Hạt ngọc đôi bờ Chắc Băng

Cập nhật, 10:59, Thứ Sáu, 06/12/2019 (GMT+7)

“Kinh xáng Chắc Băng”, cái tên huyền thoại đã đi vào lòng người từ thuở khai hoang lập địa. Kênh xáng Chắc Băng không chỉ là trục giao thương chính bằng đường thuỷ mà còn tạo ra những vùng đất trù phú nơi nó chảy qua. Vùng đất tôm - lúa của huyện Thới Bình là một trong số đó.

Chắc Băng xưa - nay

Kênh xáng Chắc Băng nối ngã ba Sông Trẹm tại thị trấn Thới Bình đến ngã ba sông Cái Lớn, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang, dài hơn 40 cây số.

Ngược dòng lịch sử tìm hiểu về cái tên Chắc Bằng càng cho ta thấy sự thú vị của con kênh này. Trong cuốn “Bạc Liêu xưa” ghi nhận rằng, cái tên Chắc Băng có từ câu trăn trối của vua Nguyễn Ánh lúc lâm bệnh trong thời gian chạy trốn nghĩa quân Tây Sơn về đây ("chắc trẫm băng hà...").

Còn theo Nhà văn Sơn Nam lý giải, địa danh Chắc Băng là do đọc trại từ tiếng Cao Miên “Chap tung”, nghĩa là chim chằng bè, loại chim có nhiều ở vùng đất này.

Cách lý giải nào cũng có lý và cơ sở riêng, tuy nhiên, giờ không còn quá quan trọng so với sứ mệnh, giá trị mà con kênh Chắc Băng đã và đang mang lại quanh vùng những nơi nó chảy qua.

Kể từ năm 1919, khi thực dân Pháp cho đào mở rộng, kênh xáng Chắc Băng càng trở nên quan trọng trên tất cả các lĩnh vực từ đời sống kinh tế đến văn hoá và quốc phòng.

Trong 2 cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc đã có rất nhiều giai thoại hào hùng của người dân phương Nam gắn liền với kênh xáng Chắc Băng. Tiêu biểu nhất là trong thời kỳ sau khi ký Hiệp định Genève, kênh Chắc Băng được chọn là trung tâm khu tập kết 200 ngày để cán bộ miền Nam ra Bắc.

Cũng tại đây, khu vực Ranh Hạt (vùng giáp ranh giữa xã Trí Phải và xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang), má Lê Thị Sảnh đã gởi cây vú sữa cho cán bộ tập kết kính tặng Bác Hồ và đồng bào miền Bắc, với câu nói đã được lưu truyền sử sách: “Ra ngoài đó, các con thưa với Cụ Hồ, thưa với cô bác miền Bắc rằng, bà con trong này luôn hướng về Cụ Hồ, hướng về miền Bắc”.

Dọc hai bờ kênh là trụ sở huyện, trường học, bệnh viện, doanh trại quân đội…, đặc biệt hơn là những ngôi nhà tường khang trang hai, ba tầng với đầy đủ tiện nghi, đường giao thông thông suốt... Tất cả như điểm sắc hồng cho Chắc Băng hôm nay.

Kênh xáng Chắc Băng là trục kênh chính vận chuyển hàng hoá bằng đường thuỷ, nhất là cát, đá…
Kênh xáng Chắc Băng là trục kênh chính vận chuyển hàng hoá bằng đường thuỷ, nhất là cát, đá…

Xét về giao thông đường thuỷ, ngày nay nhiều người, nhất là trong giới xây dựng thường gọi kênh xáng Chắc Băng là “con đường cát đá”.

Bởi hàng ngày sà lan chở cát, đá hàng trăm tấn "ăn" hàng từ các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ... nối đuôi nhau xuôi dòng Chắc Bằng về để phục vụ những công trình xây dựng trong tỉnh.  

Cứ thế, hơn 100 năm qua, kênh xáng Chắc Băng êm ả mang những dòng phù sa từ các con sông thượng nguồn về bồi trúc thêm độ màu mỡ cho vùng đất trù phú và độc đáo của huyện Thời Bình.

Cũng chính nhờ con kênh này mà những sản vật của huyện, tỉnh toả đi khắp nơi trong nước và cả thế giới, đổi lại là cuộc sống sung túc cho người dân.

Theo Chủ tịch UBND xã Trí Lực Lâm Thanh Hà, từ xưa đến nay, tất cả sản phẩm của người dân từ cây mía, cây trúc giờ là lúa… nếu với sản lượng lớn đều vận chuyển thông qua kênh xáng Chắc Băng.

Hạt ngọc nặng trĩu đôi bờ

Với vai trò vô cùng quan trọng ấy, giờ đây, hàng loạt những con kênh nhân tạo được đào nối từ kênh Chắc Băng để vận chuyển hàng hoá, tháo phèn, rửa mặn… tạo nên những cánh đồng tôm - lúa vô cùng độc đáo khó nơi nào có được.

Vùng đất tôm - lúa xã Trí Lực là một trong nơi tiêu biểu nhất của huyện Thới Bình. Lấy nước từ kênh xáng Chắc Băng (thông qua Kênh 9, Kênh 10), Ấp 5, xã Trí Lực hiện nay là vùng lúa hữu cơ được cấp giấy chứng nhận quốc tế.

Nhìn cánh đồng lúa cao sản ST 24 hơn 1,3 ha đang trĩu hạt, anh Trần Văn Quyết cười vui chia sẻ, vụ lúa này nắm chắc phần thắng. Tuy thương lái chưa cho giá cụ thể nhưng đã có cam kết từ bằng đến cao hơn năm ngoái, tức phải trên 7.750 đồng/kg.

Đây là năm thứ hai gia đình anh Quyết trồng lúa ST 24 trên đất nuôi tôm theo quy trình sản xuất hữu cơ. Vụ mùa năm 2018, gia đình anh thắng lớn vụ lúa với năng suất đạt trên 5 tấn/ha. Đó là chưa kể khoản thu đáng kể từ con tôm càng xanh kết hợp trong ruộng lúa.

Cán bộ thuỷ sản xã kiểm tra độ mặn hàng ngày từ ngoài kênh đến trong vuông để đảm bảo năng suất và chất lượng lúa khi thu hoạch.
Cán bộ thuỷ sản xã kiểm tra độ mặn hàng ngày từ ngoài kênh đến trong vuông để đảm bảo năng suất và chất lượng lúa khi thu hoạch.

Thấy được hiệu quả cao từ mô hình này, vụ mùa năm 2019 này, nhiều hộ dân trong khu vực đã tiến hành nhân rộng. Gia đình anh Trần Văn Nhanh là một trong số đó.

Anh Nhanh tâm sự, đất liền ranh nhau mà người ta thu hoạch đến đâu có người mua đến đó với giá gần gấp đôi mình thấy mà xót, nên năm nay bằng mọi giá phải làm theo và đến thời điểm này có thể khẳng định là thành công.

Dọc tuyến Kênh 9, đến đâu cũng thấy những cánh đồng lúa trên đất nuôi tôm bạt ngàn đang trĩu hạt, hứa hẹn vụ mùa bội thu.

Càng vui hơn cho bà con nơi đây khi Phó chủ tịch UBND huyện Thới Bình Lý Minh Vững cho biết, với bao nỗ lực của các cấp chính quyền, cũng như sự chung tay của người dân, kết quả 1 ngàn héc-ta lúa cao sản ST 20 và ST 24 trong các vùng quy hoạch của huyện đã được cấp giấy chứng nhận lúa hữu cơ.   

Được biết, mô hình sản xuất lúa hữu cơ được huyện Thới Bình triển khai ở các xã: Trí Lực, Thới Bình và Tân Lộc Bắc. Còn riêng lúa sạch được triển khai tại các xã dọc tuyến sông Trẹm như: Biển Bạch, Tân Bằng, Biển Bạch Đông, Hồ Thị Kỷ… Mục tiêu đến năm 2020, toàn huyện có khoảng 15 ngàn héc-ta lúa hữu cơ được cấp giấy chứng nhận.

Mỗi lần về Chắc Băng trong lòng luôn ấn tượng. Chợ Huyện Sử ngày nay sung túc, người dân mua bán tấp nập.

Ngồi ngay ngã tư Huyện Sử (điểm giao nhau giữa kênh xáng Chắc Băng, Kênh Chùa và Kênh Kiểm, mà theo người dân đây là trục kênh mang nước mặn về cho huyện Thới Bình mỗi khi vào vụ tôm), nhìn cảnh mua bán tấp nập của bà con trên sông, nghe các lão nông nói về kênh xáng Chắc Băng, lòng bỗng dâng lên bao cảm xúc lạ thường và tự hỏi: "Nếu không có con kênh Chắc Băng, hẳn nơi này giờ đây có sung túc đến vậy?".

Ông Lý Minh Vững cho biết, huyện đã xây dựng được chuỗi liên kết chặt chẽ từ đầu vào đến đầu ra với 5 doanh nghiệp từ lúa hữu cơ, lúa sạch cho đến tôm sạch và hiện nay có thêm 3 doanh nghiệp vào xin liên kết. Đảm bảo mặt hàng lúa sạch, tôm sạch và lúa hữu cơ của người dân làm ra bao nhiêu cũng tiêu thụ hết.

Theo Báo Cà Mau