Đồng Tháp: Tạo điều kiện để người nghèo tiếp cận với vốn chính sách

Cập nhật, 16:11, Chủ Nhật, 22/11/2020 (GMT+7)

Các hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã tiếp vốn đến tận tay các hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách, tạo động lực cho các hộ sản xuất, nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững.

Vợ chồng ông Lê Văn Đậm ngụ ấp K9, xã Phú Đức, huyện Tam Nông, thoát nghèo nhờ vay vốn trồng kiệu. (Ảnh: Chương Đài/TTXVN)
Vợ chồng ông Lê Văn Đậm ngụ ấp K9, xã Phú Đức, huyện Tam Nông, thoát nghèo nhờ vay vốn trồng kiệu. (Ảnh: Chương Đài/TTXVN)

Trong những năm qua, xác định việc giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, vì thế tỉnh Đồng Tháp đã và đang triển khai hiệu quả các chính sách, giải pháp giảm nghèo bền vững.

Với phương châm “Trao cần câu, không trao con cá,” các hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã “tiếp vốn” đến tận tay các hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách, tạo động lực cho các hộ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững.

Để tạo điều kiện cho các đối tượng “cần vốn làm ăn” tiệm cận với các nguồn vốn chính sách, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Tháp đã tăng cường nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác qua các tổ chức như  Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên.

Từ đó, kịp thời giải ngân vốn vay giúp các hộ nghèo, khó khăn, gia đình chính sách đầu tư sản xuất.

Hoàn cảnh khó khăn nhưng không đầu hàng số phận, trông chờ vào trợ cấp xã hội, vợ chồng bà Trương Thị Điệp (sinh năm 1965) và ông Lê Văn Đậm (sinh năm 1966) có nhu cầu vay vốn và được giải ngân 50 triệu đồng từ Hội Liên hiệp phụ nữ xã Phú Đức để mua giống kiệu và thuê lao động để trồng 3.000m2 kiệu.

Bà Điệp cho biết trước kia với công việc thuê mướn mưu sinh bấp bênh “nay có mai không” nên “cái nghèo vẫn đeo bám.”

Thời gian khủng hoảng nhất đối với gia đình là khi “vay nóng” bên ngoài để làm ăn, ngoài nỗi lo về cái ăn cái mặc, nỗi canh cánh lớn nhất là khoản tiền lãi mỗi khi đến kỳ hạn. Theo đó, bình quân với 1 triệu đồng tiền vay, hàng tháng lãi suất phải trả từ 30.000-50.000/tháng.

Có vốn vay nhưng với lãi suất thấp, gia đình bà Điệp và gia đình ông Đậm an tâm làm ăn, xuống giống bắt đầu vụ Mùa.

Bà Điệp chia sẻ hiện tại mục tiêu lớn nhất của gia đình bà là vươn lên, trả lại sổ nghèo trong 1-2 năm tới.

Trong cuộc bình xét vay vốn vào tháng 8/2020 của Hội Phụ nữ ấp K9, xã Phú Đức, chị Phan Thị Thu Hương, hộ nghèo trong xã đã được giải ngân lần hai với số vốn 40 triệu đồng để bắt đầu trồng 4.000m2 chanh và buôn bán nhỏ.

Chị Hương chia sẻ chỉ riêng công việc buôn bán hàng ngày cũng giúp chị có thu nhập ổn định khoảng 150.000 đồng/ngày và dự định khoảng 4-5 tháng sẽ tăng thêm thu nhập từ trái chanh.

Chị Hương cho hay tất các giao dịch về hồ sơ, nhận vốn, đóng lãi, trả nợ đều được thực hiện ở điểm giao dịch tại Ủy ban nhân dân xã Phú Đức vào ngày cố định hàng tháng, ngay cả cuối tuần hay nghỉ lễ. Khoảng cách gần, thủ tục đơn giản lại được giao dịch trực tiếp với các giao dịch viên giúp người dân tiết kiệm về thời gian và an tâm hơn.

Chị Phạm Thị Loan, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Phú Đức, cho biết Phú Đức là xã thuần nông của huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Riêng tại đơn vị Hội, hiện có tổng dư nợ gần 11 tỷ đồng, với 524 hộ vay.

Quy trình bình xét cho vay sẽ được tổ chức công khai, dân chủ tại 12 tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn xã do hội quản lý, qua đó thẩm định điều kiện và mục đích cho từng trường hợp để xét vay từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng/hộ vay.

Theo chị Loan, đa phần người dân trên địa bàn vay để chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất nông nghiệp, mua bán nhỏ.

Sau thời gian giải ngân, các đơn vị liên quan sẽ phối hợp sẽ đến tìm hiểu thực tế từng hoàn cảnh, kiểm tra nguồn vốn, hướng dẫn các phương thức làm ăn, để nguồn vốn được sử dụng có hiệu quả. Điều đáng phấn khởi nhất là năm 2020 toàn xã chỉ còn 147 hộ nghèo (giảm khoảng 230 hộ so với năm 2019).

Hiện toàn tỉnh Đồng Tháp có 11 phòng giao dịch thực hiện cho vay tại địa bàn. Ngoài ra, đơn vị đã đặt 135/143 điểm giao dịch tại các xã, phường, thị trấn cùng 8 điểm giao dịch tại trụ sở ngân hàng.

Ông Lại Văn Bé Chín, Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Tháp, cho rằng đây là điều kiện thuận lợi nhất cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận nguồn vốn vay được dễ dàng. Mô hình điểm giao dịch xã đã giúp tiết kiệm rất lớn chi phí đi lại của người dân. Thay vì hàng tháng các hộ dân có nhu cầu giao dịch phải đi đến trụ sở ngân hàng ở trung tâm huyện, với mô hình này người dân chỉ cần đến ủy ban nhân dân cấp xã vào ngày giao dịch cố định hàng tháng và giao dịch trực tiếp với các nhân viên ngân hàng thuộc tổ giao dịch lưu động.

Ông Lại Văn Bé Chín cho biết thêm tín dụng chính sách đã trở thành một kênh tín dụng hiệu quả với lãi suất ưu đãi (tối thiểu từ 3 đến 9%/năm tùy theo từng chương trình), hỗ trợ cho người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn, nhất là các đối tượng yếu thế trong xã hội, đẩy lùi tín dụng đen. Không chỉ vậy, đơn vị đang quản lý hơn 3.250 Tổ tiết kiệm và vay vốn, với bình quân dư nợ 1.067 triệu đồng/tổ.

Mỗi tổ tiết kiệm và vay vốn sẽ có quy ước hoạt động và thống nhất mức tiền gửi. Việc huy động tiền gửi qua tổ tiết kiệm và vay vốn sẽ tạo thói quen cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách tích lũy tiền, qua đó tạo nguồn vốn để trả nợ khi món vay đến hạn hoặc tạo nguồn để trả lãi khi hộ vay gặp khó khăn chưa trả được lãi cho ngân hàng.

Ngoài ra, việc huy động tiền gửi cũng tạo hiệu ứng cộng đồng, tạo sự thi đua giữa các thành viên trong Tổ tiết kiệm và vay vốn cùng nhau tham gia gửi tiền, cũng như tính tương trợ trong việc vay vốn, trả nợ.

Trong thời gian tới, để triển khai có hiệu quả hơn nữa tín dụng chính sách trên địa bàn, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Tháp sẽ tiếp tục nhiều giải pháp nhằm đưa được nguồn vốn tín dụng chính sách đến được đúng đối tượng thụ hưởng, đáp ứng vốn kịp thời cho các hộ có nhu cầu và đủ điều kiện vay.

Mặt khác, ngân hàng sẽ mở các lớp đào tạo để nâng cao nghiệp vụ ủy thác, ủy nhiệm cho các Tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác, các tổ tiết kiệm và vay vốn; ứng dụng hiện đại hóa tin học trong hoạt động tín dụng chính sách, nhằm đưa nguồn vốn đến hộ dân một cách nhanh chóng kịp thời, tạo nhiều kênh trao đổi thông tin để phổ biến tuyên truyền vốn tín dụng chính sách, bên cạnh đó nắm bắt kịp thời nhu cầu, cũng như khó khăn, vướng mắc của hộ dân để kịp thời tháo gỡ./.

Theo Chương Đài (TTXVN/Vietnam+)