Những nông dân thời kỳ 4.0

Cập nhật, 19:11, Thứ Hai, 12/10/2020 (GMT+7)

Lần đầu tiên sinh viên được kết nạp vào Hội Nông dân và một chi hội ra đời trong trường đại học (ĐH) không chỉ giúp sinh viên có thể “học đi đôi với hành”, mà còn góp phần hình thành những nông dân thời kỳ 4.0. Và như khẳng định của ông Thào Xuân Sùng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam: “Mô hình mới này sẽ thu hút lực lượng sinh viên, trí thức trẻ thêm yêu nghề - gắn bó với quê hương, đồng ruộng và trở thành những người “nông dân trí thức” thời kỳ 4.0”.

Việc “học đi đôi với hành” giúp sinh viên tự tin hơn với kiến thức, kỹ năng được học để ứng dụng vào thực tiễn khi ra trường.
Việc “học đi đôi với hành” giúp sinh viên tự tin hơn với kiến thức, kỹ năng được học để ứng dụng vào thực tiễn khi ra trường.

“Học đi đôi với hành”

Việc Trường ÐH Trà Vinh tổ chức trao quyết định thành lập Chi hội Nông dân Trường ÐH Trà Vinh và trao thẻ hội viên Hội Nông dân Việt Nam cho sinh viên vào cuối tháng 7 vừa qua đã tạo bước đột phá mới trong đào tạo gắn với thực tiễn, giúp sinh viên “học đi đôi với hành” bằng những việc làm thiết thực.

Cô Lê Thị Nghĩa, giảng viên Trường ÐH Trà Vinh, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân Trường ÐH Trà Vinh, cho biết: “Chi hội đã xây dựng điều lệ hoạt động, kế hoạch phát triển gắn với nhiệm vụ học tập nhằm giúp các sinh viên vừa học, vừa thực hành gắn với đời sống thực tế góp phần xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0”.

Theo cô Nghĩa, hiện nay nhiều gia đình chỉ có 1-2 con, phần lớn không muốn con mình cực nên không cho theo học ngành nông nghiệp.

Trong khi đó, thực tế lĩnh vực nông nghiệp lại rất thiếu nguồn nhân lực. Việc học đi đôi với hành mà cụ thể, việc sinh hoạt Hội Nông dân là sự kết hợp giữa giảng viên, sinh viên có tri thức cùng với kinh nghiệm của bà con nông dân nhằm tạo ra cơ hội để các em cọ xát thực tế.

Từ đó, không chỉ giúp các em có thêm điều kiện học tập gắn với thực hành mà còn giúp bà con nông dân nắm bắt được kỹ thuật mới.

“Thực tế cho thấy không thiếu mô hình cho sinh viên sinh hoạt và tham gia Hội Nông dân là cách sinh hoạt thiết thực đối với sinh viên các ngành liên quan đến nông nghiệp. Khi tham gia Hội, chúng tôi chia theo nhóm chuyên ngành, phối hợp với nông dân, doanh nghiệp gửi sinh viên để học tập, trau dồi kỹ năng.

Trong tương lai, không chỉ có nông nghiệp, thú y mà thêm kinh tế nông nghiệp, công nghệ thực phẩm… sẽ đi đến hoàn thiện một chuỗi liên hoàn cơ bản về nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành nông nghiệp”- cô Nghĩa nói.

Bạn Dương Thị Cẩm Thi, sinh viên năm thứ I ngành Khoa học Cây trồng, tâm sự: “Trà Vinh là vùng đất có thế mạnh về nông nghiệp nên em quyết định theo học nông nghiệp.

Bây giờ lại được tham gia vào Hội Nông dân giúp em và các bạn học tập những kinh nghiệm thực tế từ bà con nông dân. Trong những chuyến đi thực tế về các huyện tham quan mô hình, nếu mô hình nào phù hợp, em có thể mang về áp dụng tại địa phương”.

Còn  Dương Bảo Ngân, sinh viên năm thứ II ngành Thú y, chia sẻ: “Quê em ở Thoại Sơn, An Giang, nhà có 4ha đất trồng lúa nên luôn muốn học ngành liên quan đến nông nghiệp.

Từ những kỹ thuật mới được học kết hợp với quá trình sinh hoạt Hội Nông dân, em sẽ học hỏi thêm kinh nghiệm của bà con nông dân nhằm từng bước vận dụng vào đồng ruộng để tạo nên những mô hình nông nghiệp công nghệ cao, không chỉ ở quê hương mà còn nhân rộng ra các nơi khác”.

Phát huy tiềm lực trí thức trẻ 

Theo PGS.TS Phạm Tiết Khánh, Hiệu trưởng Trường ÐH Trà Vinh, làm thế nào để các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn tốt nghiệp đại học trở về nông thôn, tiếp thu và áp dụng kiến thức công nghệ mới giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, giá trị sản phẩm nông nghiệp, góp phần nâng cao đời sống nông dân là một trăn trở của các ngành, các cấp và những người có trách nhiệm đối với xã hội.

Do đó, ý tưởng thành lập chi hội nông dân trong sinh viên các trường ÐH là một trong những sáng kiến rất ý nghĩa của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam để từng bước đưa lực lượng trí thức trẻ trở về với nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Chi hội Nông dân Trường ÐH Trà Vinh bước đầu gồm 39 sinh viên đang học ngành trồng trọt, thú y và 5 giảng viên. Số lượng tuy không nhiều nhưng mô hình này đang tạo bước đột phá, hướng đến việc đưa những trí thức về với ruộng đồng, vực dậy nền nông nghiệp không chỉ của tỉnh Trà Vinh mà còn cả khu vực ÐBSCL trong tương lai.

Theo PGS.TS Phạm Tiết Khánh, thông qua các hoạt động của chi hội, sinh viên có nhiều cơ hội áp dụng những kiến thức, kỹ thuật được học ở nhà trường và trải nghiệm thực tiễn sản xuất, đồng thời được học hỏi thêm kinh nghiệm quý báu từ nghề nông được đúc kết qua nhiều năm thực tế - những kiến thức mà thầy, cô không thể truyền dạy cho các em.

Sinh viên sẽ có cơ hội thử thách, rèn luyện bản thân để trưởng thành hơn, khi ra trường sẽ tự tin hơn với kiến thức, kỹ năng thực tiễn của mình để giúp ích cho gia đình và xã hội.

Ông Thào Xuân Sùng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, cho biết đây là chi hội nông dân đầu tiên được thành lập ở cơ sở là một trường ÐH và hội viên là những sinh viên. Ðể thành công, Chi hội cần có các hoạt động gắn với nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu ở vùng ÐBSCL và chiến lược phát triển của trường.

“Tiếp tục đổi mới, sáng tạo, mô hình sẽ giúp lực lượng sinh viên, trí thức trẻ thêm yêu nghề - gắn bó với quê hương, đồng ruộng và trở thành những  người “nông dân trí thức” thời kỳ 4.0”- ông Thào Xuân Sùng nói.

Mục đích hoạt động của Chi hội Nông dân Trường ĐH Trà Vinh là tập hợp, đoàn kết sinh viên, xây dựng lực lượng sinh viên vững mạnh về mọi mặt, nhất là gắn kết giữa việc học lý thuyết trên giảng đường với thực hành sản xuất trên đồng ruộng.

Tập hợp nhu cầu, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của sinh viên để phản ánh đến với các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức Hội Nông dân và các cơ quan có thẩm quyền về những chủ trương, chính sách, những vấn đề liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Theo Báo Cần Thơ