Đắng lòng "thảm án" gia đình

Cập nhật, 12:41, Thứ Sáu, 17/06/2016 (GMT+7)

Kẻ thủ ác cuối cùng cũng bị pháp luật nghiêm trị, nhưng nỗi đau thương mất mát của các gia đình và những người ở lại là không gì bù đắp được.

Gia đình tang tóc người thân cùng lúc phải gánh 2 nỗi đau: kẻ vào tù, người ra đi vĩnh viễn. Sau các vụ án, chúng tôi có dịp gặp 2 người phụ nữ vừa mất chồng, con đi tù- những cuộc đời đau khổ.

Bà Phan Thị Bé đau khổ sau thảm kịch gia đình.
Bà Phan Thị Bé đau khổ sau thảm kịch gia đình.

Bên chồng, bên con biết phải làm sao

Chúng tôi tìm đến nhà bà Nguyễn Thị Thanh Lài- mẹ nghịch tử Lê Anh Tuấn theo con đường quê ngoằn ngoèo ở xã Vĩnh Xuân (Trà Ôn). Ngôi nhà nhỏ nằm giữa cánh đồng heo hút, vắng vẻ.

Bà Lài dáng người tiều tụy, hai mắt thâm sâu, tâm trạng mỏi mệt. Bà Lài thở dài: “Sau bi kịch gia đình, tôi như kẻ mất hồn, nằm liệt giường, bởi bên chồng, bên con biết phải làm sao…”.

Lấy tay áo quệt nước mắt, bà Lài đau khổ nói: “Lo an táng chồng xong, sức khỏe suy kiệt, đôi lúc tôi nghĩ quẩn muốn chết theo chồng cho thanh thản, quên hết đau khổ.

Nhưng tôi nhớ đến đứa con út bệnh tật, thằng Tuấn ở tù, nếu tôi chết rồi ai lo chúng. Vậy là tôi ráng gượng dậy sống để làm tròn bổn phận người mẹ và hy vọng thằng Tuấn cải tạo tốt để về với gia đình…”

Khi chúng tôi bắt chuyện sang người chồng xấu số, bà Lài tỏ ra cảm thương nhưng cũng đầy vẻ u buồn, oán trách.

Bà Lài kể: Hôn nhân bà với ông Lưng không được cha chấp nhận. Cuộc sống vợ chồng hạnh phúc không được bao lâu và thế vào đó những chuỗi ngày đau khổ. Ông Lưng bê tha, rượu chè, cờ bạc, vũ phu. Bà không thể nào quên trận đòn chết đi sống lại của người chồng say xỉn.

Lúc đó, 2 đứa con còn nhỏ chỉ biết khóc, may mắn hàng xóm kịp thời đưa đi bệnh viện điều trị nhiều ngày. “Nhiều lúc khổ quá tôi muốn bỏ chồng nhưng nghĩ lại mấy đứa con còn trong tuổi ăn học thôi đành chấp nhận tủi nhục mà sống. Tôi hy vọng chồng một ngày nào đó nghĩ lại thương vợ con nhưng cũng tuyệt vọng…”- bà Lài nghẹn giọng.

Bà kể: “Không chỉ bạo hành với vợ, ông Lưng còn nhiều lần đánh đập con. Thằng Tuấn cũng từng bị ổng đánh và cũng từng chứng kiến cha mẹ cãi nhau nên lớn lên nó tủi hờn, lì lợm khó dạy.

Đôi lần 2 cha con còn cự cãi nhau dẫn đến xô xát. Không chịu nỗi cảnh chồng vũ phu, mẹ con dắt díu nhau lên TP Hồ Chí Minh đi mần mướn, lang thang nơi đất khách quê người, nhịn đói đi làm mướn.

Chính vì thường bị chồng đánh và đuổi mẹ con ra khỏi nhà nên việc học của mấy đứa nhỏ trong gia đình cũng dang dở. Trong nhà, thằng Tuấn là đứa học khá nhất, chăm học cũng chỉ đến lớp 8…”

Con đi tù mẹ sống với ai?

Suốt phiên tòa xét xử Phương, bà Phan Thị Bé (mẹ của Phương) khóc sụt sùi và bà van xin tòa cho Phương con đường sống.

Lúc nghị án, bà Bé đến bên con và hôn lên mặt đứa con trai: “Mẹ có mình con là niềm an ủi của tuổi già. Con đi tù rồi mẹ sống với ai…”- bà Bé đau khổ nói.

Nghe tòa tuyên án tù chung thân cho Phương, bà Bé ngã gục xuống bàn. Lực lượng áp giải Phương ra xe về trại giam và chiếc xe tù khuất dần. Bà Bé tỉnh dậy thẫn thờ theo dòng người ra về.

Sau phiên tòa, chúng tôi đến gia đình bà Bé nằm sâu trong ấp Long Hiệp (xã Long An- Long Hồ). Căn nhà nhỏ đơn sơ, vắng lặng đìu hiu, cảm giác lạnh lẽo và đêm xuống cảnh vật còn não nề hơn, bốn bên chỉ có tiếng kêu của côn trùng.

“Từ ngày xảy ra thảm kịch gia đình, tôi cũng ra ngoài buôn bán đôi ba bữa mới về nhà một lần. Những ngày tôi vắng nhà, đứa con riêng ông Rô cách đó vài cây số đến lo nhang đèn cho cha...”- bà Bé cho hay.

Bà Bé ngồi thẫn thờ nhìn xa xăm, đôi mắt thâm quầng do mấy ngày trước phiên tòa xét xử con, bà lo lắng không sao ngủ được.

Bà nhắc lại quá khứ cuộc sống vợ chồng với tâm trạng đầy đau khổ: “Ổng có 2 đời vợ, người ly hôn và bà vợ sau chết. Tôi thấy ổng đàn ông nuôi con nên cũng có cảm tình và gá nghĩa với ổng. Về sống chung mới biết tính ổng không lo làm ăn gì hết và lớn tuổi vậy chứ suốt ngày bồ bịch lăng nhăng.

Hễ tỏ thái độ ghen là tôi bị ổng đánh cho suýt mất mạng và còn đuổi 2 mẹ con tôi ra khỏi nhà. Thằng Phương lớn lên trong thiệt thòi, bất hạnh, đói khổ mà ổng không lo”.

Trong tiếng nấc nghẹn, bà Bé kể tiếp: “Một lần buôn bán nhớ con quá ghé nhà thăm. Ổng gặp tôi đòi bán đất chia tiền, không bán được đất, ổng nổi điên lên hành hạ mẹ con, không ai ở trong nhà được. Rất nhiều chuyện ổng đối xử tệ bạc… nhưng bây giờ nhắc lại chuyện quá khứ cũng đâu để làm gì…”

Sau cuộc trò chuyện với chúng tôi, bà Bé như vơi bớt nỗi buồn. “Bổn phận làm con có giận hờn cha mẹ như thế nào đi nữa cũng không được đối xử như vậy.

Có lẽ những uất ức bị cha hành hạ, đối xử tệ để trong lòng lâu ngày nên nó bộc phát thiếu suy nghĩ. Tuy nhiên, con giết cha là tội lỗi tày trời. Tuy cuộc sống không hạnh phúc nhưng hơn 30 năm tình nghĩa vợ chồng, tôi vẫn ở đây để lo nhang đèn cho ổng và thăm con”- bà Bé cho biết.

Chia tay ra về, chúng tôi không khỏi xót xa cho hoàn cảnh của 2 bà mẹ đáng thương. Chồng chết, con đi tù tội giết người, 2 người phụ nữ phải sống quạnh quẽ trong căn nhà trống vắng.

Chúng tôi mong họ đủ sức khỏe, nghị lực để đợi những đứa con trai trở về. Và tôi cũng hy vọng những đứa con tội lỗi hiểu được tấm lòng của mẹ ngày đêm mong chờ, thương nhớ mà cải tạo, học tập tốt để hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước, sớm về đoàn tụ gia đình, sống những ngày hạnh phúc còn lại bên mẹ già.

Kỳ cuối: Nỗi đau người ở lại

™Bài, ảnh: HOÀI NAM