Bán cổ vật "dỏm"

Cập nhật, 05:04, Thứ Tư, 23/12/2015 (GMT+7)

Thời gian gần đây, có nhiều đối tượng lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của người dân để lừa gạt bán cổ vật “dỏm”. Mục tiêu của chúng là những gia đình kinh tế khá giàu có sở thích đam mê cổ vật.

2 đối tượng Hai và Xuyên (từ trái sang).
2 đối tượng Hai và Xuyên (từ trái sang).

Chúng dựng lên câu chuyện đào đất công trình may mắn được cổ vật quý hiếm, linh thiêng và chúng đem bán với giá hấp dẫn để anh em công nhân chia tiền nhau tiêu xài. Những cổ vật thường là tượng phật, cá chép, con cóc và những cổ vật “dỏm” này còn dính bùn đất. Thấy vậy, nhiều người tưởng cổ vật quý nên dễ dàng “sụp bẫy” của chúng.

Vào khoảng 11 giờ ngày 17/12/2015, có 2 người đàn ông đến tiệm cầm đồ Ngọc Phương (ấp Phước Yên A, xã Phú Quới- Long Hồ) gặp ông Trần Văn Hiệp (chủ tiệm) gạ bán 1 tượng Phật Di Lặc ngồi trên lưng cá chép và con cóc.

Họ tự giới thiệu là công nhân đang thi công nâng cấp QL1, đoạn ngang Phường 8 (TP Vĩnh Long) tình cờ đào đất phát hiện 2 cổ vật trên. 2 thanh niên ra giá 2 cổ vật trên với ông Hiệp là 9 triệu đồng để anh em công nhân chia nhau tiêu xài.

Ông Hiệp biết công trình nâng cấp QL1 này đang thi công, 2 người này trông cũng giống công nhân và cổ vật còn dính ít bùn, trầy xước do bị đào trông rất thật. Song, khi quan sát kỹ 2 cổ vật “dỏm” được làm bằng đồng mạ và thái độ, cử chỉ của 2 thanh niên cũng có nhiều dấu hiệu khả nghi nên ông Hiệp giả vờ ngã giá để kéo dài thời gian.

Bên cạnh đó, ông Hiệp âm thầm báo cho công an đến kiểm tra 2 thanh niên. Nhận được tin báo, lực lượng Công an huyện Long Hồ nhanh chóng có mặt tại hiện trường. Khi thấy lực lượng xuất hiện, 2 “công nhân” nhanh chóng “chuồn” ra QL1 rồi 3 chân 4 cẳng chạy thục mạng.

Lực lượng công an cùng với quần chúng truy đuổi đoạn đường dài khoảng 1 cây số, đến trước cổng Khu công nghiệp Hòa Phú mới tóm được họ.

Tại trụ sở, 2 người bán “cổ vật” khai tên Võ Văn Xuyên (SN 1986) và Lê Văn Hai (SN 1968) cùng xã Đông Thạnh (huyện Châu Thành- Hậu Giang) và thừa nhận hành vi lừa gạt bán cổ vật “dỏm” cho người dân. 2 đối tượng lấy lý do hoàn cảnh gia đình khó khăn và biết có nhiều người cũng hành nghề bán cổ vật “dỏm” thu lợi cao nên ham.

Trước đó, vào ngày 16/12/2015, cũng thủ đoạn trên, 2 đối tượng này đến địa bàn huyện Tam Bình (không nhớ địa chỉ cụ thể) bán 2 cổ vật “dỏm” tượng phật và cá chép với giá 3 triệu đồng.

Ngoài ra, 2 đối tượng còn bán cổ vật “dỏm” cho nhiều người dân ở quê nhà (Hậu Giang) và tỉnh Đồng Tháp nhưng không nhớ số lượng. Đối tượng lừa gạt của bọn họ thường là những người dân ở vùng nông thôn mà điều kiện kinh tế khá giàu, có sở thích chơi đồ cổ. Khi nắm được sở thích của “con mồi”, họ lân la tiếp cận gạ bán cổ vật. Họ thường giả danh công nhân các công trình giao thông, thủy lợi và trong lúc thi công may mắn đào đất được những cổ vật linh thiêng.

Tuy nhiên, những cổ vật này được làm bằng đồng mạ mua ở các cửa hàng giá chỉ vài trăm ngàn đồng. Họ mang về “tân trang” lại trét bùng đất lên cổ vật “dỏm” và làm cho trầy xước cho giống cổ vật thật rồi mang đi bán với giá cao gấp nhiều lần.

Người dân có máu mê đồ cổ tưởng thật ngã giá bao nhiêu cũng sụp bẫy. Họ thường thực hiện hành vi lừa đảo vào buổi trưa hay xế chiều vì thời điểm này công nhân nghỉ làm nên dễ lừa người dân. Khi lừa gạt thành công thì họ nhanh chóng lên xe “chuồn” khỏi nơi bán rồi chia tiền nhau xài.

Trong vụ án này, ông Hiệp có tinh thần cảnh giác cao, kịp thời tố giác 2 đối tượng lừa đảo cho công an xử lý. Thời gian qua, xuất hiện nhiều người bán hàng dạo, giá rất rẻ so với thị trường và họ rất “dẻo miệng” nài nỉ khiến nhiều người mềm lòng mua hàng.

Hàng hóa của họ thường không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng và có cả đồ “dỏm”. Những tháng cuối năm, đội quân bán hàng dạo rất nhiều, người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác chuyện “vàng thau lẫn lộn”.

Bài, ảnh: PHƯỚC GIANG- HOÀI NAM