Rắc rối hợp đồng thế chấp đất không chính chủ

Cập nhật, 09:00, Thứ Ba, 29/03/2016 (GMT+7)

Phần đất mượn của người cô để canh tác nhưng đứa cháu tự ý thế chấp lấy 10 lượng vàng tiêu xài. Hợp đồng đất không “chính chủ” này gây rắc rối kéo dài nhiều năm.

Bà Mai Thị Hường (phường Cái Vồn- TX Bình Minh) trình bày, bà có phần đất 7.150m2, tọa lạc tại ấp Mỹ Hòa (xã Nguyễn Văn Thảnh- Bình Tân). Trước đây bà cho đứa cháu là Mai Luận mượn canh tác.

“Thời điểm đó tôi về Bình Minh sinh sống, cứ nghĩ đứa cháu mượn canh tác. Nhưng sau này, tôi có nhu cầu lấy lại đất thì phát hiện cháu đã thế chấp cho ông Nguyễn Minh Tân và Phạm Văn Chiến…”- bà Hường cho biết.

Ông Tân cũng thừa nhận, anh Luận có làm hợp đồng thế chấp thửa đất trên với giá 4 lượng vàng, thời hạn 5 năm (2005- 2010). Tuy nhiên, đến hạn, anh Luận không có tiền chuộc nên thế chấp tiếp cho ông Chiến, lấy 6 lượng vàng (tổng cộng 2 lần thế chấp là 10 lượng vàng).

“Việc thế chấp bà Hường cũng biết vì có lần bà cùng với Luận đến nhà tôi để bàn bạc, nên khi khởi kiện Luận yêu cầu trả lại đất không thành, bà lại quay sang kiện tôi là không chấp nhận được…”- ông Tân trình bày. Ông Tân và ông Chiến cho rằng, bà Hường muốn nhận lại đất phải trả cho 2 ông đủ 10 lượng vàng.

Còn anh Luận cho biết, trước đây gia đình sinh sống tại quê vợ ở tỉnh Sóc Trăng, nhưng do làm ăn thua lỗ, cuộc sống khó khăn nên quay về xã Nguyễn Văn Thảnh và được cô Hường cho mượn đất canh tác. Vụ tranh chấp hợp đồng đất không chính chủ gây ra rắc rối kéo dài giữa nhiều đương sự. Phần lớn các bên không hiểu về Luật Đất đai; hợp đồng chỉ dựa trên lòng tin nên sai quy định của pháp luật.

Tòa nhận định, quan hệ pháp luật giữa các bên là “Tranh chấp về hợp đồng cố đất” và “Tranh chấp về quyền sử dụng đất”. Mặc dù có làm hợp đồng thế chấp nhưng giao dịch dân sự này vô hiệu do vi phạm pháp luật.

Cụ thể, người sử dụng đất chỉ có các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Trong vụ việc này, anh Luận không phải là người chủ sở hữu nên không có quyền thế chấp đất của bà Hường.

Do đó, tòa án chấp nhận đơn khởi kiện của bà Hường, buộc ông Tân và ông Chiến trả thửa đất 7.150m2. Đồng thời, vô hiệu hợp đồng thế chấp đất giữa ông Chiến, ông Tân và Luận. Anh Luận phải có trách nhiệm trả cho ông Tân 4 lượng vàng và ông Chiến 6 lượng vàng.

Qua vụ tranh chấp có thể thấy, hiện nay vẫn còn nhiều trường hợp do thiếu hiểu biết về pháp luật, hoặc chủ quan, không tìm hiểu rõ nguồn gốc bất động sản nên dễ phát sinh tranh chấp, đôi khi còn gây ra nhiều vụ án nghiêm trọng. Người dân cần tìm hiểu rõ pháp luật hoặc đến những nơi có chuyên môn để được tư vấn pháp luật, tránh những rắc rối hoặc thiệt hại về sau.

HOÀI NAM- TRUNG HƯNG