Màu xanh giữa mùa khô hạn

Cập nhật, 19:06, Thứ Sáu, 15/05/2020 (GMT+7)

Mùa khô khốc liệt kéo dài bao lâu, nông dân huyện Trần Văn Thời đắng lòng đến đó. Đâu rồi màu xanh mướt quen thuộc của những liếp rau, cây ăn trái trĩu quả. Lão nông Ba Lành (Hà Văn Lành, ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi) cho biết: “Trong cái khó, lòng người lại càng kiên định hơn”.

Gian nan chinh phục vùng đất khó mới tìm được giống cây trồng phù hợp với vùng đất phèn đặc này, rồi cả câu chuyện bị kẻ gian hãm hại vườn quýt của gia đình, với lão nông Ba Lành, người hại hay trời hại không đáng sợ bằng khi con người tự thua chính mình.

Mô hình trồng bông súng đem lại cho ông Nguyễn Văn Mừng thu nhập vài chục triệu đồng mỗi năm.
Mô hình trồng bông súng đem lại cho ông Nguyễn Văn Mừng thu nhập vài chục triệu đồng mỗi năm.

Nói dễ hiểu theo cách của nhà nông là “nông dân mà không thật sự là nông dân”, sợ cực, sợ lấm lem bùn đất, sợ nếm mùi thất bại. Chẳng phải ông bà xưa hay bảo “có sức người sỏi đá cũng thành cơm” đấy sao? Người phụ đất chớ đất không phụ người. Thời tiết ngày càng khó khăn cho trồng trọt, chăn nuôi thì tìm cách thích nghi. Đợt trái này không như mong muốn thì gầy lại đợt sau. Vậy nên, ông Ba Lành đang ra sức chăm sóc mấy trăm gốc quýt đường đang cho trái cỡ bằng trái chanh. Hy vọng trời bắt đầu mưa xuống, trái đủ nước, phát triển tốt, vụ thu hoạch tới sẽ như mong đợi.

Thành quả lao động sau bao nhiêu năm gầy dựng là trên bờ bao cao ráo thì trồng 2.000 gốc quýt đường nhiều độ tuổi khác nhau, 1 năm, 3 năm, 5 năm; xung quanh đào kênh, mương trồng bông súng. Màu hồng của bông súng làm dịu đi cái nóng gay gắt đang lên đến đỉnh điểm buổi trưa, tô thắm thêm nét đẹp giản dị nơi miền quê Vồ Dơi xa xôi.

Theo ông Ba Lành, loài cây dân dã này như “cánh tay trái” góp phần không nhỏ giúp bà con bám trụ nơi xứ rừng. “Tích tiểu thành đại”, 1 ký bông súng có giá 4.000-6.000 đồng, có lúc cũng chịu cảnh giá cả lên xuống nhưng nhờ số lượng nhiều nên nguồn thu không phải ít.

Ông Ba Lành chia sẻ: “Nhà tôi trồng bông súng quanh năm. Những tháng hạn này, tuy mực nước giảm nhưng cũng còn được 5, 7 tấc, hoặc có chỗ cả thước nước nên bông súng vẫn sinh sôi được. Khoảng 4 ngày tôi nhổ một đợt được vài chục ký, thời điểm này 1 kg bông súng có giá 4.000 đồng. Khi trời mưa, nước cao cỡ bằng mặt ruộng thì cách 2 bữa tôi nhổ được 200-250 kg bông súng. Để có bông súng thu hoạch suốt thì mình phải chăm sóc. Lúc nước cạn mình lấy những bông súng già thành trái rồi thành hột, rải lên ruộng, vậy rồi khi mưa xuống là nó mọc”.

Nhắc đến sản lượng bông súng nhiều những ngày nắng cháy này, ai cũng bảo đồng của ông Ba Mừng (Nguyễn Văn Mừng) là nhiều nhất. Hạn hán gay gắt, thời tiết oi bức, ngột ngạt nhưng bước chân đến ruộng vườn nhà ông Ba Mừng ai cũng thấy lòng khoan khoái. Những bờ kênh bông súng mọc dày một màu hồng thắm thật đẹp mắt. Ông Ba Mừng bảo, nhà ông có tới 4 kênh trồng bông súng quanh năm, ngoài bông súng đồng còn có giống bông súng Đà Lạt.

Ông Ba Mừng hớn hở: “Ngày nào cũng nhổ 200 kg, bỏ túi 800.000 đồng khoẻ re”. Nhìn đồng bông súng nhà ông Ba Mừng, nhiều người hay bảo, vùng đất này chắc dễ trồng bông súng lắm. Ông Ba Mừng cười trừ: “Thật ra, tuy mình thấy bông súng dễ trồng, thậm chí là loại cây thiên nhiên mọc tự nhiên trên đồng ruộng xưa giờ nhưng để làm kinh tế hẳn hoi không phải dễ. Huống chi vùng đất này nổi tiếng đất phèn. Nhiều người chịu không nổi cơ cực bỏ đi nơi khác mần ăn. Để trồng được nó mình phải bỏ công hơn chỗ khác gấp đôi, gấp ba. Như rải vôi hạ phèn phải cần số lượng hàng tấn. Chớ để phèn còn lợn cợn trong nước thì trồng được nhưng sản lượng không nhiều”.

Ngoài bông súng thì cây chuối, giống cây trồng quen thuộc không chỉ phù hợp với vùng đất phèn Vồ Dơi mà vẫn thích nghi với mùa hạn. Nói về hiệu quả kinh tế của cây chuối, ông Ba Mừng chia sẻ: “Bông súng hay chuối là những đối tượng trồng trọt tốn rất ít chi phí. Người ta hay bảo, trồng chuối tiền có bao nhiêu, thực chất không phải vậy. Muốn có thu nhập nhiều thì mình phải trồng có kỹ thuật, bỏ công chăm sóc. Ngoài trồng chuối đảm bảo có khoảng cách giữa gốc này với gốc kia, dọn dẹp vườn thường xuyên, người trồng còn phải thường bồi đất cho cây, đặc biệt là bố trí kênh, mương sao cho chiếc xáng có thể vào được, như vậy mỗi lần cải tạo, đắp đất không gây ảnh hưởng đến vườn chuối, không tốn công trồng lại. Gia đình tôi trồng 4 ha chuối, hiện nay 1 tuần đốn 1 lần, dao động 1 tấn chuối. Mưa xuống thì sản lượng nhiều hơn nữa”.

Nói đến cây chuối ở quê nhà, anh Tám Đức (Nguyễn Minh Đức, Phó ấp Vồ Dơi) khẳng định: “Đời sống bà con ở xứ này đổi thay từ cây chuối”. Anh còn nhớ, năm 90 về đây sinh sống, anh trồng thử 300 gốc chuối trên bờ bao. Thấy cây trồng này sống được ở xứ rừng, chục năm sau được chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả để trồng chuối, anh mạnh dạn mở rộng diện tích trồng. Với 1,8 ha trồng chuối, nắng hạn hiện nay hơn 1 tuần gia đình anh thu hoạch  1 lần, với giá 3.200 đồng/kg, sản lượng từ 300-700 kg, cũng có được khoản thu nhập tương đối để chi tiêu trong gia đình. Lộ làng thông thoáng, xe tải chạy dập dìu, việc thu mua nông sản của bà con thuận tiện hơn nhiều, không còn cảnh chịu ép giá vì đường xa trắc trở, bà con yên tâm trồng trọt, chăn nuôi.
Thời tiết ngày càng khó khăn cho sản xuất. Tìm mô hình phù hợp với biến đổi khí hậu là câu chuyện tất yếu. Đôi khi không cần ở đâu xa, với những cây trồng quen thuộc, chỉ cần tìm tòi, sáng tạo như những lão nông Ba Lành, Ba Mừng, chuyện sống chung với hạn, mặn đơn giản là thế./.

Theo Ngọc Minh/Báo Cà Mau