Chuyện cảnh giác

“Nhặt” iPhone 5 bán rẻ

Cập nhật, 15:44, Thứ Ba, 27/05/2014 (GMT+7)

Tôi đang đi bộ tập thể dục sáng thì có một phụ nữ trung niên đi xe máy ghé sát lề đường ra hiệu muốn hỏi tôi điều gì đó.

Người phụ nữ tắt máy xe, rút trong túi áo ra một chiếc điện thoại iPhone 5 rồi nhìn trước nhìn sau như sợ ai trông thấy, bảo: “Chị vừa mới nhặt được chiếc điện thoại này ở công trường. Người mất cứ gọi liên tục xin lại nhưng chị không biết tắt mở kiểu gì. Sợ họ gọi xin lại nên chị muốn bán gấp được đồng nào hay đồng nấy, rồi còn đến chỗ làm cho kịp giờ. Em biết gần đây có cửa hàng điện thoại di động nào không, chỉ giúp chị với?”

Nhìn thấy điện thoại xịn chính hãng nên tôi hoa mắt, mất cảnh giác. Chị ta bắt được tâm lý nên ngỏ ý muốn chia lại điện thoại này cho tôi dùng: “Hay em lấy điện thoại này xài luôn đi?” Do tôi không mang nhiều tiền, chỉ còn vài chục ngàn trong ví nên chị ta bảo tôi đổi cho chiếc điện thoại tôi đang dùng (loại Samsung Glaxy Ace2 chính hãng) và đưa thêm cho chị vài trăm ngàn đồng để đổi lấy chiếc điện thoại iPhone 5 mà chị mới nhặt 

được. Tôi cầm chiếc điện thoại iPhone 5 xem thì thấy đúng là có nhiều số điện thoại không lưu tên gọi vào máy. Thậm chí trong mục tin nhắn, cũng có nhiều tin gửi đến nài nỉ xin, chuộc lại điện thoại. Máy còn rất mới, không trầy xước, màn hình cảm ứng rất mượt. Tuy nhiên, do điện thoại của tôi vẫn dùng tốt nên tôi từ chối, không đổi.

Đến tối, tôi ra tiệm điện thoại của người bạn và kể câu chuyện cho chị chủ quán nghe. Chị liền bảo ngay: "Gần đây liên tục có những phụ nữ đóng giả kiểu y như vậy để lừa đảo. Để tạo sự tin tưởng cho người mua, chúng đã hiệp đồng sẵn để luôn có người gọi vào máy cho người mua tin rằng đây là máy họ nhặt được thật". Chị cũng cho biết, ở khu trọ của tôi đã có vài trường hợp bị lừa kiểu đó rồi, mua về được mấy hôm thì máy bị trục trặc không dùng được.

Qua câu chuyện này, mọi người cần đề cao cảnh giác để không trở thành “nạn nhân” tiếp theo của những kẻ lừa bịp.

HOÀNG NGUYỄN