Đồng bằng "bước cùng nhau" thích ứng biến đổi khí hậu

Cập nhật, 14:43, Thứ Tư, 01/01/2020 (GMT+7)

Nhìn lại thực trạng hạn, mặn, sạt lở trong thời gian qua, các chuyên gia cho rằng đã đến lúc Việt Nam cần thay đổi tư duy với phương châm “thích ứng” và “thuận thiên” để phát triển bền vững “vựa lúa của cả nước”.

Sạt lở bủa vây ĐBSCL khiến cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn.
Sạt lở bủa vây ĐBSCL khiến cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn.

Lo hạn, mặn ngay trong tết

Những năm qua, không ít cái tết nhưng người dân đồng bằng châu thổ Cửu Long… mất tết, bởi xâm nhập mặn, sạt lở đất xảy ra bất thường. Người dân ở cồn Thanh Long (ấp Phước Lý Nhì, xã Quới Thiện- Vũng Liêm) không thể nào quên cái tết cách nay 4 năm (2016) khi mới sáng mùng 1 tết, bờ bao bảo vệ vườn cây ăn trái ở đây sạt lở.

Nước tràn vào ngập vườn tược, nhà cửa, nhiều gia đình phải dọn lên bờ đê, đón tết trong cảnh màn trời chiếu đất. Rồi, trong khi ngoài sông nước đầy ắp mà “không xài được”.

Nước mặt “mặn lơ lớ” nên chỉ có thể tắm giặt, còn ăn uống thì phải mua nước bình. Để có nước ngọt, nhiều người phải tìm đến các ao hồ mà trước đây được đào để nuôi cá nay dùng trữ nước ngọt sử dụng.

Còn tết này, nhiều người dân sống ven sông Hậu thuộc xã Bình Mỹ (huyện Châu Phú- An Giang) cũng còn lo khi “Hà bá” chực chờ. Đầu tháng 8/2019, một đoạn đường dài gần 100m trên tuyến Quốc lộ 91 qua khu vực này bị sụp xuống sông.

Quốc lộ này là tuyến giao thông huyết mạch nối từ TP Cần Thơ- Long Xuyên- Châu Đốc và nước bạn Campuchia. Sau sạt lở, mặc dù ngành chức năng đã nhanh chóng vào cuộc khắc phục, song do diễn biến còn phức tạp nên khó có thể đáp ứng việc đi lại dịp tết này.

“ĐBSCL đối mặt với nguy cơ “biến mất” trong tương lai” hay “Miền Tây khát giữa mùa mưa” là những cụm từ trở nên quen thuộc và thực sự đang là thách thức. Kịch bản của biến đổi khí hậu mà đồng bằng này đang phải gánh chịu không còn là sự nhận diện mà là hệ lụy hiện hữu sớm hơn dự báo.

Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên- Môi trường) Hoàng Văn Bảy cho biết, từ năm 2000 đến nay, có 4 năm xảy ra lũ lớn, 6 năm lũ vừa và 7 năm lũ nhỏ. Lũ có xu hướng đến muộn hơn.

Từ năm 2010 đến nay, số trận lũ lớn giảm so với trước kia, chủ yếu là lũ vừa và nhỏ (chiếm 90%), lũ đầu vụ (tháng 8) cũng suy giảm nghiêm trọng. Trung bình hàng năm, xói lở đã làm mất khoảng 300ha đất, rừng ngập mặn ven biển.

Trong 20 năm, đã có khoảng 10 nghiên cứu của các chuyên gia, tổ chức trong và ngoài nước về quá trình sụt lún, sạt lở và nước biển dâng, đều có chung kết quả: ĐBSCL bị lún trung bình khoảng 18cm do hậu quả của việc hạ thấp mực nước dưới đất.

Nghị quyết cho đồng bằng

Cần cơ cấu lại nông nghiệp ĐBSCL gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.
Cần cơ cấu lại nông nghiệp ĐBSCL gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

Năm 2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu “dành riêng” cho ĐBSCL với mục tiêu là giải pháp để giảm thiểu những rủi ro do thiên tai gây ra và tạo sinh kế bền vững cho người dân trong vùng.

Đánh giá kết quả 2 năm triển khai thực hiện nghị quyết, Bộ trưởng Tài nguyên- Môi trường- Trần Hồng Hà nhấn mạnh, đã có những chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp, các ngành.

Kết quả đó là hệ thống cơ chế, chính sách bước đầu được hoàn thiện, tập trung thúc đẩy phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững; công tác điều tra cơ bản, quan trắc được tăng cường, dữ liệu ngành được thiết lập và hệ thống hóa.

Tại Vĩnh Long, gần như tất cả ban, ngành đều “khởi động”. Nhiều sở, ngành đã ký kết kế hoạch liên tịch về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, thực hiện lồng ghép thích ứng, ứng phó rủi ro thiên tai.

Trong 2 năm (2017- 2018), tỉnh đầu tư gần 2.000 tỷ đồng để triển khai xây dựng trên 1.300 công trình kết cấu hạ tầng thủy lợi lớn, nhỏ ứng phó.

Để nghị quyết đi vào cuộc sống, bền vững và thành công, ngoài đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp, các ngành; thực hiện liên kết vùng thì phải “bước cùng nhau” để tạo ra được những thương hiệu chung.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp- Lê Minh Hoan cho rằng, nói đến ĐBSCL là nói đến bức tranh về hạ tầng, cần có sự cộng hưởng giữa cơ sở hạ tầng hoàn thiện với sự chuyển đổi nền kinh tế và vấn đề quan trọng nhất là sớm có sự định hướng. Đồng thời “cần phải thay đổi tư duy thì nghị quyết mới khả thi”.

Đó là dần gỡ bỏ “ngôi vua” của cây lúa, chuyển từ cải tạo, đối phó với thiên nhiên sang thích ứng. Hơn nữa, ngày nay khái niệm an ninh lương thực cần đi kèm với an ninh dinh dưỡng, tức là các thành phần thực phẩm khác chứ không chỉ có gạo.

Nếu vẫn giữ tư duy an ninh lương thực bằng số lượng thì việc chuyển sang chất lượng nông nghiệp và làm kinh tế nông nghiệp như Nghị quyết 120 sẽ không khả thi.

Tại hội nghị đánh giá kết quả 2 năm triển khai thực hiện nghị quyết này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết đã thấy được thực tiễn đang đặt ra cùng những thành công quan trọng của các giải pháp phi công trình và một số giải pháp công trình trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu của vùng. Dù phải đối mặt không ít thách thức nhưng Thủ tướng lạc quan vào tương lai của vùng đất này.

“Chúng ta không hoảng hốt mà cần tìm ra lối đi, cách làm tốt nhất, khoa học nhất, phù hợp nhất, trong đó đổi mới tư duy, hành động của hệ thống chính trị và người dân nhằm mang lại tốt hơn cho cuộc sống người dân cùng vượt qua thách thức để có một tương lai tươi sáng”- Thủ tướng cũng cho rằng, công cuộc chống biến đổi khí hậu một cuộc chiến trường kỳ, hết sức khó khăn và phức tạp, vì vậy phải biết huy động nguồn lực tổng hợp của tất cả các thành phần, từ Trung ương đến địa phương, cả trong và ngoài nước, từ sức mạnh của nhân dân, hệ thống chính trị thì mới có thể thành công và phát triển bền vững.

Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG