An ninh đời sống

“Nội chiến gia đình” vì đất

Cập nhật, 07:58, Thứ Năm, 11/12/2014 (GMT+7)

Khi tấc đất tấc vàng, nhiều người dứt đi tình thâm ruột thịt mà tranh giành, thậm chí còn kiện tụng nhau ra tòa đòi chia đất đai của ông bà để lại. Trong đó, có trường hợp xót lòng của 2 mẹ con bà Lê Thị Bân ở xã Tân Thành (Bình Tân).

Bà Bân năm nay hơn 74 tuổi vẫn kiện đứa con trai duy nhất là anh Nguyễn Anh Dũng, đòi lại 3,3 công (công = 1.000m2) đất ruộng của ông bà để lại.

Bà Bân trình bày, bà cùng với chồng là ông Nguyễn Văn Bảy, được cha mẹ để lại 3,3 công đất ruộng làm kế sinh nhai. Ông bà có 4 người con nay đã lớn khôn. Tuy cuộc sống có khó khăn nhưng vẫn thương yêu đùm bọc nhau. Biến cố gia đình đến khi ông Bảy qua đời mà không để lại di chúc chia thừa kế nên xảy ra tranh chấp đất.

“Khi ổng còn sống có ý định chia phần đất trên làm 2 phần. Một phần cho con trai để nuôi dưỡng ông bà, thờ cúng sau nay, phần còn lại chia cho con gái. Nhưng khi ổng qua đời, tôi đòi chia đất theo ý nguyện của chồng thì con trai không đồng ý nên mới có chuyện xảy ra…”- bà Bân cho biết.

Suốt hơn 5 năm tranh chấp nội bộ vẫn chưa giải quyết xong, dẫn đến gia đình bà Bân rơi vào cảnh “nội chiến”, anh chị em trong nhà hiềm khích, đấu đá nhau vì 3,3 công đất ruộng. Không còn cách giải quyết, bà Bân đành kiện đứa con trai ra tòa án đòi chia thừa kế theo pháp luật và gia đình một lần nữa nổi sóng gió khi biết anh Dũng đã đứng tên chủ quyền sử dụng phần đất trên.

Các chị em trong gia đình cho rằng anh trai dùng thủ đoạn để chiếm phần đất của gia đình vì thời gian đó cha bệnh tai biến, nằm liệt không còn minh mẫn để làm hợp đồng tặng, cho hay bán.

Anh Dũng thì khẳng định, khi cha còn sống không nói đến việc chia đất cho chị em. Năm 2006, cha bệnh nhưng còn tỉnh táo và có làm hợp đồng chuyển nhượng sử dụng với hình thức tặng phần đất trên cho anh để canh tác phụng dưỡng, thờ cúng ông bà sau này. Hợp đồng được cán bộ địa chính xã đến tận nhà đọc cho cha nghe và ông cũng đồng ý ký tên. Tuy nhiên, mẹ không biết vì thời điểm đó bà giận cha ra ở riêng với con gái…

Một phần đất chỉ hơn 3 công ruộng nhưng có đến 5 người tranh chấp (bà Bân, 3 chị em gái và anh Dũng) đòi chia tài sản. Tài sản này giá trị không lớn, lẽ ra có thể hòa giải, thương lượng bằng tình thương yêu, chia sẻ trong mối quan hệ gia đình. Tuy nhiên họ đoạn tình, dứt nghĩa kiện nhau ra tòa để giải quyết bằng pháp luật.

Tại tòa, một bên mẹ cùng 3 chị em ruột là nguyên đơn, còn con trai là bị đơn và họ tranh giành phần lợi ích cho riêng mình mà quên đi “gà cùng một mẹ” khiến nhiều người biết được cảm thấy xót lòng.

Qua điều tra, tòa xác định phần đất tranh chấp là tài sản của ông bà để lại canh tác sinh sống. Đây là tài sản chung của gia đình bà Bân và ông Bảy, bị đơn là anh Dũng cùng cha làm hợp đồng chuyển nhượng là không đúng.

Ông Bảy qua đời không để lại di chúc thì phần đất tranh chấp trên chia thừa kế theo pháp luật. Bà Bân là vợ được thừa kế một phần là 1.817m2 đất và phần còn lại 1.817m2 chia đều cho 5 thành viên trong gia đình (bà Bân, 3 chị em gái và anh Dũng) mỗi người nhận 363,4m2.
 
Tuy nhiên xét hoàn cảnh bà Bân đã già, các chị em có gia đình riêng không thuận tiện canh tác phần đất nhỏ nên anh Dũng được quyền sử dụng toàn bộ phần đất trên. Song, anh Dũng phải có trách nhiệm trả giá trị đất cho những người được thừa kế thành tiền mỗi chị em hơn 10 triệu đồng và mẹ ruột là 65,4 triệu đồng (phần đất của bà Bân và phần thừa kế của chồng).

Vụ việc được tòa giải quyết thỏa đáng nhưng nhiều người cảm thấy xót lòng vì tình mẫu tử, chị em quý giá mà họ đánh đổi bằng những lợi ích nhỏ nhoi trong đời sống. Thiết nghĩ, nếu gia đình giải quyết lợi ích trên tình thâm ruột thịt thì sẽ đem lại hiệu quả tốt đẹp hơn.

HOÀI NAM