Chiêu mua bán xe gian qua tài khoản

Cập nhật, 14:39, Thứ Sáu, 07/06/2013 (GMT+7)

Để tránh bị phát hiện, các đối tượng trong đường dây tiêu thụ xe gian liên tỉnh Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long,... tổ chức giao nhận “hàng” bằng cách ký gửi cho xe khách và thanh toán tiền qua tài khoản tại ngân hàng. Tuy nhiên, vẫn không qua mắt được cơ quan chức năng...

Sau thời gian xác minh, thu thập chứng cứ, ngày 20/10/2012, Cơ quan Cảnh sát điều tra- Công an TP Vĩnh Long kết hợp Công an Phường 3 tiến hành kiểm tra Cửa hàng mua bán xe gắn máy Thắng Què 2 trên đường Mậu Thân (Phường 3- TP Vĩnh Long) do Nguyễn Quốc Thắng (SN 1971) làm chủ, phát hiện và tạm giữ nhiều tài sản không rõ nguồn gốc gồm: 263 khung xe gắn máy các loại, 13 xe gắn máy, 53 lốc máy xe gắn máy cùng 31 bộ lốc máy và số khung xe đã bị cắt rời.

Bước đầu làm việc, Thắng khai trong số tài sản trên có 4 lốc máy và 48 khung xe gắn máy mua của Nguyễn Văn Kỳ (SN 1978- ngụ ấp Vĩnh Thuận, xã Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú- An Giang) và Nguyễn Văn Vũ (SN 1967- đăng ký hộ khẩu ấp Phú Cường, xã Hiếu Thuận, huyện Vũng Liêm- Vĩnh Long, nhưng trú tại 8/7 đường Mậu Thân, phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều- TP Cần Thơ) và biết rõ đây là tài sản do phạm tội mà có.

Vì khi mang xe đến bán, Kỳ và Vũ có nói là xe “ăn trộm” và hứa sẽ không khai ra Thắng nếu bị phát hiện. Do hám lợi nên Thắng nhận tiêu thụ để kiếm lời.

Cơ quan điều tra đã xác minh tìm được 4 bị hại là Vũ Hùng Mạnh (TP Cần Thơ) bị mất trộm xe 65P5-3097 vào khoảng tháng 5/2012; Nguyễn Văn Hiệp (Kiên Giang) mất xe 68T9-7212 vào khoảng tháng 2/2012 tại một nhà trọ ở TP Cần Thơ; Trần Văn Trọng (Nam Định) mất xe 60N8-8681 vào tháng 11/2011 tại một shop quần áo ở Đồng Nai; Trần Bá Hiệp (TP Cần Thơ) mất xe 65V1-2400 tại TP Cần Thơ. Cả 4 xe này, Thắng đều mua của Kỳ và Vũ với giá từ 6- 7 triệu đồng/xe (tổng giá trị 4 xe Thắng tiêu thụ là 25,6 triệu đồng).

Quá trình điều tra, Thắng khai bắt đầu nhận mua xe của Kỳ và Vũ từ khoảng tháng 7/2011. Trong đó, Kỳ bán 40 xe, Vũ bán 8 xe nhưng chỉ có một ít là giao dịch trực tiếp tại cửa hàng Thắng Què 2. Còn lại Kỳ gửi xe khách đến địa bàn TP Vĩnh Long rồi liên lạc qua điện thoại cho Thắng biết địa điểm cụ thể để cho người đến nhận.

Sau khi nhận xe, Thắng chuyển tiền vào tài khoản của Kỳ. Riêng Vũ không trực tiếp giao dịch với Thắng mà cho người mang xe đến rồi nhận tiền tại cửa hàng Thắng Què 2.

Ngoài việc tiêu thụ xe gian, Thắng còn mua xe không rõ nguồn gốc, xe cũ nguyên chiếc về tháo rời từng món ra bán phụ tùng và “biến hóa” cả xe không hợp lệ thành hợp lệ bằng cách đục số khung, số máy của những xe không rõ nguồn gốc theo hồ sơ xe mà Thắng mua được.

Cụ thể, ngày 1/3/2012, chị Nguyễn Thị Hiếu (Tam Bình) mua chiếc Airblade màu đỏ đen, số khung NC110AP-0109145, số máy NC110APE-0109145 về để ở nhà chờ đăng ký biển số, nhưng đến ngày 8/3/2012 thì xe bị mất trộm.

Do không tìm được xe nên sau đó, chị Hiếu mang bộ hồ sơ xe bán cho Thắng với giá 11 triệu đồng. Sau đó, Thắng mua chiếc Airblade màu đỏ đen của Nguyễn Tấn Lữ (Tiền Giang) giá 23 triệu đồng rồi mang sang Cần Thơ thuê người đục lại số khung, số máy giống với số của bộ hồ sơ xe chị Hiếu bán và nhờ Lê Hoài Ân (làm công cho Thắng) đứng tên đăng ký và được cấp biển số 64B1-16548.

Qua làm việc, anh Lữ trình bày xe Airblade màu đỏ đen là do một thanh niên không rõ tên và địa chỉ cầm giá 15 triệu đồng. Người này bảo xe có giấy tờ hợp lệ nhưng do vợ bị tai nạn nên cầm. Sau đó, anh Lữ không thấy người này mang giấy tờ xe đến chuộc như đã hẹn nên bán lại cho Thắng và không biết xe không có giấy tờ hợp lệ.

Bằng thủ đoạn trên, Thắng mua xe cũ hợp lệ hiệu SH150 do Trung Quốc sản xuất về sang tên đăng ký lại biển số 64C1-03221. Sau đó, Thắng bán bộ hồ sơ xe, giấy đăng ký xe và biển số xe 64C1-03221 cho Kỳ, còn xe giữ lại dùng biển số giả 64K9-4175 do Kỳ cho gắn vào.

Tương tự, Thắng mua xe không rõ nguồn gốc về rồi lấy hồ sơ xe hóa giá hiệu Airblade mang đến TP Hồ Chí Minh mướn đục số khung, số máy phù hợp với hồ sơ. Sau đó, Thắng cho vợ đứng tên đăng ký rồi bán bộ hồ sơ xe, giấy đăng ký xe và biển số xe cho Kỳ, còn xe giữ lại và lấy biển số 64H6-8477 từ xe mua hóa giá gắn vào.

Đối với những xe không thể “phù phép” cho hợp lệ, Thắng rã ra bán phụ tùng nên cơ quan điều tra gặp nhiều khó khăn trong việc truy tìm chủ sở hữu. Do đó, cơ quan điều tra đã tách các xe chưa rõ chủ sở hữu và nguồn gốc ra tiếp tục xác minh làm rõ và sẽ xử lý sau.

Được biết, Kỳ và Vũ là các đối tượng chuyên tiêu thụ đồ gian. Sau khi Thắng bị bắt, cả 2 đã bỏ trốn khỏi địa phương. Hiện Kỳ đang bị Cơ quan Cảnh sát điều tra- Công an TP Rạch Giá (Kiên Giang) và Quận 7 (TP Hồ Chí Minh) truy nã về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.

Sáng 29/5/2013, TAND TP Vĩnh Long đã đưa vụ án “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” do Thắng thực hiện ra xét xử sơ thẩm. Trước tòa, Thắng đã thừa nhận sai trái và xin được giảm nhẹ hình phạt.

Theo HĐXX: Chỉ vì hám lợi mà Thắng đã mua nhiều tài sản không rõ nguồn gốc để bán lại. Trong số đó có những xe Thắng biết rõ là do phạm tội mà có nhưng vẫn đồng ý mua nhằm tiêu thụ kiếm lời. Hành vi của bị cáo đã tiếp tay cho các đối tượng trộm cắp, gián tiếp làm gia tăng loại tội phạm này nên cần xử nghiêm. Tuy nhiên, xét bị cáo đã thành khẩn khai báo, khắc phục xong phần thiệt hại cho 4 bị hại đã xác định được địa chỉ, bị cáo lại là người khuyết tật nên HĐXX xem xét và tuyên phạt Thắng 3 năm cải tạo không giam giữ (ảnh).

Tại khoản 1 Điều 250 Bộ luật Hình sự quy định tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” như sau: “Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có thì bị phạt tiền từ 5- 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”.


Bài, ảnh: DIỄM PHƯỢNG