"Truy tố người lớn ép trẻ em uống rượu bia"

Cập nhật, 05:51, Thứ Sáu, 13/05/2016 (GMT+7)

Đứa trẻ 2-3 tuổi lảo đảo gục ngã sau khi uống rượu, trước nụ cười khoái trá của người lớn. Đây là hình ảnh từ clip gây phẫn nộ cho cư dân mạng.

Clip (được cho là ở một tỉnh miền Tây) ghi lại cảnh một em bé khoảng 2-3 tuổi đang tham dự một cuộc nhậu với người lớn và đòi uống rượu.

Trước sự cổ vũ nhiệt tình của đám đông, một người đàn ông đã rót rượu vào chén để cho cháu bé uống vài lần. Sau đó, đứa bé đi lảo đảo rồi nằm vật xuống, nhưng người lớn xung quanh lại cười khoái chí.

 

Ảnh cắt từ clip.
Ảnh cắt từ clip.

Trước đó (ngày 7.5), trên mạng cũng đưa clip (quay ở tỉnh Bình Phước) cảnh nhiều người đàn ông cổ vũ hai đứa trẻ (6-7 tuổi) thi nhau uống bia. Hai đứa trẻ đã uống nhiều cốc bia lớn trước sự hò hét, khen ngợi, tán thưởng của các bác, các chú.

Họ khen những đứa trẻ “giỏi giang”, xoa đầu trẻ và khoe đầy tự hào “cháu tôi đó”.

Trước vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Trọng An - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng; nguyên Cục phó Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Bộ LĐTBXH - nhận định:

"Đây là hành vi vi phạm pháp luật, cần phải xử lý. Luật Chăm sóc bảo vệ trẻ em vừa được Quốc hội thông qua, tại Điều 6 quy định về các hành vi nghiêm cấm, khoản 9 nêu rõ: Nghiên cấm “Bán cho trẻ em hoặc cho trẻ em sử dụng rượu, bia, thuốc lá và chất gây nghiện, chất kích thích khác, thực phẩm không bảo đảm an toàn, có hại cho trẻ em”.

Theo bác sĩ An, hành vi cho trẻ sử dụng chất kích thích (bao gồm rượu bia, thuốc lá, thuốc gây nghiện) được nghiêm cấm trong nhiều luật khác, tuỳ hậu quả mà có thể bị phạt cảnh cáo, phạt tiền hay truy tố trước pháp luật.

Đánh giá về mặt sức khoẻ, bác sĩ An cho biết, các nghiên cứu đều chỉ ra rằng rượu bia có hại cho sức khoẻ, đặc biệt tác động lên hệ thần kinh, phá huỷ trí não của người sử dụng.

Người lớn sử dụng đến mức độ say xỉn còn có hại, huống gì trẻ em mới chỉ 3-4 tuổi, sức đề kháng yếu ớt. Đứa trẻ may mắn có thể không bị ngộ độc rượu dẫn đến hôn mê, nhiễm độc thần kinh… nhưng sau đó vẫn có thể để lại di chứng.

Hành vi cổ vũ, khuyến khích trẻ uống bia rượu nhiều lần có thể khiến trẻ nhận thức rằng: Uống rượu là tốt, đáng tự hào, đáng mặt đàn ông. Điều đó sẽ thúc đẩy trẻ sớm lạm dụng rượu bia. Lúc đó, sức khoẻ, trí não sẽ bị tàn phá sớm.

“Cơ quan chức năng cần vào cuộc điều tra những trường hợp này để truy tố những người lớn có hành vi cổ vũ, cho trẻ uống rượu bia ra pháp luật. Như vậy mới ngăn chặn được các vi phạm tiếp theo, tránh cho nhiều trẻ bị tổn thương” - bác sĩ An nhận định.

Theo Cục Y tế dự phòng, đối tượng thanh - thiếu niên đặc biệt nhạy cảm với các tác động của bia rượu.

Nếu trẻ em uống rượu bia trước 15 tuổi thì sẽ phát sinh các vấn đề liên quan đến bia rượu nhiều hơn người uống rượu sau tuổi 21 như: Khả năng nghiện rượu cao gấp 4 lần, khả năng bạo lực cao gấp 6 lần, nguy cơ tai nạn sau sử dụng rượu bia cao hơn 6 lần…

Đồng thời, uống bia rượu sớm cũng làm ảnh hưởng đến trí nhớ, giảm khả năng tập trung của não bộ khiến sức học của trẻ giảm sút.

Nghiên cứu về lạm dụng rượu bia do Viện Xã hội học thực hiện năm 2015 ở 4 tỉnh, thành: Lào Cai, Đà Nẵng, Hà Nội, Long An cho thấy, 67% người được hỏi nghĩ rằng rượu bia là tốt cho sức khoẻ, 51% cho rằng uống rượu bia giao tiếp tốt hơn; 10% cho rằng rượu bia giúp minh mẫn hơn; 9% nói rượu bia giúp làm việc hiệu quả hơn và 14% cho rằng uống rượu bia để thể hiện sự chân thành…

Theo các chuyên gia, những quan niệm sai lầm, ngộ nhận về rượu bia, trong đó có cả hành vi khuyến khích trẻ em uống rượu bia khiến cho việc lạm dụng rượu bia ngày một trầm trọng. “Đội ngũ” lạm dụng bia rượu cũng ngày càng bị trẻ hoá.

Theo Dân Việt