“Bỗng dưng” mất hơn 13.000m2 đất, vì sao?

Cập nhật, 09:08, Thứ Tư, 31/12/2014 (GMT+7)

Ông Trần Văn Lời và bà Thái Thị Phiên (xã Tân Hưng- Bình Tân) có phần đất hơn 13.000m2, canh tác nhiều năm và không hề chuyển nhượng hay hợp đồng tặng cho ai. Tuy nhiên, khi vợ chồng ông làm thủ tục cấp quyền sử dụng đất (QSDĐ) mới hay phần đất trên đã chuyển sang sở hữu của người khác.

“Bỗng dưng” bị mất đất, ông khiếu nại cơ quan cấp giấy chứng nhận QSDĐ nhưng không được giải quyết thỏa đáng. Ông kiện ra tòa để làm sáng tỏ vụ việc…

Ông Lời cho biết thêm, trước đây phần đất 13.000m2 tọa lạc tại ấp Hưng Phú (xã Tân Hưng) do cha mẹ khai phá.
 
Đến năm 1980, đất này được đưa vào nông trường tràm quản lý. Đến năm 1990, nông trường tràm giải thể trả về chủ đất, trong đó có phần 13.000m2 đất của ông. Năm 1991, gia đình ông đăng ký kê khai, được ghi nhận thửa 211 và gia đình canh tác phần đất này. Sau này, gia đình không có chuyển nhượng hay tặng cho người khác.

Tuy nhiên, tháng 8/2010, khi gia đình làm thủ tục cấp QSDĐ phần đất trên mới tá hỏa ra đất đã thuộc sở hữu của người khác. Phần đất trên được UBND huyện Bình Minh (nay là huyện Bình Tân) cấp QSDĐ cho ông Trần Văn Tư- người ở cùng xã vào năm 2006. Bức xúc vì phần đất của mình “bỗng dưng” bị mất, ông khiếu nại đến UBND xã Tân Hưng nhưng bị bác đơn.

Sau đó, ông khiếu nại tiếp lên UBND huyện Bình Tân về việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ của mình cho ông Tư và lần này, UBND huyện Bình Tân cũng có Quyết định số 4465/QĐ-UBND không chấp nhận đơn kiện của ông.

Tiếp theo đó, ông Lời cũng “ôm” đơn đến nhiều cơ quan chức năng nhưng cũng không nơi nào giải quyết thỏa đáng. Cuối cùng ông đến “gõ cửa” cơ quan TAND huyện Bình Tân kiện Quyết định hành chính số 4465/QĐ-UBND của huyện Bình Tân về giải quyết đơn khiếu kiện của ông và UBND huyện Bình Minh khi ấy cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho ông Trần Văn Tư.

TAND huyện Bình Tân tiếp nhận đơn ông Lời và tiến hành xác minh vụ việc. Qua đó, ông Tư lý giải phần đất sở hữu của mình: Năm 2004, vợ chồng ông Lời, bà Phiên có thiếu nợ ông 14 lượng vàng 24K và sau đó, ông Lời không khả năng trả nên bán phần đất trên giá 20 lượng vàng 24K. Phần giao dịch có nhiều người biết và 2 bên có đến xã ký tên.

“Lúc bán đất, 2 bên có thỏa thuận, nếu ông Lời có nhu cầu sử dụng đất thì tui cho chuộc lại, nhưng ông ấy không có tiền chuộc lại. Năm 2005, tui đi đăng ký chứng nhận QSDĐ và đến năm sau tui được cấp giấy chứng nhận QSDĐ trên. Sau này, phần đất trên tui cho ông Lời thuê lại canh tác, giá 150 giạ lúa/năm. Bây giờ ông Lời đòi lại đất là vô lý…”- ông Tư khẳng định.

Còn đại diện của UBND huyện Bình Tân thì cho rằng cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho ông Tư là đúng quy trình, quy định pháp luật. Bởi theo khoản 1, Điều 11 Nghị định 84 của Chính phủ quy định: Việc chuyển nhượng đất đai trước ngày 1/7/2004 chưa cấp giấy chứng nhận QSDĐ mà có chữ ký của 2 bên thì không cần thủ tục chuyển nhượng và người được chuyển nhượng nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận QSDĐ…

Qua tài liệu thu thập của tòa án cũng xác nhận việc UBND huyện Bình Tân (trước đó là huyện Bình Minh) cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho ông Tư là đúng trình tự thủ tục.

Tuy nhiên, trong tài liệu xin cấp QSDĐ có một số giấy tờ photo, đóng dấu bản sao và nhiều giấy tờ liên quan chỉ là bản sao không đóng dấu, trong đó có bản thỏa thuận mua bán đất nên chưa đủ căn cứ xác định giữa ông Lời và ông Tư có giao dịch mua bán đất hay không!

Theo khoản 1 Điều 76 Luật Tố tụng hành chính quy định thì “các tài liệu đọc được coi là chứng cứ nếu là bản chính hoặc sao có công chứng, chứng thực hợp pháp”. Bên cạnh đó, hồ sơ cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho ông Tư ở Văn Phòng đăng ký QSDĐ huyện Bình Minh trước đây và huyện Bình Tân sau này không có danh sách kèm theo…

Từ nhận định trên, tòa án tuyên hủy Quyết định 4465/QĐ-UBND huyện Bình Tân về việc giải quyết đơn khiếu nại của ông Trần Văn Lời và bà Thái Thị Phiên. Bản án còn hủy một phần quyết định của UBND huyện Bình Minh (nay là huyện Bình Tân) cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho ông Trần Văn Tư.

Vụ việc sẽ quay lại từ đầu, 13.000m2 đất chắc chắn còn tranh chấp giữa ông Lời và ông Tư. Tuy nhiên, đây là trường hợp tranh chấp đất, khiếu kiện hành chính cũng cần suy ngẫm và rút kinh nghiệm cho người dân khi chuyển nhượng QSDĐ phải tuân thủ các trình tự, quy định thủ tục làm hợp đồng có chứng thực của cơ quan pháp luật để tránh xảy ra chuyện rắc rối sau này.

HOÀI NAM