậy là chị P. mạnh tay mua thêm 5 mã pin mới và nhận lệnh chuyển tiếp hơn 30 triệu đồng.

Nhưng lần này, chờ hoài không thấy hệ thống hồi âm, vào trang web thì tài khoản không truy cập được, cũng không nhận được phản hồi.

Lo lắng, bàng hoàng, chị P. cố gắng truy cập nhiều lần nhưng vẫn vô vọng. Khi đó, chị P. mới biết mình đã bị lừa. “Cũng biết mình có thể bị lừa nhưng đợt đầu thấy “ngon ăn” quá nên tôi thử tiếp. Ai ngờ đâu... Chỉ biết trách mình tham chứ biết trách ai, bởi muốn kiện cũng không biết kiện ai”- chị P. buồn rầu nói.

Đừng để dính bẫy vì lòng tham

Gần đây, công an một số tỉnh- thành cũng đã triệt phá kiểu huy động vốn đa cấp có hình thức lừa gạt tương tự như trên thông qua trang web Gold 889… Người chơi phải có tài khoản của ngân hàng và được “tuyến trên” giới thiệu, kích hoạt ID và cấp mã pin để đăng nhập.

Khi có ID, người chơi phải mua 2 pin của người trực tiếp giới thiệu với giá 150.000 đ/pin để kích hoạt việc cho và nhận tiền. Tuy nhiên, bản chất của hình thức cho, nhận tiền trên web này là lấy tiền của người chơi sau trả cho người chơi trước, cứ 2 người chơi thì mới đủ tiền để trả cho 1 người.

Khi số lượng người chơi quá đông thì các đối tượng sẽ chủ động “đánh sập” trang mạng để chiếm đoạt tiền của người chơi.

Tại Vĩnh Long, cũng có không ít người dân bàn về cách “đầu tư” huy động vốn này. Các đối tượng thường được nhắm đến người chưa tìm được việc làm, người lớn tuổi về hưu, ít hiểu biết, người có lòng tham không làm vẫn được hưởng lợi.

Anh Trịnh Phi Long (Phường 2- TP Vĩnh Long) cho biết: “Tôi cũng nghe mấy người bạn rủ rê “chơi” huy động vốn như vậy, có lời dữ lắm mà không cần làm, ngồi không mà ẵm lãi khủng.

Mà làm gì có chuyện dễ ăn như vậy. Tôi tìm hiểu thêm thì biết cũng có không ít người bị lừa gạt. Ở quê tôi cũng có nhiều người hỏi về cách “làm ăn” này nên tôi cũng thông tin cho người thân biết mà tránh”.

Ông Đỗ Hữu Quang- Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công thương) cho biết cũng đã có nghe thông tin phản ảnh nên thời gian tới sẽ tăng cường theo dõi để thông tin đến người dân.

Có thể thấy, gần đây ngày càng nhiều công ty dùng chiêu trò để lừa gạt người dân với cách thức cũ rích là đánh vào lòng tham “không làm mà có ăn, ăn nhiều, lãi khủng” và cách “xưa như diễm” này vẫn có nhiều người sập bẫy. Không ít những hệ lụy xảy ra, đó là người dân phải đi vay nợ, cầm cố tài sản...

Do đó, trước khi muốn đầu tư người dân cần hết sức thận trọng, tìm hiểu kỹ, tránh tình trạng “tiền mất tật mang”, bị gạt rồi không biết kêu ai.

Bài, ảnh: TRUNG NGUYÊN