Lớp học đặc biệt trên bè cá

Cập nhật, 15:55, Thứ Hai, 07/09/2020 (GMT+7)

Mỗi chiều thứ ba và thứ năm hàng tuần, tại cồn Sơn (phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) có một lớp học đặc biệt dành cho cộng đồng làm du lịch tại địa phương. Đó là lớp học tiếng Anh diễn ra trên bè cá của chú Bảy Bon giữa dòng sông Hậu.

Chị Bảy Muôn (thứ hai, từ phải sang) và thầy Barry White (đứng) tại lớp học.
Chị Bảy Muôn (thứ hai, từ phải sang) và thầy Barry White (đứng) tại lớp học.

Trên chiếc ghe tam bản, từng đoàn người náo nức đến lớp học được tổ chức trên bè cá của chú Bảy Bon, tên thật là Lý Văn Bon, một hộ làm du lịch ở cửa ngõ cồn Sơn.

Chị Năm Phước, chủ vườn Song Khánh tươi cười đến chào thầy Barry White - giáo viên người Úc tình nguyện giảng dạy tại lớp.

Trao đổi tự tin bằng tiếng Anh của chị Năm Phước với thầy Barry White nhận được sự cổ vũ của cả lớp. Lớp học cũng náo nhiệt hẳn lên.

Các thành viên trong lớp thuộc nhiều lứa tuổi. Nhỏ nhất mới 8 tuổi, còn người lớn nhất trên 60 tuổi. Lớp học bình quân có khoảng 30 người, có người mang theo con cháu, hoặc vợ chồng cùng đi học.

Họ đến đây với mục tiêu chung: học thêm kỹ năng để phục vụ du lịch của cộng đồng, nhất là giao tiếp với du khách nước ngoài đến cồn Sơn.

Ông Lý Văn Bon cho biết: “Ðây là lớp tiếng Anh đầu tiên trên bè và cồn Sơn. Chúng tôi vui khi tham gia lớp học này vì cần thiết cho công việc của bà con.

Tôi rất mong học được cách giao tiếp với người nước ngoài, có thể tự giới thiệu về các sản phẩm của mình. Bà con ở đây ai cũng mong có thể tự mình nói với khách về con cá, mảnh vườn, món ăn hơn là phải qua trung gian từ các bạn hướng dẫn viên. Khi mình được nói, chia sẻ thì cảm xúc chân tình hơn”.

Du lịch cộng đồng cồn Sơn đã hình thành và phát triển khoảng 5 năm nay. Phần lớn người dân làm du lịch là nông dân, nên giao tiếp bằng tiếng Anh hạn chế.

Nhận thấy điều này, anh Lê Ðình Tuyển, Báo Thanh Niên, đã vận động tổ chức lớp học miễn phí cho bà con: “Du lịch cồn Sơn ngày càng phát triển và nhiều khách quốc tế đến đây. Tuy nhiên, bà con lại không giao tiếp được với họ.

Ðây là một thiệt thòi. Do đó, tôi có ý tưởng và vận động tổ chức lớp tiếng Anh cho người dân cồn Sơn. Mọi người rất ham học hỏi và tôi hy vọng qua lớp học, bà con có thể tự giới thiệu nét văn hóa, những sản phẩm của gia đình mình cho du khách”.

Ý tưởng này hình thành từ đầu năm 2020, nhưng do dịch bệnh COVID-19 nên kéo dài đến tận bây giờ mới tổ chức.

Lớp học do Trung tâm Ngoại ngữ Huyền Lê phụ trách chính, dạy tiếng Anh miễn phí cho người dân ở cồn Sơn trong 2 tháng. Ðồng hành cùng chương trình có anh Barry White - một người bạn của anh Lê Ðình Tuyển.

Anh Tạ Minh Khôi, Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ Huyền Lê, cho biết: “Trung tâm dạy lớp này hoàn toàn miễn phí và xem đây là việc hỗ trợ cộng đồng, nhất là bà con làm du lịch ở cồn Sơn.

Những buổi đầu, trung tâm cùng bà con học cách giao tiếp cơ bản, sau đó thiết kế lại chương trình phù hợp với từng đối tượng.

Chúng tôi kỳ vọng qua lớp học này người dân sẽ giới thiệu được bản thân, những nét cơ bản về sản phẩm của mỗi nhà”.

Chị Phan Kim Ngân, thường gọi chị Bảy Muôn, chủ nhà vườn Công Minh, nói: “Tôi dù lớn tuổi rồi nhưng rất háo hức đi học. Bản thân tôi muốn giao tiếp với khách quốc tế để giới thiệu tường tận sản phẩm, tạo sự gần gũi. Tôi cũng mong lớp học sẽ được kéo dài”. 

Trần Thu Cúc, hướng dẫn viên tại cồn Sơn, cho biết: “Em đến lớp học để hỗ trợ, học cùng các cô chú. Lớp học cũng giúp em rèn luyện thêm. Trước đây em không đủ tự tin, nhưng nhờ trao đổi với thầy Barry White, em cảm thấy trò chuyện tự nhiên hơn nếu gặp du khách quốc tế”. 

Chương trình còn cung cấp bài tập để giúp bà con tự tin giao tiếp, giới thiệu về ngôi nhà, mảnh vườn, ao cá, bè cá hay sản phẩm, dịch vụ họ làm ra. Người học sẽ có những bài thực tập, bài kiểm tra tại chính ngôi nhà, điểm phục vụ du khách.

Dù nắng hay mưa, bà con vẫn đến lớp đều đặn. Ngoài sách vở, trong những chiếc giỏ của họ còn có rau, trái cây hay những món ăn mộc mạc từ nhà mang đến tặng thầy cô lấy thảo.

Sự thân tình làm lớp học thêm gần gũi, hiệu quả, rộn tiếng cười. Sự ham học hỏi của bà con khiến những người tổ chức lớp học ấm lòng.

Chị Bảy Muôn bệnh nhưng chưa nghỉ buổi nào, vợ chồng chú Bảy Bon nắn nót từng chữ, hay chị Tô Hoàng Dịch Thủy (thường gọi chị Bé) vừa tất tả vừa đưa đò vừa tranh thủ học. Họ chưa bao giờ ngừng nghỉ việc học, để du lịch cộng đồng cồn Sơn ngày càng phát triển...

Theo Báo Cần Thơ