Thổi hồn vào sản phẩm quê

Cập nhật, 12:01, Thứ Hai, 15/02/2021 (GMT+7)

Từ những sản phẩm thủ công truyền thống được làm bằng chất liệu Uzu, tre, lát (cói)… khá thô mộc, nhưng qua bàn tay khéo léo, những sản phẩm “chân quê” đã được “thổi hồn” bằng những họa tiết, hoa văn để tạo nên những gam màu sống động, thấm đẫm tình quê.

Nghệ thuật gắn với thiên nhiên

Chị Lý Nguyễn (Nguyễn Thị Lý) giảng dạy bộ môn Mỹ thuật tại Trường THCS thị trấn An Phú (An Phú, An Giang) gần 10 năm nay. Với niềm đam mê nghệ thuật hội họa, chị đã từng vẽ trên nhiều chất liệu khác nhau.

“Tuy nhiên, khoảng 3 năm gần đây tôi tự tìm cho mình lối đi riêng và đó cũng là niềm đam mê khi tôi vẽ trên chất liệu mẹt tre. Chất liệu này tuy “thô” nhưng gần gũi với cuộc sống, vừa có thể vẽ tranh để trang trí nội thất nói chung và lĩnh vực mỹ thuật nói riêng. Bên cạnh đó, tôi còn vẽ lên nón lá, giỏ xách bằng cỏ bàng, lá buông... những chất liệu được gọi là thân thiện với môi trường”.

Sản phẩm quê hương An Phú được chị em ưa chuộng
Sản phẩm quê hương An Phú được chị em ưa chuộng

Chị Lý chia sẻ: “Nói đến vẽ tranh trên sản phẩm túi xách thủ công như một cơ duyên, vì trước đây mình vẽ nhiều tác phẩm trên mẹt tre về chủ đề quê hương, hoa lá, những hình ảnh quen thuộc gắn bó với miền quê An Phú… thu hút nhiều người yêu thích, đặt mua.

Lúc ấy, chủ cơ sở chiếu Uzu Tân Châu Long cũng biết đến và đã mời vẽ lên sản phẩm túi xách làm bằng cỏ bàng, lá buông... Hơn 1 năm nay, ngoài việc đi dạy mình nhận vẽ thêm trên sản phẩm thủ công này”.

Chăm chút, cẩn thận từng công đoạn mới cảm nhận được sự yêu nghề của cô giáo trẻ. Với chất liệu thô sơ không phải là mặt phẳng như giấy, màu nền túi xách thì sẫm màu, có độ sần gồ ghề, nên gặp nhiều khó khăn trong lúc vẽ.

Trước khi vẽ phải phủ một lớp màu trắng Acrylic, kế tiếp dùng cọ vẽ màu Acrylic lên hình và chuyển màu theo ý muốn. Công đoạn cuối cùng là xịt phủ lên một lớp keo bóng để giữ màu sắc cho sáng bóng… là hoàn thành sản phẩm.

Nói về cảm nghĩ khi “thổi nét quê” vào “sản phẩm nhà quê”, chị Lý cho biết: “Mình là một người con An Phú nên luôn mong góp một phần nhỏ bé cho quê hương, cũng như dùng nghệ thuật hội họa tô điểm “nét quê” để mọi người có thể hiểu hơn về đặc trưng vùng quê An Phú, cũng như quê hương An Giang nói chung.

Một “sản phẩm nhà quê” có thể gợi vào lòng người những hình ảnh quê hương sâu sắc nhất, dù ai đi xa khi gặp những sản phẩm này sẽ nhớ về cội nguồn”.

Trăn trở cho sản phẩm quê

Mang nhiều trăn trở phát triển các sản phẩm truyền thống theo xu hướng hiện đại, thân thiện với môi trường, chị Lê Thị Phương Thảo (chủ cơ sở dệt chiếu Uzu và làm hàng thủ công mỹ nghệ Tân Châu Long, huyện An Phú) không ngừng tìm tòi, sáng tạo để cho ra đời những sản phẩm phù hợp thị hiếu, thân thiện môi trường.

Từ sản phẩm chiếu Uzu truyền thống hơn 20 năm, chị Thảo tận dụng nguyên liệu, như: cỏ bàng, lá buông để phát triển sản phẩm ngày càng đa dạng.

Đặc biệt, tận dụng nguyên liệu sẵn có tại địa phương, như: lục bình, cây lát (cói)… để phát triển sản phẩm thủ công mỹ nghệ, mặt hàng văn phòng phẩm (bìa sơ mi, túi đựng laptop, túi iPad), nón xếp, ví nam - nữ, quà lưu niệm… phục vụ thị trường du lịch.

Thiếu nữ áo dài duyên dáng với nón lá được trang trí hoa văn
Thiếu nữ áo dài duyên dáng với nón lá được trang trí hoa văn

Điều đặc biệt là những sản phẩm thủ công truyền thống đã được những đôi tay khéo léo “thổi hồn” bằng những đường nét rất chăm chút với những họa tiết sống động. Thành công mang lại là những sản phẩm dung dị, đời thường đã được khách hàng thích thú đón nhận.

Chị Lê Thị Phương Thảo cho biết: “Bản thân luôn linh động cải tiến công nghệ, thay đổi mẫu mã, kiểu dáng để tạo ra những sản phẩm mới. Thành công bước đầu là sản phẩm được nhiều người ưa chuộng. Sắp tới, sẽ tiếp tục kết nối với các kênh quảng bá để khai thác tiềm năng ở thị trường du lịch, tập trung vào các khu du lịch trong nước, để vừa mang đến những sản phẩm thân thiện môi trường và quảng bá thương hiệu xuất xứ An Giang”.

“Thổi hồn Việt vào sản phẩm “nhà quê” để đưa ra thị trường. Một sản phẩm xuất phát từ sự đam mê được đắm mình trong không gian văn hóa Việt Nam. Mỗi sản phẩm là một phong cách, nhưng điểm chung là “thổi nét quê” vào “sản phẩm nhà quê” của người An Phú. Cách làm này biến những ý tưởng thành hiện thực trong đời sống thật đáng trân trọng, giúp mọi người có cảm giác trở về nguồn cội” - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn An Phú Đoàn Bình Lâm chia sẻ.


Theo HỮU HUYNH/TTMT